Phái đẹp với thể thao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói về phái đẹp, danh ngôn có câu: “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Để ngày càng trở nên khỏe đẹp, quyến rũ hơn và kéo dài tuổi thanh xuân, hiện nay không ít chị em tìm đến với thể thao.  

1. Là một trong những giáo viên được xếp vào hàng khả ái ở bậc THPT trên địa bàn TP. Pleiku, 10 năm về trước, do căn bệnh hở van tim và thấp khớp hành hạ, cô Hồ Thị Thu (giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) chẳng khác nào “bông hoa thiếu sức sống”.

 

Tay vợt Đỗ Thị Bích Hường đoạt Cúp vô địch nội dung đôi nữ Giải Quần vợt tỉnh Khánh Hòa mở rộng 2017. Ảnh: M.V
Tay vợt Đỗ Thị Bích Hường đoạt Cúp vô địch nội dung đôi nữ Giải Quần vợt tỉnh Khánh Hòa mở rộng 2017. Ảnh: M.V

Cô Thu nhớ lại: “Hồi đó bản thân tôi khổ sở đến nỗi, cứ mỗi lần dắt xe máy ra khỏi nhà đi dạy là… muốn xỉu. Bác sĩ khuyên, với việc hở van tim 2 lá và 3 lá 2/4, muốn hết bệnh cần phải phẫu thuật. Nghe đến chuyện vào bệnh viện để mổ xẻ là tôi lại muốn xỉu nhiều hơn cả căn bệnh tim đang hành hạ. Mổ xẻ chỉ là giải pháp cuối cùng.Với tâm niệm còn nước còn tát, vào năm 2007, tôi bắt đầu làm quen với thể thao. Kể từ đó đến nay, sức khỏe đã tốt hơn rất nhiều, bệnh hở van tim thuyên giảm hẳn”.

Ban đầu, môn thể thao mà cô giáo Hồ Thị Thu làm quen đó là bóng bàn và bắn nỏ. Sau đó, do đội ngũ giáo viên trẻ nữ của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tương đối ít người nên cô giáo này quyết định lấn sân sang chơi tuốt cả các môn kéo co, bóng đá, bóng chuyền. Từ chỗ chỉ coi thể thao là phương thuốc đặc trị hữu hiệu để đẩy lùi bệnh tật, nhưng nhờ kiên trì tập luyện thường xuyên, đến nay cô Hồ Thị Thu là một trong những nỏ thủ và tay vợt có thứ hạng cao không chỉ trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mà còn của cả tỉnh Gia Lai nói chung.

Tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai năm 2009, lần đầu tiên trong đời cô giáo dạy môn Tiếng Anh này bước lên bục danh dự để nhận tấm huy chương đồng môn bắn nỏ. Cũng tại sân chơi này, 4 năm sau cô Hồ Thị Thu đổi màu tấm huy chương (vàng) ở môn bóng bàn nội dung đôi nữ. Từ nhà ra ngõ, ở Đại hội TDTT tỉnh Gia Lai năm 2014, cô Thu lập “cú ăn 3”: huy chương vàng đồng đội tư thế đứng bắn (bắn nỏ), huy chương bạc đồng đội quỳ bắn (bắn nỏ), huy chương đồng đôi nữ (bóng bàn). Và gần đây nhất là tấm huy chương đồng đôi nữ môn bóng bàn tại Đại hội TDTT cụm thi đua số 4 tại Đak Lak, do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2015.

Thể thao đã mang lại sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và cả những lấp lánh sắc màu của những tấm huy chương, bởi vậy hiện nay cô Thu dành ra 5 lần trong tuần đến Câu lạc bộ Bóng bàn của Hội Nông dân tỉnh (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) để luyện tập đều đặn.

Cô giáo Hồ Thị Thu (bên trái). Ảnh: M.V
Cô giáo Hồ Thị Thu (bên trái). Ảnh: M.V

2. Đến nay, chị Đỗ Thị Bích Hường (219 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) đã có thâm niên gần 20 năm tập luyện môn quần vợt. Và mặc dù đã lên chức bà ngoại nhưng tay vợt này vẫn thường xuyên được chồng, con gật đầu cho đi “săn” cúp ở các giải đấu phong trào trong cả nước.

Gần đây nhất, tại Giải Quần vợt truyền thống tỉnh Khánh Hòa mở rộng năm 2017 (kết thúc vào ngày 19-9), chị Hường đứng cặp cùng với tay vợt đáng bậc “đàn cháu” của mình là Võ Thị Phụng, đã thi đấu thăng hoa và loại hàng loạt đôi vận động viên nữ sừng sỏ khác để đoạt Cúp vô địch, kèm theo phần thưởng trị giá 10 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong trận bán kết, cặp Bích Hường/Võ Thị Phụng đến từ Phố núi đã giành chiến thắng thuyết phục trước đôi hạt giống số 1 của giải là Nhi/Mai của đơn vị chủ nhà Khánh Hòa với tỷ số 6/3. Nhìn lại giải đấu này, tay vợt có biệt danh vô cùng độc và lạ Hường “râu”, tâm sự: “Trẻ cậy sức, già cậy mưu; mình già rồi nên không thể lấy sức ra để mà đua với các em, các cháu được. Bởi vậy, để có thể giành chiến thắng trước cặp vận động viên đội chủ nhà, trong đó có 1 tay vợt chuyên nghiệp, bắt buộc mình nhắc nhở đồng đội bằng mọi giá phải tập trung dồn bóng vào tay vợt yếu hơn của đối phương, có như vậy mới chiến thắng được người ta”.

Trong bộ sưu tập thành tích ở cả các giải đấu trong lẫn ngoài tỉnh suốt gần 20 năm cầm vợt, hiện chị Hường có không dưới 20 chiếc Cúp vô địch. Mỗi chiếc cúp đều có ý nghĩa khác nhau, nhưng lần đăng quang khiến chị nhớ nhất trong cuộc đời đi săn giải nơi “đất khách quê người”, đó là giải đấu diễn ra vào năm 2014. Lần đầu tiên xuống núi dự Giải Quần vợt TP. Đà Nẵng mở rộng, trong trận chung kết gặp phải cặp vận động viên Nguyên/Giang (đến từ TP. Hồ Chí Minh) đã từng nhiều năm liền thống trị Cúp vô địch tại Đà thành. Trước khi trận đấu diễn ra, trong 10 người thì đã có tới 9 người nhận định, đôi vận động viên đến từ Gia Lai nắm chắc phần thua. Nhưng sau đó, đôi Bích Hường/Võ Thị Phụng đã giành chiến thắng thuyết phục để giành Cúp vô địch.

Không chỉ giỏi quần vợt, chị Hường còn có khiếu hài hước, hay hát và hát khá hay, khiêu vũ cũng khá cừ, khi cần cũng có thể cầm micro làm MC cho mọi cuộc vui… Vì thế, ở bất cứ giải đấu nào diễn ra ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chị Đỗ Thị Bích Hường luôn là khách mời đặc biệt.

Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.