Đô thị thông minh: Hạ tầng phải đi trước, lấy con người làm trung tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để thúc đẩy tiến trình phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị và phải lấy con người làm trung tâm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Nhận định sự phát triển của các đô thị tại Việt Nam còn nhiều yếu tố chưa bền vững, trong đó hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa; công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa…, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các địa phương cần đổi mới tư duy quy hoạch đô thị và phải lấy con người làm trung tâm. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển để hướng tới đô thị hóa bền vững, tăng trưởng xanh và thông minh.
Hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hoá
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 06-NQ/TW) về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu phát triển cụ thể trong lĩnh vực phát triển đô thị Việt Nam.
Bàn về vấn đề trên, tại hội thảo “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững” diễn ra chiều 16/11, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Nghị quyết 06 đã nêu rõ mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, nhà chức trách sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, đồng bộ, hiện đại; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, chất lượng sống tại đô thị nâng cao; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết đến tháng 9/2022, cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước, các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước. 
Tuy vậy, ông Chính cũng chỉ ra sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững, trong đó hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa…
“Do đó, thời gian tới, chúng ta cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển,” kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cũng nêu ra thực tế hệ thống đô thị hiện nay chưa phát huy hết những tiềm lực kinh tế trong bối cảnh đầu tư dàn trải và nhiều trường hợp phát triển đô thị còn duy ý chí và không theo quy luật thị trường.
Ngoài ra, theo đánh giá của bà Nhâm, hệ thống đô thị chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như chưa phát huy hết tiềm lực mà biến đổi khí hậu mang lại. Lý do bà Nhâm đưa ra là “chúng ta còn xem biến đổi khí hậu là thảm hoạ, cần phải đối phó như phòng chống thiên tai mà không nhận ra đó là thay đổi điều kiện tự nhiên lâu dài và cần phải thay đổi tư duy và ứng xử.”
Tạo cơ hội phát triển công bằng cho người dân
Đề cập thêm về giải pháp, bà Phạm Thị Nhâm cho rằng xu thế đô thị hóa bền vững và phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh đang ngày càng được quan tâm, áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quan điểm quy hoạch đô thị đang dựa trên cơ sở phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm và tiếp tục thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế.

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
“Vì thế, chúng ta cần tạo cơ hội phát triển công bằng cho người dân và giảm thiểu chênh lệch trong chất lượng sống. Vấn đề công bằng biểu hiện trong việc phân bố không gian lãnh thổ là giải quyết sinh kế đi đôi với thu nhập, an sinh, bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận hạ tầng và sinh thái môi trường,” bà Nhâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị phải gắn với phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị theo vùng miền; đề cao yếu tố môi trường, phục hồi sinh thái và các hoạt động phát thải carbon thấp; huy động tổng hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Tiến sỹ Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng để hướng tới phát triển đô thị bền vững, thời gian tới cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong xã hội trong việc thực thi đồng bộ các giải pháp; trong đó có việc xây dựng thể chế và nguồn lực cho đô thị.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị quá, các thể chế, chính sách phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong triển khai, thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển đô thị.
Theo bà Lan Anh, hiện nay, các cơ chế, chính sách về phát triển đô thị đã có nhưng còn tản mát ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau gây cản trở nhất định trong việc thống nhất nhận thức, hành động. Do vậy, thời gian tới rất cần thống nhất các quy định quản lý phát triển đô thị, giải quyết các vướng mắc, chồng chéo liên quan đến vấn đề đất đai, nguồn lực.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm