Ước mơ có việc làm của cô gái khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trở thành người khuyết tật sau một vụ tai nạn giao thông, em Đinh Thị Lan (SN 1994, dân tộc Bahnar, làng Chré, thị trấn Kbang, huyện Kbang) đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, trở ngại để lấy bằng tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng khi tìm việc làm, ước mơ của cô gái trẻ đã bị lung lay. “Đi đến đâu người ta cũng nhìn em với cái nhìn ái ngại hoặc là với cái lắc đầu đầy thương cảm. Họ bảo cơ quan, đơn vị đã đủ chỉ tiêu”-Lan buồn bã chia sẻ.

Là con thứ 3 trong gia đình nghèo có 6 anh chị em, Đinh Thị Lan đã ý thức rằng chỉ học tập tốt mới có thể giúp bản thân vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, Lan luôn nỗ lực và đạt thành tích tốt suốt những năm học phổ thông. Cuộc sống bình lặng bị xáo trộn khi cha em không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và qua đời vào năm 2007. Không có đất sản xuất, lại đông con nên mẹ Lan phải làm việc quần quật, ai thuê gì làm nấy để nuôi 6 đứa con thơ dại. Trong nhà chỉ có mình Lan còn đi học, điều đó khiến em càng quyết tâm học thật tốt để không phụ lòng mẹ.

 

Định Thị Lan cho biết do khuyết tật nên em rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.N
Định Thị Lan cho biết do khuyết tật nên em rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.N

Năm 2013, khi đang học lớp 11, trên đường về nhà, Lan bị tai nạn giao thông khiến em bị chấn thương sọ não, hôn mê phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cả tháng trời mới tỉnh lại. “Lúc đó, không một ai tin rằng em có thể sống được nhưng ông trời cũng còn thương chị ạ”-Lan cười buồn cho biết.

Tỉnh lại nhưng di chứng của vụ tai nạn khiến một nửa người Lan yếu hẳn. Ngày xuất viện, em không nói, không nhận biết được ai trong gia đình. Phải hơn một tháng sau đó, Lan mới dần dần nhận ra mẹ, anh chị em và bắt đầu kiên trì tập luyện để đi đứng và sinh hoạt bình thường như trước.

Nhận thấy mình vẫn có thể tiếp tục việc học, Lan củng cố lại các kiến thức căn bản và xin học lại lớp 11 tại Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang). Tốt nghiệp THPT, Lan tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai chuyên ngành Văn thư-Hành chính. Lan cho biết: “Suốt 2 năm học tại Trường Cao đẳng Nghề, em luôn chăm chỉ học tập, phấn đấu có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi để dễ kiếm việc làm. Lúc xin đi học, mẹ rất lo lắng vì sức khỏe em không tốt, một bên thân người yếu nên không linh hoạt, lại thêm gia cảnh quá khó khăn. Nhưng nhờ có người bà con tốt bụng trên TP. Pleiku giúp đỡ cho chỗ ăn ở và thấy em cũng rất quyết tâm nên mẹ đã đồng ý cho em tiếp tục việc học”.

Tháng 9-2017, cô gái nhỏ đầy nghị lực phấn khởi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi đi xin việc với suy nghĩ chỉ cần học giỏi thì ra trường sẽ kiếm được việc làm, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Điểm đến đầu tiên trong hành trình xin việc là UBND thị trấn Kbang, nơi em đã từng thực tập, nhưng lãnh đạo cơ quan cho biết đã đủ chỉ tiêu. Lan tiếp tục đến Phòng Nội vụ huyện để trình bày nguyện vọng nhưng được hướng dẫn về nhà chờ… Và những nơi khác nếu không là lời từ chối thì cũng là những cái lắc đầu thương cảm.

“Hôm 12-4 vừa qua, có sàn giao dịch việc làm tổ chức tại thị trấn Kbang. Lúc đó, em lại bận phụ mẹ đi làm thuê ở xa nên không về kịp. Nếu được tham gia không chừng em đã kiếm được công việc phù hợp. Bây giờ, em chỉ mong có việc làm, ai thuê gì em cũng làm, không nề hà khó khăn, chỉ cần họ cho cơ hội em sẽ nỗ lực hết sức”-Lan bộc bạch.

Trao đổi với P.V về trường hợp của Lan, ông Trần Văn Á-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang, cho biết: “Đây là trường hợp duy nhất tại thị trấn dù khuyết tật nhưng vẫn phấn đấu nỗ lực vươn lên học tập. Chúng tôi hết sức cảm thông, chia sẻ với Lan. Trong thời gian cháu thực tập tại UBND thị trấn, chúng tôi luôn tạo điều kiện giúp đỡ. Lan cũng rất nhiệt tình, cố gắng thực hiện tốt công việc được giao. Tuy nhiên, UBND thị trấn đã đủ chỉ tiêu. Rất mong sẽ có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào đó tạo điều kiện, bố trí cho Lan một công việc phù hợp để có thu nhập nuôi sống bản thân”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.