Học nghề hay quyết vào đại học?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là câu hỏi được rất nhiều bạn học sinh cuối cấp THPT đặt ra tại buổi tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 mang tên “Tiếp bước trường thi” vừa được tổ chức tại TP. Pleiku, Gia Lai.

“Không nên theo trào lưu”

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng nên nhiều học sinh đang phân vân giữa 2 sự lựa chọn: Vào đại học để nắm trong tay tấm bằng cử nhân hay chọn nghề để sớm gia nhập vào thị trường lao động đang thiếu những tay nghề kỹ thuật cao? Trước những câu hỏi xoay quanh vấn đề này, đa số thầy cô đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước có mặt trong buổi tư vấn đều cho rằng: Nếu câu hỏi này được đặt ra cách đây vài năm thì chắc chắn đại học sẽ là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, 2 sự lựa chọn này gần như đang có sự cân bằng.

 

Học sinh tham khảo cẩm nang tư vấn tuyển sinh 2018. Ảnh: N.G
Học sinh tham khảo cẩm nang tư vấn tuyển sinh 2018. Ảnh: N.G

Ông Huỳnh Ngọc Khoan-Giám đốc Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên, phân tích: “Giảng đường đại học đúng là nơi đáng mơ ước nhưng các em không nên vào đại học bằng mọi giá. Các em nên xem xét kỹ khả năng, điều kiện của gia đình mình để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Hiện nay, có rất nhiều trường đại học tuyển sinh đầu vào rất thấp, như vậy có nghĩa cơ hội vào đại học của các em rất cao. Tuy nhiên, tôi khuyên các em cần tỉnh táo để không bị gia nhập vào đội ngũ nhân lực thất nghiệp dù sở hữu trong tay tấm bằng cử nhân. Tôi cho rằng dù lựa chọn thế nào, các em cũng nên đặt niềm đam mê, yêu thích công việc lên hàng đầu, chứ không nên chạy theo trào lưu vào đại học”.

Hiện nay, trước thực tế sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp tràn lan, định hướng cho con học nghề đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình. Trước câu hỏi: “Các cơ quan tuyển dụng luôn đòi hỏi phải có bằng đại học thì liệu học nghề ra có xin được việc làm hay không?”, ông Nguyễn Quốc Cường-Phó Trưởng ban Đào tạo, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói: “Thị trường lao động đang đòi hỏi con người phải đáp ứng vị trí lao động chứ không chỉ nhìn vào tấm bằng đại học hay bằng cấp cao hơn nữa. Hiện ở nhiều trường đào tạo nghề, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao. Nhiều trường nghề đã đổi mới chương trình để gắn với yêu cầu về nhân lực. Có bằng đại học chưa chắc đã có việc làm tốt, nhưng có tay nghề giỏi thì lại có nhiều cơ hội việc làm. Các em nên hiểu đúng về việc học nghề. Ví dụ như các em vào xin việc ở một xưởng sửa chữa ô tô thì sẽ không ai đòi bằng tốt nghiệp đại học của các em cả”.

Xu hướng chọn học nghề

“Tâm lý chung là ai cũng muốn được ngồi trên giảng đường đại học. Em cũng vậy, thích ngành Quản trị kinh doanh, nhưng thấy nhiều người học ngành này ra không có được việc làm tốt nên em cũng phân vân. Có lẽ, em sẽ đi học nghề đầu bếp vì em rất thích nấu ăn. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian 4 năm học đại học, đỡ gánh nặng tiền bạc cho bố mẹ, mà nghề đầu bếp có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao”-em Phạm Thị Phước Lợi (học sinh Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) bày tỏ.

Còn em Đinh Văn Khải (học sinh Trường THPT Pleiku) mơ ước được học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô của Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, nhưng cũng sẵn sàng đi học những ngành nghề liên quan đến sửa chữa, lắp ráp ô tô nếu trượt đại học. Khải cho biết: “Em không có ý định thi lại đại học lần 2, lần 3 nếu năm đầu tiên này em không đậu. Đại học đúng là một mơ ước lớn nhưng theo em, không nhất thiết phải theo đuổi bằng mọi giá. Hiện nay, em thấy rằng học nghề là một lựa chọn không tồi khi tiết kiệm được thời gian học tập, có cơ hội việc làm tốt. Bởi theo như em tìm hiểu thì Việt Nam đang rất cần lao động kỹ thuật có tay nghề cao”.

Không chỉ học sinh, các bậc phụ huynh cũng quan tâm đến những nghề nghiệp có nhiều cơ hội việc làm. Bà Trần Thị Xuân Thùy (phường Hội Thương, TP. Pleiku, phụ huynh học sinh Trường THPT Pleiku) cho biết: “Nếu không đậu vào ngành học tốt của trường đại học uy tín thì tôi sẽ cho cháu đi học nghề, vì đó cũng là dự định của cháu. Tôi không còn thấy nặng nề việc con mình nhất thiết phải vào đại học, vì bây giờ nhiều người học đại học ra cũng không có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.