Rời phố về đảo lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ là những người trẻ thế hệ 8x, 9x sinh ra ở Hòn Sơn (xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang), có cơ hội được “thoát ly” khi đi học, đi làm ở Sài Gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu… nhưng vì yêu đảo lại lựa chọn quay về, chọn đảo làm nơi lập nghiệp.

Đổi nghề để bám đảo

Đặng Hùng Cường, tuổi ngoài 30, người rắn chắc, khuôn mặt rám nắng đặc trưng của dân biển, là người làm homestay (đón khách lưu trú và trải nghiệm cuộc sống gia đình - P.V) có tiếng ở Lại Sơn. “Đặc sản” của Cường là hướng dẫn khách lặn biển ngắm san hô, săn cầu gai.

 

Ba anh em Hùng Cường - Văn Hường - Thanh Phong đã lựa chọn trở về Lại Sơn.
Ba anh em Hùng Cường - Văn Hường - Thanh Phong đã lựa chọn trở về Lại Sơn.

Nghe Cường giới thiệu về các điểm tham quan khi đến Lại Sơn với niềm tự hào và niềm yêu thích ánh lên trong đôi mắt, thật khó tin Cường vốn là dân kỹ thuật. Cường kể, người Hòn Sơn chủ yếu sống bằng nghề đi biển, cha Cường cũng là một ngư phủ. Học xong phổ thông, Cường đăng ký học ngành điện tử hàng hải. Năm 2007, sau 3 năm ra trường, tích lũy được ít kinh nghiệm và vốn liếng, Cường trở về đảo, mở cơ sở sửa chữa, lắp mới các thiết bị điện tử tàu thuyền. Thế nhưng, cơ sở chỉ hoạt động được vài năm bởi nghề đánh bắt cá ở Lại Sơn không còn thịnh, ngư dân bỏ ghe tàu, thanh niên đua nhau đi Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn làm ăn.

“Người ở đảo rời đi nhưng khách du lịch đến đảo lại tăng lên. Tôi nghĩ đến chuyện làm du lịch”, Cường nhớ lại. Với sự động viên từ em trai, Cường sửa nhà, làm phòng nghỉ cho khách du lịch thuê. Vốn hiểu mọi ngóc ngách của Lại Sơn từ những ngày theo cha đi biển, Cường mạnh dạn nhận làm hướng dẫn viên cho khách lặn ngắm san hô và săn cầu gai.

Ông chủ homestay chia sẻ: “Tôi lên mạng tìm hiểu cách người ta làm homestay như thế nào để học theo. Bản thân thì đi học lớp hướng dẫn du lịch ngắn hạn. Vợ tôi nấu ăn, đưa khách đi chợ, hướng dẫn khách chọn hải sản tươi ngon. Sau hai năm, tôi có khách đều, thu nhập ổn. Có nghề mới, tôi vẫn giữ nghề cũ vì đảo vẫn còn người đi biển, tàu hư vẫn cần người sửa. Sắp tới, du lịch ở đảo phát triển hơn, khách đến đông hơn, tôi sẽ cố gắng phát huy thế mạnh của mình, làm tốt hơn để khách hài lòng. Đã chọn ở đảo, việc gì cần cho đảo tôi sẵn sàng làm”.

Không chỉ Cường mà hai người em trai cũng trở về đảo để lập nghiệp. Người em kế tên Đặng Văn Hường, tốt nghiệp đại học ngành nuôi trồng thủy sản. Hường từng làm cán bộ khuyến nông khuyến ngư của xã đảo Lại Sơn, qua một số vị trí, từ năm 2014 đến nay, Hường được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn, phụ trách khối văn - xã.

Bằng sức trẻ, lòng nhiệt thành, Hường đề xuất và trực tiếp chỉ đạo nhiều chương trình hỗ trợ bà con trên đảo làm du lịch như phối hợp với trường du lịch mở lớp hướng dẫn du lịch, kỹ năng nấu ăn, giao tiếp cho bà con trên đảo; đề xuất với huyện cho xây dựng kè đi bộ kết hợp ăn uống vào các tối cuối tuần để phục vụ khách du lịch và bà con có chỗ kinh doanh đêm; tận dụng internet, mạng xã hội để giới thiệu về du lịch Lại Sơn…

Nói về quyết định “vừa tốt nghiệp đã khăn gói về đảo” của mình, Hường bảo: “Cha tôi vốn là dân Bình Định, vì trốn quân dịch mà theo tàu đánh cá trôi dạt về đây. Hòn Sơn đã cưu mang cha tôi, se duyên cho cha gặp má. Hòn Sơn nuôi chúng tôi lớn. Chúng tôi hàm ơn nơi đây”.

Cậu em út Đặng Thanh Phong, 27 tuổi, cười tươi rói khi kể về quyết định trở lại đảo lập nghiệp. Phong từng học sửa chữa điện thoại nhưng khi đảo được kéo điện lưới quốc gia, thấy bà con mua sắm tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt… rần rần, Phong liền đi học nghề điện lạnh. Phong lý giải: “Hồi mới lớn, tôi đi cũng khắp từ Bình Định đến Vũng Tàu, Bình Dương nhưng không thấy nơi đâu bằng đảo của mình. Hơn nữa, với nghề của mình, ở những thành phố lớn, mình chỉ là hạt cát nhưng về đảo, mình lại rất có ích cho bà con”.

Cơ hội cho mình, tương lai cho đảo

“Năm 1997, bão Linda càn quét biển Tây Nam. Ông bà nội tôi ở Vũng Tàu quá sợ đã bắt gia đình tôi bỏ đảo về Vùng Tàu sinh sống. Năm đó, tôi 10 tuổi. Hơn 10 năm sau, tôi quyết định trở về đảo sau khi đã học xong cao đẳng sư phạm ngành tiếng Anh”, Nguyễn Thị Phương Thi, giáo viên tiếng Anh cấp 2, 3 Trường THPT Lại Sơn, chia sẻ. Thi là 1 trong 10 giáo viên độ tuổi 24 - 33, vốn là người của đảo, đi học rồi trở về làm công tác giảng dạy.

Thi kể, ngày gia đình rời đi, Lại Sơn tan hoang, chưa được phục hồi. Mọi người rời đảo mà lòng ngổn ngang. Chiếc tàu gỗ dập dềnh trên sóng hơn 5 giờ, đưa cả nhà cập đất liền. Suốt 10 năm sau đó, cô gái bé nhỏ vẫn chưa thôi nhớ đảo và mong muốn trở về. “Rất may mắn là quyết định trở về của tôi được ba má ủng hộ. Ba má nói, người sinh ra ở đảo còn bỏ đi thì sao đòi hỏi người nơi khác đến”, Thi kể lại.

10 năm trước, Lại Sơn vẫn còn khó khăn, cơ sở hạ tầng, điện nước chưa có, từ đất liền muốn ra đảo phải đi tàu mấy tiếng. “Cả gia đình tôi đều ở Vũng Tàu, tôi về đảo chỉ có một mình. May sao, trên chuyến tàu trở lại, tôi thấy một người quen, thì ra là bạn học thuở nhỏ. Bạn là Nguyễn Kim Hường, vừa tốt nghiệp sư phạm ngành Hóa - Sinh, cũng trở về đảo dạy học. Chúng tôi gặp nhau, mừng vui khôn xiết”, Thi bồi hồi nhớ lại.

Nói về những giáo viên vốn là con dân của đảo, cô Tô Thị Minh Hoãn - hiệu trưởng nhà trường - xúc động: Trước đây, trường tuyển giáo viên rất khó, người địa phương không có, Sở Giáo dục tỉnh Kiên Giang điều động giáo viên từ các nơi khác về. Mất thời gian để làm quen với tập quán của người dân, học sinh, cộng với đời sống ở đảo khó khăn, các em ấy công tác không quá 3 năm lại xin chuyển về đất liền.

“Khi có giáo viên vốn là con dân của đảo về đây công tác thì mọi chuyện thuận lợi hơn. Đặc điểm của dân xã đảo là học sinh từ 15 tuổi trở lên hay bỏ học để đi biển, đi Bình Dương, Sài Gòn làm công nhân. Các trò nhỏ hơn thì bỏ học theo cha mẹ hoặc cha mẹ đi làm ăn xa, bỏ con cái ở đảo, không quan tâm, dễ sinh hư… Giáo viên là con dân của đảo sẽ nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh, chia sẻ trao đổi với phụ huynh dễ dàng hơn. Điều đó phần nào hạn chế tình trạng bỏ học”, cô Hoãn nói.

Là giáo viên trẻ tuổi nhất, vốn là học trò của cô Thi, cô Hường, cô giáo Phan Mộng Tuyền, 24 tuổi, thừa nhận cuộc sống ở đảo không vui như ở thành phố, “thế nhưng ở đảo có quá nhiều yêu thương để trở về”.

Cô gái nhỏ nhắn, mái tóc đen, giọng trong veo, chia sẻ: “Ngày trước, mỗi lần đi học mà nghe tin thầy cô chuyển trường về đất liền là bọn mình buồn lắm, trách các thầy cô không yêu đảo, không thương tụi mình. Lớn lên, tụi mình hiểu rằng, chuyện các thầy cô trở về với quê hương của mình, được gần cha, gần mẹ là chuyện đương nhiên. Còn chuyện xây dựng đảo, gắn bó với đảo là trách nhiệm của những người như mình và thế hệ học trò sau này”.

 

Nhiều người trẻ đã trở về như tôi!

Cô giáo trẻ Phan Mộng Tuyền bên học trò của mình.
Cô giáo trẻ Phan Mộng Tuyền bên học trò của mình.
“Bạn bè cùng tuổi với tôi, nhiều người đi các thành phố lớn để lập nghiệp nhưng cũng có rất nhiều bạn lựa chọn trở về, lập nghiệp, góp sức xây dựng đảo. Có bạn làm y tá, có bạn làm trên xã, bạn làm giáo viên tiểu học, mầm non, làm homestay…, hay trở về chỉ để được làm ngư dân, căng buồm ra khơi, trở về trên những chiếc ghe chở theo cá mực. Cuộc sống của chúng tôi bình yên, người dân đảo thật thà, chất phác. Bà con nhìn chúng tôi có công việc lấy đó làm động lực để hướng các con đi học. Đi tới ấp nào trong xã, bà con cũng hỏi thăm, quý mến. Chúng tôi không bao giờ hối hận khi đã lựa chọn trở về!” – cô giáo trẻ Phan Mộng Tuyền nói.

Lê Tuyết/laodong

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ Chỉ huy Đội ở huyện Chư Prông

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ Chỉ huy Đội ở huyện Chư Prông

(GLO)- Ngày 23-3, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Đội huyện Chư Prông phối hợp với Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai tập huấn các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho 170 cán bộ Chỉ huy Đội và cán bộ phụ trách Đội ở huyện Chư Prông năm học 2023-2024.