Thủ lĩnh thanh niên với sáng kiến tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kỹ sư điện 9X Lê Duy Phúc, Bí thư chi đoàn Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM có nhiều sáng kiến tiết kiệm cho đơn vị hàng tỷ đồng. Những sáng kiến đó của anh góp phần hiện đại hoá trong quản lý, vận hành và nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành điện TPHCM.

Từ “trạm không người trực”

Một trong những sáng kiến ấn tượng nhất của Lê Duy Phúc là “Ứng dụng công nghệ chia sẻ màn hình giám sát tại một trạm không người trực của Cty Lưới điện Cao thế TPHCM”. Phúc cho biết, trước khi có sáng kiến này, mỗi trạm có 6 nhân viên chia ba ca trực suốt ngày đêm, mỗi ca 2 người. Trong ca trực chỉ khi có sự cố thì mới cần xử lý thao tác, do đó rất lãng phí nhân công. Quy trình xử lý mất nhiều thời gian từ lúc trung tâm gọi điện yêu cầu nhân viên kiểm tra đến khi xử lý xong. “Ứng dụng công nghệ trạm không người trực giúp tiết kiệm hàng chục ngàn USD, đồng thời toàn bộ quá trình thao tác điều khiển từ xa nhanh gọn thông qua hệ thống đặt tại Trung tâm Điều độ hệ thống, chỉ mất chưa đầy một phút so với thời gian 15-20 phút trước đây”, Phúc nói và cho biết đến nay đã có 40 trong tổng số 60 trạm áp dụng công nghệ thành trạm không người trực.

 

Lê Duy Phúc (đeo kính, ngoài cùng bên phải) tích cực tham gia các hoạt động lan tỏa cảm hứng sáng tạo, cống hiến cho các bạn trẻ.
Lê Duy Phúc (đeo kính, ngoài cùng bên phải) tích cực tham gia các hoạt động lan tỏa cảm hứng sáng tạo, cống hiến cho các bạn trẻ.

Năm 2016 được xem là năm “gặt hái” của Phúc khi có nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao. Với sáng kiến “Ứng dụng hệ thống tự động hoá cho trạm ngắt theo giao thức IEC 6180”, đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá hệ thống trạm biến áp, đồng thời giúp ngành điện thành phố làm lợi hơn 500 triệu đồng so với các phương án đầu tư khác.

Phúc chia sẻ, một trong những ưu điểm khi ứng dụng sáng kiến này là tiết kiệm được thời gian và kinh phí thi công. Nếu thi công trạm ngắt theo cách truyền thống, việc kéo dây đã ngốn 1-2 tuần và để hoàn thành thi công phải mất 1 tháng. Còn với trạm ngắt mới, thi công chỉ tốn hai ngày. “Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm tiền. Thời gian thi công mỗi trạm được rút ngắn sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều khi áp dụng đối với 60 trạm”, Phúc nói. Sáng kiến trên đã được triển khai trong vòng 4 tháng, nhưng Phúc tiết lộ mình phải nghiên cứu suốt hai năm, từ những ngày sinh viên thực tập.

“Thời gian thực tập em được giao thiết kế một sản phẩm hoàn chỉnh trên mô hình “ứng dụng lượng hoá trong việc phân phối” mô phỏng. Sản phẩm này xuất hiện ở nhiều nước phát triển, song còn rất mới với ngành điện trên cả nước.  Sau thời gian bị “ngợp”, em đã xây dựng kế hoạch, tìm kiếm tài liệu nghiên cứu mô hình. Lúc đầu nghiên cứu gặp nhiều vướng mắc nhưng nhờ có sự hướng dẫn, kết nối của những anh chị đi trước, sản phẩm hoàn thành đúng như kỳ vọng”, Phúc nhớ lại.

Lê Duy Phúc còn có sáng kiến: “Thực hiện thu thập dữ liệu đo lường các ngăn trung thế phục vụ vận hành tại trạm 220kV Bình Tân và Hiệp Bình Phước” đã tiết kiệm được chi phí thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện (hơn 4,3 tỷ đồng/2 trạm), chi phí đầu tư chỉ gần 6 triệu đồng. Sáng kiến này được áp dụng cũng đã tiết kiệm thời gian, công sức con người, có thể quản lý, điều khiển hệ thống từ xa. Từ dữ liệu thu thập về hệ thống của trung tâm sẽ phân tích được sự cố nằm ở đâu để xử lý. Điều này khác so với trước đây, mỗi khi có sự cố dòng điện phải cử nhân viên đi xử lý truy xuất vào thiết bị thì mới đọc được sự cố.

Đến thủ lĩnh truyền cảm hứng sáng tạo

Lê Duy Phúc hiện là Tổ trưởng tổ SCACA Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM thuộc Tổng Cty Điện lực TPHCM. Phúc (SN 1991, quê Bến Tre) chọn ngành điện theo học đơn giản vì “dễ có việc làm”. Những ngày theo học khoa Điện - Điện tử trường ĐH Công nghiệp TPHCM và thực tập, cậu nhận ra nhiều điều hay, ứng dụng thực tiễn của điện vào cuộc sống, giúp ích cho xã hội nên quyết định theo đuổi và đam mê cũng hình thành từ đây.

“Ở TPHCM điện không thể thiếu. Chỉ tiêu cung cấp điện đặt cao. Khi mất điện không chỉ ảnh hưởng cho ngành điện lực nói chung về doanh thu, khách hàng sử dụng điện khi đang sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, gây lỗ. Đó là một trong lý do thôi thúc em tìm tòi, học hỏi về điện”, Phúc nói.

Năm 2013, ra trường, Phúc tiếp tục đăng ký theo học Thạc sỹ ngành Kỹ thuật điện, đồng thời làm việc tại phòng SCADA (Hệ thống giám sát và điều khiển điện từ xa). Đến nay, Phúc vẫn không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu để có thêm nhiều sáng kiến, đề tài đóng góp cho ngành điện. “Em còn trẻ, có điều kiện tiếp cận với kiến thức, công nghệ mới. Em có mong muốn áp dụng những kiến thức đã học được vào thực tế để phục vụ an sinh xã hội, đóng góp cho đơn vị”, Phúc chia sẻ.

Ở đơn vị Phúc còn là Bí thư chi đoàn Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM. Là một thủ lĩnh đoàn, Phúc đã truyền lửa đam mê sáng tạo và cống hiến cho nhiều bạn trẻ khác thông qua các hoạt động: Học tiếng Anh trực tuyến, học tin học trực tuyến; các buổi sinh hoạt chuyên đề; các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao.

Xuân Tùng/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.