Thị trường bất động sản: Từ bùng nổ "lướt sóng" sang giao dịch ảm đạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những khó khăn về nguồn vốn và khả năng thanh khoản là nhân tố đưa thị trường bất động sản Gia Lai trở về nhu cầu thực với mức giá giảm 20-30% so với thời điểm trước. Tuy nhiên, phân khúc đất giá rẻ ở vùng ven TP. Pleiku hoặc nhà xây dựng sẵn dưới 2 tỷ đồng vẫn có khả năng giao dịch.  

Những tháng đầu năm 2022, làn sóng nhà đầu tư ngoại tỉnh đổ xô mua đất vùng ven, đất vị trí đẹp đã đẩy thị trường bất động sản Gia Lai tăng trưởng đột biến cả về số lượng và giá trị giao dịch. Tuy nhiên, khi đợt sóng qua đi, thị trường rơi vào trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” bị mắc kẹt khi đất vùng ven, đất vị trí đẹp neo ở ngưỡng giá cao nhưng không có khả năng thanh khoản, thậm chí rơi vào trạng thái đóng băng. Theo sát diễn biến thị trường, bà Nguyễn Thị Nga (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: “Thời điểm thị trường đang sốt, khu đất vị trí đẹp của tôi được nhiều nhà môi giới săn đón với giá cao nhưng tôi chưa vội bán chốt lời mà chờ đến cuối năm. Không ngờ thị trường bất động sản lại diễn biến quá nhanh và khác với quy luật mọi năm, đất đầu tư thì không bán được mà ngân hàng lại thắt chặt room tín dụng khiến tôi gặp áp lực rất lớn về nguồn vốn, tiền lãi ngân hàng”.

  Quý IV-2022, số lượng bất động sản tồn nhiều và nhu cầu giao dịch giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực gồng lỗ, bù lỗ. Ảnh: Sơn Ca
Quý IV-2022, số lượng bất động sản tồn nhiều và nhu cầu giao dịch giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực gồng lỗ, bù lỗ. Ảnh: Sơn Ca



Ngược lại, các nhà đầu tư dạng tích lũy đang thận trọng tìm hướng đầu tư sinh lợi an toàn. Bà Nguyễn Thị Thảo (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Trong thời điểm hiện nay, giá nhà phố vẫn giữ ổn định nhưng nhu cầu thị trường đang chững lại. Còn đối với đất vùng ven TP. Pleiku tình trạng pháp lý và nguồn gốc rõ ràng, đất lên thổ cư được, giá rẻ thì vẫn có khả năng giao dịch. Do đó, tôi chọn hướng đầu tư đất vùng ven giá rẻ để xoay vòng vốn, đảm bảo dòng tiền tái đầu tư trong giai đoạn hiện nay”.
 

Ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: “Trong những tháng đầu năm 2022, các giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại TP. Pleiku và các huyện lân cận tăng đột biến. Đây là yếu tố chính giúp nguồn thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đều đạt và vượt rất cao so với dự toán giao. Tuy nhiên, thông qua nắm bắt tình hình thị trường bất động sản hiện nay cho thấy, số lượng giao dịch và giá trị giao dịch giảm. Dự báo nguồn thu từ lĩnh vực này giảm dần vào cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023”.

Những năm trước, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh vào quý IV. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho thị trường bất động sản về giá cả, khả năng thanh khoản khi nhu cầu giao dịch tăng. Tuy nhiên, quý IV-2022, số lượng bất động sản tồn nhiều và nhu cầu giao dịch giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực gồng lỗ, bù lỗ. Theo ước tính của các doanh nghiệp bất động sản tại Gia Lai, giá bất động sản đang giảm 20-30% và số lượng giao dịch giảm 60-80% so với thời điểm đầu năm 2022. Đặc biệt, đa phần các giao dịch phát sinh trong thời điểm này là giao dịch đã đặt cọc từ trước đó vài tháng. Ông Phạm Vân Đài-Giám đốc Công ty cổ phần Thế giới nhà đất.VIP (201 Lê Duẩn, TP. Pleiku) thông tin: “Khi thị trường sốt đất thì đất ở khu vực nào cũng bán được. Còn thời điểm này, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vẫn đang theo dõi tình hình, chỉ thực sự đầu tư vào khu vực tiềm năng cao, vị trí đẹp, giá cả rẻ. Giai đoạn khó khăn này cũng là cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trung và dài hạn khi nắm bắt, cập nhật được các chính sách vĩ mô về đầu tư hạ tầng, tài chính”.

Doanh nghiệp và  nhà đầu tư bất động sản đang gặp áp lực lớn về nguồn vốn và khả năng thanh khoản cuối năm. Ảnh: Sơn Ca
Doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản đang gặp áp lực lớn về nguồn vốn và khả năng thanh khoản cuối năm. Ảnh: Sơn Ca


Thị trường bất động sản đang dịch chuyển từ trạng thái “lướt sóng” sang trạng thái giao dịch thật, giảm lời-cắt lỗ. Các giao dịch phát sinh chủ yếu từ nguồn tiền mặt, dành cho người dân tại chỗ có nhu cầu thật sự và mua từ nguồn tiền tiết kiệm. Do đó, đất vùng ven giá rẻ, đất hẻm trong khu vực đô thị mức giá dao động 200-300 triệu đồng/lô hoặc nhà xây dựng sẵn giá tầm 2 tỷ đồng đổ lại thì vẫn có khả năng thanh khoản. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Lộc Trung Tín (68 Bờ Kè, TP. Pleiku) chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn chung của thị trường bất động sản, chúng tôi chủ động tìm kiếm và tập trung vào đối tượng khách hàng có nhu cầu thực sự để phân phối các sản phẩm phù hợp. Đồng thời, đây là giai đoạn tập trung cho công tác đào tạo đội ngũ nhân sự nhằm chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo”. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Tuấn cho rằng, trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần sáng suốt lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và có khả năng thanh khoản tốt. Đồng thời, lựa chọn doanh nghiệp hoặc môi giới uy tín. Theo dự báo, trong năm 2023, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn hơn, bắt buộc nhà đầu tư phải đầu tư vào những sản phẩm mang tính dài hạn, có khả năng tăng giá nhằm đảm bảo an toàn về nguồn tiền.  
 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.