Xốc tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mạnh tay “trảm” các nhà thầu yếu kém, chậm trễ theo đúng tinh thần “ai không làm được thì đứng sang một bên”, Bộ GTVT đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để xốc tiến độ các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Loại trực tiếp nhà thầu yếu, “cấm cửa” giai đoạn 2
Công văn Bộ GTVT mới đây gửi Ban Quản lý dự án 6 và doanh nghiệp (DN) dự án đối tác công - tư (PPP) đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, yêu cầu khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Không chỉ là những chỉ đạo trên giấy, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiên quyết loại bỏ các nhà thầu yếu kém về năng lực ra khỏi dự án, trong đó chỉ mặt điểm tên cụ thể Công ty cổ phần 456, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp.

Đoạn cuối của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Ảnh: Quế Hà
Đoạn cuối của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Ảnh: Quế Hà
Là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 49 km, đi qua Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5.2024. Cho đến nay, dự án thi công rất chậm, sản lượng đạt khoảng 1.410 tỉ đồng, tương đương 16% giá trị hợp đồng mặc dù đã triển khai hơn 17 tháng, tức gần nửa thời gian của hợp đồng.
Vì thế, sau khi thẳng tay loại các nhà thầu yếu kém, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư, DN dự án khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung đủ các mũi thi công trên công trường theo đúng kế hoạch, tiến độ đã được DN dự án chấp thuận, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo các nhà thầu làm tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm. “Căn cứ tiến độ tổng thể, chi tiết và kế hoạch hằng tháng của DN dự án chấp thuận để giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của các nhà thầu trên công trường. Đồng thời rà soát các quy định trong hợp đồng BOT để xử lý nhà đầu tư/DN dự án về việc vi phạm tiến độ (nếu có)”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trước đó, trong buổi thực địa kiểm tra công trường và tiến độ thi công các dự án cao tốc Diễn Châu - Nghi Sơn, Nghi Sơn - QL45 và Mai Sơn - QL45 ngày 18.11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng trực tiếp yêu cầu “trảm” 1 nhà thầu yếu kém, thi công bết bát, không đảm bảo tiến độ. Cụ thể, tại gói thầu 12-XL cao tốc Mai Sơn - QL45, nhà thầu Hoàng Long bị loại khỏi dự án, đồng thời không được phép tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025).
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án Mai Sơn - QL45) gói thầu 12-XL dài 6,6 km có gần 450 m phải xử lý đất yếu bổ sung. Nhà thầu Hoàng Long đã vận chuyển vật liệu cát đắp nền nhưng chưa tăng ca, chưa bổ sung dây chuyền thi công nền đường để làm cuốn chiếu các đoạn đã đắp xong cát thoát nước. Sau 2 lần vi phạm tiến độ, ban quản lý dự án đã ra văn bản khiển trách theo quy định hợp đồng, trước khi bị Bộ GTVT “loại trực tiếp”. Tính chung toàn đoạn cao tốc hơn 63 km này, các nhà thầu đang triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu. Ước tính tổng sản lượng thi công đến giữa tháng 10 mới đạt hơn 5.100 tỉ đồng, tương đương hơn 71% giá trị xây lắp theo hợp đồng (hơn 7.141 tỉ đồng). Tiến độ như vậy là chậm so kế hoạch đề ra.
Tại buổi khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ việc một số dự án thành phần tiến độ chậm chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, nhà thầu không huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, nguồn lực tài chính để thi công ngay từ đầu, ban quản lý dự án cũng không chỉ đạo, đốc thúc, báo cáo sớm.
Khó cũng phải chạy !
Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho biết tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành của các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đến nay lũy kế đạt gần 56% giá trị hợp đồng. Trong đó, 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022 sản lượng lũy kế đạt khoảng 73,3% giá trị hợp đồng; 4 đoạn hoàn thành năm 2023 đạt khoảng 57,3% giá trị hợp đồng và 2 đoạn hoàn thành năm 2024 đạt khoảng 23,2% sản lượng thi công.
Đối với 4 dự án hoàn thành năm 2022, sau khi phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm”, các đơn vị đã nỗ lực huy động tăng cường thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, số 5 cũng như điều kiện thời tiết trong khu vực dự án còn mưa nhiều nên công tác tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác đắp đất và thảm bê tông nhựa. Một số đoạn địa chất phức tạp, chưa tắt lún để dỡ tải, thi công các lớp kết cấu áo đường dẫn đến chưa bù được khối lượng bị chậm, sản lượng chưa đạt được như kỳ vọng.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đang chậm tiến độ so kế hoạch đề ra. Ảnh: Quang Hưng
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đang chậm tiến độ so kế hoạch đề ra. Ảnh: Quang Hưng
“Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra hiện trường để đôn đốc, yêu cầu các đơn vị có phương án khắc phục các khó khăn, quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành đưa đoạn Cam Lộ - La Sơn vào khai thác và thông xe kỹ thuật các đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây theo đúng kế hoạch”, đại diện Bộ GTVT thông tin.
Với tư cách đứng đầu liên danh nhà thầu, Tập đoàn Đèo Cả được giao đảm đương, làm bù hết khối lượng chưa làm của nhà thầu Hoàng Long tại gói thầu 12-XL dự án Mai Sơn - QL45. Trao đổi với Thanh Niên ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, thừa nhận trước đây nếu được giao lại phần việc của nhà thầu khác thì DN rất vui, nhưng hiện nay các nhà thầu hầu hết đều e ngại bởi càng làm càng lỗ. Cụ thể, thị trường xây dựng hiện rất khốc liệt. DN làm dự án lợi nhuận không cao nên phải dựa vào sản lượng, khấu hao thiết bị, lấy công làm lời. Để đạt kết quả vượt tiến độ 105% với đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả đã phải nghiên cứu thêm rất nhiều biện pháp để giải bài toán khan hiếm vật liệu xây dựng. Một số loại vật liệu khác cũng có những đơn vị đồng hành cam kết bình ổn nhưng chủ đầu tư phải ứng tiền trước để cam kết, chi phí thi công đội lên tới 30 - 40%.
“Nhờ chủ trương chỉ đảm nhận công trình phù hợp với năng lực của mình nên với những khó khăn, Đèo Cả đã chủ động vượt qua. Gánh hộ phần việc của đơn vị khác giai đoạn này thật sự rất khó. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thống nhất với Bộ GTVT và ban quản lý dự án, nhận làm theo tinh thần chia sẻ vì mục tiêu chung của Chính phủ. Hiện chúng tôi đã điều động máy móc, thiết bị, con người và cả tài chính tới dự án Mai Sơn - QL45. Khó cũng phải chạy, cam kết bù lại tiến độ, đảm bảo tiến độ chung cho toàn dự án”, ông Phan Văn Thắng khẳng định.
Lãnh đạo Đèo Cả cũng nhận định Bộ GTVT đang muốn tạo không khí lao động khẩn trương hơn trên công trường, đặc biệt là đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Công trình phải có tinh thần làm việc mới, quyết tâm hơn mới đảm bảo được mục tiêu Chính phủ đã giao. Gạt qua những thách thức, khó khăn, những nhà thầu đã cam kết đảm nhận thì phải có trách nhiệm với phạm vi công việc của mình, không phải vì các yếu tố khách quan làm cho trì trệ, vô hình trung kéo giảm tiến độ dự án.

“Với tinh thần chung như vậy, các nhà thầu sẽ phải quyết tâm hơn. Những động thái mạnh tay này sẽ tạo ra xu thế mới cho việc quản lý hợp đồng với các nhà thầu thi công, tạo tiền đề cho giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam đột phá về tiến độ, chất lượng và cả tổng mức đầu tư”.

Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả
Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm