Ngô Hồng Phong: Người thầy nhiệt huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến xã Ia Yok, huyện Ia Grai, hỏi thăm anh Ngô Hồng Phong thì không ai không biết. Người dân ở đây hay gọi chàng trai sinh năm 1981 này là “võ sư của trẻ em nghèo” hoặc là “người thầy đặc biệt của người già”. Gọi cách nào cũng đúng, bởi anh đang dạy võ miễn phí cho hơn 80 trẻ em Jrai và mở lớp tập dưỡng sinh cho người cao tuổi.

Võ sư của trẻ em nghèo

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà đúng lúc anh Phong đang chuẩn bị đến lớp dạy võ miễn phí ở làng Bồ 2. Qua trò chuyện được biết, anh đến với môn võ Karatedo từ khi mới 12 tuổi. Lúc đầu đi tập võ cũng chỉ để rèn luyện sức khỏe, nhưng dần dần anh bộc lộ năng khiếu võ thuật và đam mê với bộ môn này từ lúc nào không biết. Sau hơn 5 năm tập luyện, anh được thầy giao huấn luyện các võ sinh mới.

 

Anh Ngô Hồng Phong bên các võ sinh người Jrai.    Ảnh: P.L
Anh Ngô Hồng Phong bên các võ sinh người Jrai. Ảnh: P.L

Sau khi thi đậu chuyên ngành Sinh học tại Trường Đại học Tây Nguyên, vì bận học tập nên anh không đến các trung tâm mà tự tập luyện ở nhà. Năm 2003, ra trường, anh được phân công giảng dạy ở Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa). “Công tác xa nhà, phải ở trọ nên cũng buồn lắm. Vậy nên, chiều chiều thầy và trò cùng nhau ra bờ sông tắm, rồi tôi dạy võ cho các em. Lúc đầu chỉ có mấy người tập, nhưng dần dần số lượng tăng lên đến gần 30 võ sinh. Đây chính là lớp võ miễn phí đầu tiên của tôi”-anh Phong tâm sự.

Năm 2005, anh Phong được chuyển về công tác tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) chỉ cách nhà chừng 2 km. Được sự hỗ trợ từ gia đình, võ đường Dã Quỳ ra đời từ đó. Tiếng lành đồn xa, lớp học ban đầu chỉ có vài người nhưng đến nay đã có hơn 200 võ sinh theo học. Từ khi võ đường đi vào hoạt động ổn định, anh Phong giao lớp học cho các huấn luyện viên là học trò các lớp trước phụ trách. Để có chi phí duy trì hoạt động của võ đường, anh Phong thu khoảng 15.000 đồng/em/tháng. “Lúc đầu, nhiều em người Jrai theo học, nhưng được một thời gian thì các em nghỉ dần. Tìm hiểu kỹ mới biết là do các em không có tiền đóng học phí. Thương các em nhà nghèo nhưng thích học võ, tôi quyết định mở lớp dạy võ miễn phí”-anh Phong chia sẻ.

Đi cùng anh Phong đến lớp võ, xa xa đã nghe thấy tiếng hô tập của các võ sinh trong nhà sinh hoạt cộng đồng làng Bồ 2. Anh Phong cho hay, lớp học này mở từ cuối năm 2017 và được sự đồng thuận cao của chính quyền xã. Hiện tại, đều đặn vào 17 giờ các ngày thứ năm và chủ nhật, hơn 80 võ sinh “nhí” người Jrai của làng Bồ 1 và Bồ 2 được anh Phong hướng dẫn kỹ lưỡng từng thế võ. Chứng kiến các em đứng xếp hàng ngay ngắn, chăm chú nhìn từng động tác của thầy mới thấy được hết niềm đam mê võ thuật của các võ sinh nghèo nơi đây. Em Rơ Châm Len (lớp 5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia Yok) chia sẻ: “Khi mới tập võ, em đau nhức khắp người nhưng giờ quen rồi lại thấy rất khỏe. Em chưa bỏ một buổi học nào”. Còn em Siu Khương (lớp 7, Trường THCS Phan Bội Châu, xã Ia Yok) cũng cho biết: “Từ khi tập võ, em không còn sợ kẻ xấu bắt nạt nữa”.

Dạy dưỡng sinh cho người già

Dù bận rộn với việc dạy học ở trường và duy trì các lớp võ, nhưng đều đặn mỗi chiều cuối tuần, anh Phong đều dành thời gian đến học các bài tập dưỡng sinh từ Hội Người cao tuổi ở thị trấn Ia Kha. Là người dạy võ nên anh Phong nắm bắt các bài tập khá nhanh. Anh cũng tranh thủ thời gian để tập các bài dưỡng sinh trên mạng internet. Anh chia sẻ: “Bố mẹ tôi đều lớn tuổi cả, muốn tập dưỡng sinh cho khỏe người nhưng không biết tập ở đâu. Chi hội Người cao tuổi trong thôn cũng muốn tập bộ môn này nhưng lại không có tiền thuê người tập. Do đó, tôi mới nảy ra ý định đi học và về dạy lại cho mọi người”.

Hiện tại, nhóm tập dưỡng sinh ở thôn Chư Hậu 5 đã đi vào tập luyện được gần 1 năm. Đều đặn 19 giờ các ngày trong tuần, 24 người cao tuổi trong thôn tập trung về võ đường Dã Quỳ tập luyện. Có người đi lại không vững, thường xuyên đau ốm nhưng từ khi tới lớp thì sức khỏe được cải thiện đáng kể. Ông Huỳnh Khả vui vẻ nói: “Tôi đã 72 tuổi, chân tay yếu dần, nhưng nhờ có những buổi tập dưỡng sinh của thầy Phong mà tôi thấy khỏe hơn, giấc ngủ cũng sâu hơn”. Còn bà Nguyễn Thị Năm (69 tuổi) thì nhận xét: “Thầy Phong dạy dưỡng sinh tận tình lắm, hướng dẫn chúng tôi từng động tác, nói chuyện với chúng tôi cũng nhẹ nhàng như nói chuyện với bố mẹ mình. Là người trẻ mà biết nghĩ đến người già như vậy quả là hiếm thấy. Sau gần một năm luyện tập, sức khỏe tôi cũng được cải thiện. Vừa tập dưỡng sinh, vừa được trò chuyện với mọi người nên thấy tinh thần thoải mái hẳn”.

Trong cuộc sống bộn bề lo toan, một lớp võ nghĩa tình và tấm lòng nhiệt huyết của anh Phong được nhiều người ngưỡng mộ là điều dễ hiểu.

Anh Võ Văn Năng-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Yok: “Nhờ lớp võ miễn phí của anh Phong mà việc tập hợp đoàn viên thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số trở nên dễ dàng hơn. Từ khi tham gia lớp võ, nhiều em trở nên hoạt bát, tự tin hơn trong giao tiếp; tình trạng chơi bời, lêu lổng cũng giảm đáng kể. Vừa biết nghĩ cho các em người Jrai, vừa biết lo lắng cho sức khỏe người cao tuổi, người như anh Phong thật hiếm thấy, bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ và học tập anh nhiều về cách sống”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.