Xây lại ước mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những cán bộ quản giáo tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) ở huyện Mang Yang (Gia Lai) đang hằng ngày giúp những con người lầm lỗi viết lại bao ước mơ còn dang dở.

Dạy chữ, dạy nghề, ươm lại ước mơ cho phạm nhân
Dạy chữ, dạy nghề, ươm lại ước mơ cho phạm nhân

"Họ cũng là những con người, chỉ là lầm đường, lạc lối. Mỗi người mỗi tâm tính, nên để cảm hóa thì phải hiểu được lai lịch, tâm lý, tình cảm. Sự hướng thiện mỗi người đều có nhưng làm thế nào để đưa họ đến con đường sáng là công việc thầm lặng, đầy gian khổ của chúng tôi"-Thiếu tá LÊ VĂN ĐẠT (cán bộ quản giáo Phân trại số 2, Trại giam Gia Trung)


Nhiều phạm nhân được đưa đến đây nghĩ quẩn nên thiếu khát vọng hoàn lương. Họ chống đối những nội quy, quy định của trại, sẵn sàng gây gổ, đánh nhau với các phạm nhân khác.

Nguyễn Xuân Thủy (quê Hà Nam) là một phạm nhân có thái độ chống đối như thế. Mới 33 tuổi nhưng Thủy đã có ba tiền án: mua bán trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích, trốn khỏi nơi giam giữ và phải chịu án chung thân. Thủy được chuyển đến trại với lời cảnh tỉnh là hay chống đối, gây gổ đánh nhau, ngang ngược.

Thủy nói: “Tuổi trẻ suy nghĩ bồng bột và em không chấp nhận thực tế với bản trọng án nên sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực. Năm 2015 em được chuyển đến Trại giam Gia Trung. Ở đây một thời gian thì em đã thay đổi suy nghĩ, tâm tính, bởi các cán bộ quản giáo thường xuyên gặp gỡ động viên, hướng dẫn cho em con đường đi đúng để cải tạo. Giờ đây em đã được xếp loại khá và được cán bộ tin tưởng giao thành viên tổ tự quản trong phân trại số 1 này”.

Sự khoan dung, nhân ái và không kém phần cương quyết của những cán bộ quản giáo nơi đây đã làm thay đổi nhận thức, hành động của nhiều phạm nhân, giúp họ cải tạo tiến bộ. Cụ thể, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy kỷ luật giảm dần qua các năm. Nếu năm 2012, tỷ lệ phạm nhân xếp loại kém chiếm 11,89% thì đến nay, tỷ lệ phạm nhân xếp loại kém chỉ còn 1,19%.

Như trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn Lắn, đàn em trong vụ án Năm Cam với nhiều tội danh chấp hành án phạt 20 năm tại Trại giam Gia Trung. Lúc mới vào, Lắn đứng sau kích động, xúi giục phạm nhân khác vi phạm. Hay phạm nhân L.T.T (trú TP.HCM) phạm tội giết người với án phạt chung thân. Đây là phạm nhân từng nghiện ma túy, nhiễm HIV nên sống bất cần, buông thả, sẵn sàng vi phạm nội quy trại giam. Song đến nay họ đều đã có kết quả cải tạo tiến bộ.

Thiếu tá Lê Văn Đạt, cán bộ quản giáo Phân trại số 2, Trại giam Gia Trung, nói: “Họ cũng là những con người, chỉ là lầm đường, lạc lối. Mỗi người mỗi tâm tính, cá tính nên để cảm hóa giáo dục thì phải hiểu được lai lịch, tâm lý, tình cảm để có biện pháp phù hợp. Sự hướng thiện mỗi người đều có nhưng làm thế nào để đưa họ đến con đường sáng là công việc thầm lặng, đầy gian khổ của chúng tôi”.

 

Những cán bộ quản giáo tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) ở huyện Mang Yang (Gia Lai) đang hằng ngày giúp những con người lầm lỗi viết lại bao ước mơ còn dang dở.

Những bức thư gửi về Trại giam Gia Trung viết bằng nỗi lòng đầy biết ơn của những người từng cải tạo ở đây đã nói lên tất cả. “Thưa giám thị (tức đại tá Nguyễn Đình Ba, giám thị Trại giam Gia Trung), trước đây tôi là một con người ngang bướng, trượt dài trên con dốc mà không có điểm dừng. Nhưng kể từ ngày giám thị gặp gỡ, động viên và dành mọi tình thương, tạo mọi điều kiện cho một người như tôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tìm ra cho mình một hướng đi. Đó là phải cải tạo thật tốt thì mới sớm về với gia đình và xã hội. Giám thị như một người thầy, người cha đã sinh tôi ra lần thứ hai, đã mở cho tôi một hướng đi đầy ánh sáng. Tận sâu trong đáy lòng, cho tôi gửi lời biết ơn sâu sắc đến giám thị cùng hội đồng cán bộ. Một sự biết ơn mà tôi nghĩ chắc cả cuộc đời này tôi không bao giờ đền đáp được”, thư của phạm nhân Đỗ Quyết Thắng.

Hay bức thư của phạm nhân Nguyễn Quốc Huy ở đội 13, Phân trại số 2: “Giám thị, Hội đồng cán bộ luôn là những người gần gũi, yêu thương, giúp đỡ giáo dục mỗi phạm nhân trên con đường khát vọng làm người. Chính nơi đây, các thầy vẫn hằng giờ, hằng ngày cống hiến hết mình bằng cả một tấm lòng nhân đạo, khoan dung, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tôi có thêm sức mạnh, hy vọng, quyết tâm làm lại cuộc đời”.

Cùng với công tác quản giáo, với mục đích trang bị cho phạm nhân những kiến thức cơ bản, giúp họ nhận thức được những tội lỗi do mình gây ra để từ đó cải tạo tốt, những năm qua, Trại giam Gia Trung đã mở những lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho các phạm nhân do đơn vị quản lý. Những bàn tay một thời lầm lỡ giờ đã thuần thục với cây bút, trang giấy. Được tiếp cận với tri thức, họ cũng dần nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật.

Trần Hiếu (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.