"Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 7 năm theo đuổi nghề bartender (nhân viên pha chế), ở tuổi 30, Trần Ngọc Hiếu-cựu học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) đã sở hữu các danh hiệu “Bartender vô địch Việt Nam”, “Bartender vô địch Đông Nam Á”. Tháng 7-2017, tại cuộc thi Bartender thế giới mở rộng ở Pattaya-Thái Lan, Hiếu được xếp vào top 10 bartender xuất sắc nhất thế giới.

Nhân dịp đầu năm mới, bartender Trần Ngọc Hiếu đã dành cho Báo Gia Lai một cuộc trò chuyện thú vị.

- P.V: Nghề bartender đã lôi cuốn anh từ khi nào?

 

Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

TRẦN NGỌC HIẾU: Mình biết đến nghề bartender rất tình cờ, lúc đang theo học ngành Quản lý nhà hàng tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (TP. Hồ Chí Minh). Khi đó mình tham gia vào buổi tuyển sinh của trường giới thiệu ngành nghề cho các bạn học sinh THPT, trong đó có phần biểu diễn bartender, vậy là mình bị lôi cuốn bởi các động tác kỹ thuật uyển chuyển và các món cocktail nhiều màu sắc. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, mình tiếp tục đăng ký học Bartender, càng học càng thấy thích nghề này và tập luyện không ngừng. Dần dần Bartender trở thành niềm đam mê không thể bỏ được dù đây là nghề rất mới ở Việt Nam và cũng là nghề có rất nhiều khó khăn, vất vả.

- P.V: Xem một phần biểu diễn của anh trên You Tube, rất bất ngờ khi thấy anh giống một nghệ sĩ hơn là một nhân viên pha chế. Anh đã phải tập luyện bao lâu để thành thạo những kỹ năng đó?

TRẦN NGỌC HIẾU: Mọi nghề nghiệp đều cần có sự yêu thích và nghiêm túc, kiên trì thì mới thành công, đặc biệt là nghề Bartender. Không những bạn phải nắm rõ đặc tính của các loại nguyên liệu mà còn phải biết sáng tạo và kết hợp chúng như thế nào để tạo ra những thức uống ngon, tốt cho sức khỏe, đồng thời phù hợp với khẩu vị của khách hàng. Song song với pha chế, một bartender còn phải có những kỹ năng biểu diễn với các dụng cụ pha chế như shaker hoặc tung hứng chai rượu một cách đẹp mắt và điêu luyện giúp khách hàng không những được thưởng thức một loại thức uống ngon mà còn được chiêm ngưỡng một màn biểu diễn đầy nghệ thuật.

Để đạt được điều đó, mình đã phải tập luyện rất nhiều, khoảng 4 tiếng đồng hồ/ngày và phải mất hết 3 tháng mới nắm chắc các động tác cơ bản. Vì đây là nghề mới, không có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất để luyện tập nên có những lúc mình phải tập ngoài sân cỏ, bãi đất trống, kể cả khi gió mưa… Gặp rất nhiều khó khăn như vậy nhưng hễ cứ cầm dụng cụ lên rồi bắt đầu tập là mình lại quên hết mọi thứ. Sau đó, mình vừa đi làm, vừa tự tập luyện và phải trau dồi thêm kiến thức về các loại rượu cũng như các loại thức uống khác… Nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng đam mê và lòng yêu nghề đã giúp mình vượt qua những khó khăn đó, tính tới thời điểm này mình đã theo nghề được 7 năm rồi.

Để thành thạo và có đủ tự tin để biểu diễn trong các cuộc thi, mình đã mất khoảng 2 năm vì ít có điều kiện và cũng ít người hướng dẫn; còn hiện tại mình huấn luyện các bạn bartender trẻ chỉ trong vòng 1 năm là biểu diễn được rồi. 

 

Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

- P.V: Ngoài biểu diễn, nghề Bartender cũng đòi hỏi phải rất sáng tạo trong cách pha chế. Đến nay, anh đã sáng tạo ra được những loại thức uống nào mang “thương hiệu” cá nhân?

TRẦN NGỌC HIẾU: Sáng tạo là đòi hỏi không thể thiếu của một bartender; không có nó, bartender không thể đi xa với nghề này được. Mình cũng đã sáng tạo nhiều món cocktail, nhưng món ưa thích nhất là những món đã đem đi tham gia các cuộc thi lớn và giành giải. Có thể kể đến món “Secret sour” có thành phần là trái me một số loại rượu; hay “Lotus love” có thành phần là củ sen, nước lê ép và một số loại rượu… Qua những món cocktail này, mình muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế về con người cũng như đất nước Việt Nam. Chính điều này đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo.

- P.V: Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn theo nghề này?

TRẦN NGỌC HIẾU: Các bạn trẻ có ý định theo nghề Batender thì hãy tìm hiểu thật kỹ về nghề trước khi quyết định theo đuổi, tiếp đó hãy thật nghiêm túc với nghề, chọn những nơi đào tạo chuyên nghiệp để tránh mất thời gian. Quan trọng nhất là phải có niềm đam mê đối với nghề này. Các bạn nữ cũng cần cân nhắc kỹ vì nghề này phải tiếp xúc với rất nhiều thức uống có cồn, đi làm về thường khá muộn. Các bạn cũng phải khổ luyện tiếng Anh vì hầu hết tài liệu, sách vở đều của nước ngoài; chưa kể khi đi làm thì những bar, khách sạn sang trọng có rất nhiều khách nước ngoài, đòi hỏi một bartender phải có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Có thể nói, Bartender không phải là một nghề dễ dàng, nhưng nếu đã thành công thì không có gì sánh bằng. “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn”.

- P.V: Anh có định theo nghề này lâu dài không và định hướng trong thời gian tới là gì?

TRẦN NGỌC HIẾU: Mình sẽ vẫn tiếp tục theo nghề. Hiện tại, mình còn là giảng viên Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Giấc mơ của mình là phát triển ngành Bartender ở Việt Nam để mọi người hiểu về nghề này hơn nữa, đào tạo ra nhiều bartender trẻ nhiệt huyết, yêu nghề. Hy vọng thời gian tới, bartender Việt Nam sẽ giành vinh quang về cho nước nhà, khẳng định mình trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, đánh dấu Việt Nam vào bản đồ bartender thế giới.

- P.V: Xin cảm ơn và chúc anh một năm mới với nhiều thành công!

Lam Nguyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.