Tết là nguồn cội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vì điều kiện học tập ở nước ngoài mà nhiều du học sinh Gia Lai phải đón Tết xa quê. Bên cạnh nỗi nhớ nhà, Tết cổ truyền cũng khiến nhiều bạn trẻ thương nhớ khôn nguôi bởi với họ, đó là văn hóa, là nguồn cội.

Nhớ những cái tết đoàn viên   
     
Cô gái Trần Thị Thảo (thôn 9, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) trúng học bổng nâng cao tiếng Pháp tại Trường Đại học ELFE (Paris, Pháp) ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Khi bạn bè rộn ràng nhận những bó hoa tươi thắm, những lời chúc tụng từ người thân trong ngày tốt nghiệp trọng đại thì Thảo lại đang trên máy bay háo hức mong đợi bình minh ở kinh đô ánh sáng Paris.

 

Trần Lê Khánh Linh (bìa phải) luôn cảm thấy tự hào về lá cờ Tổ quốc, tà áo dài và nón lá Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh
Trần Lê Khánh Linh (bìa phải) luôn cảm thấy tự hào về lá cờ Tổ quốc, tà áo dài và nón lá Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh

Tết này là vừa tròn 6 tháng Thảo đặt chân đến nước Pháp xinh đẹp. Thảo cho biết, cô thật may mắn khi đến Paris vào những ngày giao mùa, được chứng kiến những ngày hè với bầu trời xanh ngắt cùng ánh nắng vàng dịu dàng óng ả đến những ngày mùa thu của những cánh rừng lá vàng, lá đỏ mộng mơ, để rồi chạm ngõ cánh cửa mùa đông với chiếc áo măng tô ấm áp. “Mùa đông Paris thật đẹp. Có những sáng sớm thức dậy, tôi thích thú ngắm tuyết rơi trắng ngoài vườn, trắng hết những mái ngói và trắng cả con đường đến trường. Có những ngày sương mù bao trùm cả thành phố, chỉ còn nhìn thấy một vài mái nhà nhấp nhô sau rặng cây. Thế nhưng mùa đông trời Âu lại khiến tôi nhớ nhà da diết, nhớ những buổi sáng sương mù, những cánh rừng cao su nhuộm sắc đỏ khi vào đông suốt dọc huyện biên giới Ia Grai”-Thảo chia sẻ.

Paris những ngày cuối năm được trang hoàng lộng lẫy, ánh đèn giăng kín các nẻo đường, người người nhà nhà nhộn nhịp mua sắm chuẩn bị cho đợt lễ lớn cuối năm và đón chào năm mới. Nhưng chìm sâu trong không khí nô nức ấy là chút cô đơn của cô gái nhỏ xa nhà, xa quê hương. “Tôi nhớ không khí Gia Lai những ngày cuối năm lành lạnh, cùng mẹ đi chợ Tết, sắm sửa đồ đạc cho năm mới. Cả nhà cùng nhau gói bánh chưng, ba thì mua hoa mai hoa đào, còn mấy mẹ con chỉ yêu những chậu hoa nho nhỏ treo trên bậu cửa… Tết vui bởi sự đoàn viên, bởi không khí đoàn tụ nên tôi luôn trân trọng những giây phút thiêng liêng ấy bên gia đình. Tôi nhận ra, Tết Việt khiến người ta thương nhớ bởi đó là thứ cảm giác được tạo ra từ truyền thống, văn hóa, nguồn cội. Chỉ khi ở nơi đó, với khu chợ đó, vườn hoa đó, cùng gia đình và bạn bè thân thuộc, trải qua những hoạt động truyền thống của dân tộc… tôi mới có được cái cảm giác ấm áp, bình yên mà không nơi nào có được”.

Là năm đầu tiên đón Tết xa nhà, cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) cho biết dù nhớ nhà nhưng sẽ trải nghiệm trọn vẹn cảm giác Tết xa quê: “Tôi sẽ cùng những bạn du học sinh khác đón Giao thừa trong bữa tiệc cuối năm của Hội Sinh viên Việt Nam, cùng nhau chia sẻ cảm xúc của những đứa con xa nhà. Tôi sẽ kể cho bạn bè nghe câu chuyện Gia Lai mùa Tết về… Đó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Đúng như mọi người vẫn nói: “Đi thật xa để trở về”, mỗi lần đi xa là mỗi lần ta nhận ra mình yêu mảnh đất quê hương biết nhường nào. Để một lần nữa, chúng ta trân trọng hơn những khoảnh khắc thiêng liêng bên gia đình, nơi ta sinh ra và lớn lên”.

Sống thật xứng đáng với tuổi trẻ

Nếu như Thảo đang chờ đợi để trải nghiệm một cái Tết xa quê nơi kinh đô ánh sáng thì cô bạn đồng hương cùng tuổi Trần Lê Khánh Linh-sinh viên năm cuối ngành “Châu Âu học và Quản lý Truyền thông”-Trường Đại học Khoa học Ứng dụng The Hague (Hà Lan) lại đang cảm thấy tràn ngập hạnh phúc bởi Tết này cô được trở về. Lựa chọn một cuộc sống “rực rỡ” theo cách riêng của mình nên mục tiêu của cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương là đi nhiều để trải nghiệm. Khi được Trường Đại học RMIT (TP. Hồ Chí Minh) xét duyệt để trở thành du học sinh trao đổi với Trường Đại học Khoa học Ứng dụng The Hague trong vòng một năm, Linh đã vô cùng vui sướng bởi với cô gái thích xê dịch và thử thách bản thân này thì Hà Lan là lựa chọn tuyệt vời.

“Hà Lan là một đất nước bé nhỏ nhưng là trung tâm của châu Âu. Từ đây, tôi dễ dàng đi đến các nước như: Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, Áo, Hungary, Đức, Hy Lạp... Hơn nữa, Hà Lan có khá ít người Việt sinh sống so với những nước khác nên tôi có thể thử thách bản thân mình với một cuộc sống tự lập cao. Với tôi, việc có tới 90% người dân đất nước hoa tu-lip biết tiếng Anh là một thuận lợi lớn trong giao tiếp. Hà Lan đã cho tôi những trải nghiệm thú vị, được gặp gỡ những người dân bản xứ tử tế và một môi trường học tập rất chuyên nghiệp”-Linh hào hứng kể về nơi mình đang sống và học tập.

Hình thức học tập trao đổi du học sinh cũng giúp Linh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới thông qua những buổi lễ trao đổi văn hóa do trường tổ chức. Linh bày tỏ rằng đó chính là những dịp cô được thể hiện sự tự hào về quê hương Gia Lai, về đất nước Việt Nam mình. “Có quá nhiều điều muốn nói về Việt Nam nhưng thời gian thuyết trình về đất nước mình thì chỉ có 5 phút nên tôi luôn cố gắng nói thật nhanh mới có thể kể đôi chút về tà áo dài Việt Nam, về ẩm thực, phong cảnh và những người dân quê hồn hậu. Còn một điều nữa là ở đây, khi được khoác lên mình tà áo dài truyền thống, tôi thấy mình đẹp mê hồn”-Linh cười tinh nghịch.

 

Mùa thu trên nước Pháp xinh đẹp luôn làm bạn trẻ Trần Thị Thảo nhớ về Gia Lai mùa cao su thay lá. Ảnh: Trần Thảo
Mùa thu trên nước Pháp xinh đẹp luôn làm bạn trẻ Trần Thị Thảo nhớ về Gia Lai mùa cao su thay lá. Ảnh: Trần Thảo

Được đi, được trải nghiệm là một hạnh phúc nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương không vì thế mà vơi đi. Trong những ngày châu Âu đang chìm trong tuyết trắng thì mùa nắng vàng ấm áp ở Gia Lai là một nỗi khát khao lớn. Tận bên trời Âu nghĩ về chuyện quê nhà đang nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền, cảm xúc bồi hồi khó tả lại rõ mồn một với Linh bởi năm ngoái, Linh lên đường sang Hà Lan đúng ngày mùng 2 Tết. “Trong khi mọi người đang vui vầy bên gia đình, cùng nhau du xuân thì việc mình xách ba lô lên và đi đến một vùng trời xa lạ là điều khó khăn lắm. Dù biết là đi để thực hiện ước mơ, nhưng ngay trên đoạn đường ra sân bay tôi đã khóc rất nhiều vì biết sẽ nhớ gia đình, nhớ quê hương lắm. Nhưng cũng thật may, khi vừa đến Hà Lan tôi đã được đón nốt cái Tết cổ truyền của đất nước ngay Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Cộng đồng người Việt Nam tại đây đã ngồi bên nhau nâng ly rượu chúc nhau năm mới, điều này đã khiến con tim tôi vui trở lại và nhận ra rằng hãy luôn hướng suy nghĩ về phía tích cực, mọi điều tốt đẹp sẽ đến”-Linh lạc quan bày tỏ.

Ngày 30 Tết này, khi cả đất nước tạm biệt năm cũ để đón chào một năm mới đầy hy vọng cũng là lúc Linh sẽ kết thúc chương trình du học để mang về quê hương những kiến thức bổ ích, những trải nghiệm mới mẻ. Linh cho biết cô dự định sẽ đầu quân cho một công ty truyền thông đa quốc gia, nhưng trước hết hãy... ăn Tết đã. Bởi với Linh, Tết Mậu Tuất là cái Tết rất đặc biệt-Tết đoàn tụ.

Hoàng Ngọc-Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.