Gắn tuổi trẻ với vùng đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ bỏ cuộc sống nơi phố thị, những sinh viên mới ra trường quyết đem kiến thức đã học cũng như nhiệt huyết của mình để dấn thân, trải nghiệm và cống hiến nơi vùng đất khó. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ, họ đã hỗ trợ người dân thoát khỏi đói nghèo, biến những làng Bahnar xa xôi hẻo lánh trở nên trù phú.p

Lội ruộng, lên rẫy giúp dân

Sẵn sàng lội ruộng, lên rẫy bất cứ lúc nào là hình ảnh thường thấy của anh Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai). Không chỉ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, mở hướng đi mới cho người dân Bahnar thoát nghèo, anh Quang còn là người trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con thực hiện. Dù nắng mưa hay khuya sớm, anh vẫn đều đặn đến từng làng nắm bắt tình hình sản xuất của bà con, xem cây lúa sinh trưởng thế nào, có sâu bệnh hay không để kịp thời hỗ trợ người dân cứu chữa; “thị sát” tình hình thu hoạch cây bời lời, cây mì của người dân ra sao; cập nhật giá các mặt hàng nông sản giúp nông dân bán được với giá cao nhất; lội suối lên rừng xem cây sa nhân tím vừa trồng có phát triển tốt không...

 

Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang vượt suối lên rừng kiểm tra mô hình trồng cây sa nhân tím của các hộ dân trong làng. Ảnh: M.N
Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang vượt suối lên rừng kiểm tra mô hình trồng cây sa nhân tím của các hộ dân trong làng. Ảnh: M.N

Gần 9 năm gắn bó với mảnh đất Kon Pne nên chỉ cần nhắc đến anh Quang, hầu hết người dân ở 3 làng Bahnar của xã Kon Pne đều biết và không ngớt lời khen ngợi. Không chỉ hiền lành, chăm chỉ, chàng trai tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn-Khuyến nông (Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) ngày nào đã có nhiều ý tưởng giúp bà con Bahnar vươn lên thoát nghèo. Bằng chứng sinh động nhất là mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Với vốn kiến thức của mình, anh lên rừng lấy giống về ươm rồi hướng dẫn bà con cách trồng.

Từ vài héc-ta người dân trồng tự phát ban đầu, đến nay, diện tích bời lời đỏ ở Kon Pne đã lên đến 250 ha. Người dân thu lợi bình quân 100-150 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, anh còn vận động người dân sử dụng máy cày xử lý đất ruộng thay cho việc dùng trâu giẫm, đưa giống mới vào canh tác khiến năng suất lúa ở đây tăng lên rõ rệt (từ 3-3,5 tấn/ha tăng lên 5-6 tấn/ha). Người dân không chỉ đủ ăn mà còn dư lúa, gạo bán cho tư thương. Ngoài ra, anh cũng là người đưa giống mì cao sản vào sản xuất, nhiều diện tích đất hoang hóa nay đã phủ xanh với hơn 100 ha mì.

“Tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào cây lúa nước nhưng năng suất rất thấp. Quỹ đất rộng mà bà con lại không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế”-anh Quang trăn trở. Do vậy, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, anh đã giúp người dân xây dựng nhiều tiểu dự án phát triển kinh tế đầy triển vọng. Cụ thể là tiểu dự án sinh kế cho 45 hộ dân các làng Kon Hleng, Kon Kring, Kon Ktonh thực hiện mô hình trồng sa nhân tím trên diện tích 22,5 ha. Dự kiến bắt đầu năm thứ 3,  doanh thu là 331 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hộ thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Quan trọng hơn, khi cây bắt đầu cho quả, có thể thu hoạch đến 5-6 năm liền, lúc đó thu nhập cũng được tăng thêm.

Đặc biệt, thực hiện việc mở rộng diện tích cây bời lời đỏ, mỗi năm xã phân bổ kế hoạch cho từng hộ trồng trung bình từ 2 đến 3 sào. Sau 5 năm, mỗi hộ sẽ trồng được trên 1 ha hoặc nhiều hơn. Đây là loại cây tái sinh nên cứ thế xoay vòng đến 5-6 năm vì vậy năm nào người dân cũng có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang còn giúp dân các làng tham gia nhóm hộ thực hiện mô hình nuôi heo đen. Để gần gũi với bà con, anh đã chuyển gia đình từ thị trấn Kbang vào xã Kon Pne.

Nhận xét về anh Lê Văn Quang, ông Trương Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne, khẳng định: Anh Quang rất có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, được đào tạo bài bản nên đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã rất nhiều về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh cây lúa nước và các cây trồng khác. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh theo từng năm. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trên 67% nhưng đến cuối năm 2017 chỉ còn lại 25,96%; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 chỉ hơn 9 triệu đồng/người thì đến năm 2017 tăng lên gần 15,2 triệu đồng/người.

Cắm làng gieo chữ

 

Thầy Phạm Văn Hinh chăm sóc bữa ăn cho học trò. Ảnh: M.N
Thầy Phạm Văn Hinh chăm sóc bữa ăn cho học trò. Ảnh: M.N

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Phạm Văn Hinh đã tình nguyện nhận công tác tại một trường ở vùng sâu, vùng xa-cách thị trấn Kbang gần 90 km-để bám làng “gieo chữ” cho các em học sinh Bahnar. Hiện nay, anh là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne). Theo anh, nếu không vì lòng yêu nghề, thương học trò thì không ai hy sinh tuổi trẻ của mình nơi heo hút này. Học sinh đều là người Bahnar, sống tách biệt giữa thung lũng, bao quanh là núi cao nên rất ít cơ hội giao tiếp với cuộc sống bên ngoài.

Khó khăn hơn cả là các em học sinh ở đây hầu như chưa rành tiếng Việt, các thầy cô phải ân cần tập cho các em giao tiếp rồi mới đến học chữ. Việc vận động các em học sinh đến lớp, không bỏ học nửa chừng lại càng khó hơn. Nếu không có sự nỗ lực bền bỉ của các thầy-cô giáo thì Kon Pne vẫn còn là một “vùng trắng” về giáo dục. “Học sinh vùng cao khác hoàn toàn học sinh dưới xuôi. Thầy cô vào làng dạy chữ phải hòa mình với cuộc sống của buôn làng, khi dân làng tin yêu thì họ mới cho con em mình đến trường. Các em học sinh thì hầu như những kỹ năng sống đều không có. Việc ăn ở, sinh hoạt các thầy cô đều phải hướng dẫn cho các em lại từ đầu”-thầy Hinh chia sẻ.

Vượt gần 200 km từ TP. Pleiku vào Kon Pne, chúng tôi mới hiểu được sự gian nan của công tác giáo dục ở vùng cao. Tuy vậy, thầy Hinh cho biết, giờ đường sá đã thuận lợi hơn nhiều, trời nắng chạy xe máy từ huyện vào trung tâm xã chỉ mất hơn 2 giờ, nếu “lỡ xui” gặp mưa thì cũng chỉ mất gần 4 giờ. Ngày trước, để vào được xã Kon Pne phải lội bộ cả ngày. Lúc đó, chỉ có đường mòn nằm vắt vẻo men theo đỉnh núi Kon Pne, dốc lên, xuống liên tục lại quanh co khúc khuỷu,  một bên vách núi, bên kia là vực sâu hun hút, nếu không cẩn thận dễ bị trượt dốc nguy hiểm đến tính mạng. Đến được nơi công tác chẳng dễ dàng chút nào, nên mỗi tháng, các thầy cô ở đây chỉ dám nghĩ đến việc về nhà một lần. Thầy Hinh kể lại một kỷ niệm: Ngày đầu vào xã nhận công tác, anh đi cùng bạn gái (sau này là vợ). Đến nơi, chứng kiến ngôi làng nằm heo hút bên ngọn đồi vắng, không điện, sóng điện thoại chập chờn, cô bạn gái chẳng thốt được nên lời nào. Có lẽ vì ám ảnh bởi chuyến đi này mà mãi đến… 15 năm sau chị mới quay lại nơi chồng công tác lần thứ 2.

Ấy thế mà, hàng chục năm nay, không biết bao lượt thầy-cô giáo đến rồi rời đi nhưng thầy Hinh vẫn kiên trì bám làng. Chính vì sự nỗ lực này đã giúp cho trường vươn lên đạt chuẩn quốc gia. Nhà trường hiện có 298 học sinh, trong số này có đến 147 em đang học bán trú tại trường, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt gần 99%.

Mùa xuân này, người dân xã Kon Pne vui mừng vì có được con đường mới vào đến trung tâm xã. Những sắc màu tươi sáng đang tràn ngập trên “ốc đảo” Kon Pne một thời, nơi đang dần hiện rõ diện mạo của một vùng nông thôn mới.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.