Đầu tư công: Thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến ngày 1-6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai đạt hơn 17% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình cả nước 0,5%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu.

Nhiều dự án giải ngân 0 đồng

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 1-6, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh có tỷ lệ giải ngân ở mức 0 đồng. Đơn cử như Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Hay Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính cơ sở dữ liệu địa chỉ tỉnh Gia Lai do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư có kế hoạch vốn năm 2022 là 143,3 tỷ đồng (chưa bao gồm 15,9 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2021 sang). Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai với khối lượng khoảng 70 tỷ đồng nhưng hiện nguồn vốn này chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ nên chưa thể thanh toán.

Thi công tỉnh lộ 663 (đoạn xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Thi công tỉnh lộ 663-đoạn qua xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy


Với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch trong năm nay là 49 tỷ đồng và vốn kéo dài năm từ 2021 sang là 25,6 tỷ đồng, Dự án xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư cũng đang ở mức giải ngân 0 đồng do chủ đầu tư vẫn đang thực hiện gói thầu khảo sát, lập thiết kế dự toán. Một dự án trọng điểm khác có số vốn đầu tư năm 2022 khá lớn là đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh với 300 tỷ đồng, song hiện cũng mới chỉ giải ngân được gần 300 triệu đồng, đạt 0,1% kế hoạch năm. Được biết, công trình đang được chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh xét thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế, dự toán. Do vậy, dự án này khó có khả năng giải ngân vốn đầu tư trước tháng 9-2022.

Không chỉ các dự án cấp tỉnh mà một số dự án trọng điểm cấp huyện cũng rơi vào tình trạng giải ngân ở mức 0 đồng. Đơn cử như Dự án đường liên huyện Chư Păh với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (kế hoạch năm 2022 là 32,8 tỷ đồng). Theo ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh: Dự án đã lập xong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và huyện đang hoàn tất thủ tục để trình thẩm định, phê duyệt triển khai. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng đột biến trong thời gian qua khiến giá vật liệu tăng, kèm theo đó là việc tăng giá nhân công, ca máy nên tổng mức đầu tư của dự án vượt so với phê duyệt hơn 5,6 tỷ đồng, trong khi không có chi phí dự phòng. Vì vậy, huyện đang rà soát, cân nhắc để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Không chỉ dự án này mà một số dự án khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vì giá vật liệu xây dựng tăng. “So với thời điểm lập dự toán, đối với hầu hết công trình giao thông, giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 15-18%, các công trình dân dụng tăng khoảng 10%. Bên cạnh đó, do chưa thu được tiền sử dụng đất nên cho đến thời điểm này, huyện giải ngân được 30% kế hoạch năm. Nếu có thêm vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất thì tỷ lệ giải ngân sẽ cao hơn”-ông Huy cho hay.

Nhanh chóng giải ngân khi có khối lượng

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2022 gần 3.626 tỷ đồng. Tính đến ngày 1-6, khối lượng thực hiện toàn tỉnh hơn 882 tỷ đồng, đạt 24,14% kế hoạch vốn được giao, giá trị giải ngân đạt khoảng 630 tỷ đồng, đạt 17,24% kể hoạch vốn. Trong đó, tốc độ giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh tháng 5 chậm hơn so với tháng 4, đạt 482 tỷ đồng. So với thời điểm ngày 28-4 chỉ tăng 64 tỷ đồng, trong khi tháng 4, tốc độ giải ngân tăng 191,3 tỷ đồng so với tháng 3. Ngược lại, tốc độ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương tăng nhanh, đến ngày 1-6 đạt 148 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA có giá trị giải ngân 32,2 tỷ đồng, đạt 14,3% so với kế hoạch.

 Thi công đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Thi công đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy


Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân giải ngân thấp là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục kéo dài, vướng mắc quy định liên quan vốn đầu tư công... Một số dự án khởi công mới vào cuối năm 2021 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định nên những tháng đầu năm 2022 khối lượng hoàn thành trên công trường chỉ được thanh toán một phần, còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng nên số giải ngân chưa nhiều. Một nguyên nhân nữa là giá vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi công. Còn nguyên nhân chủ quan chính là tính chủ động phối hợp để triển khai thủ tục dự án của một số đơn vị chủ đầu tư chưa cao, gây mất nhiều thời gian. Một số nhà thầu thi công cầm chừng, nhất là trong giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng.

“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư tích cực triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, đề ra các giải pháp tăng nguồn thu tiền sử dụng đất để cấp cho các dự án theo kế hoạch. Cùng với đó, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư cần khẩn trương triển khai nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; liên hệ với Kho bạc nhà nước để được hướng dẫn, lập đầy đủ và chính xác hồ sơ, thực hiện thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không chờ đến giữa năm hoặc cuối năm mới thực hiện thanh toán”-ông Quế nhấn mạnh.

Tại hội nghị sơ kết công tác tháng 5, triển khai nhiệm vụ tháng 6-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: “Các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thanh toán vốn; củng cố năng lực các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; xử lý ngay các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn. Kịp thời phân bổ các nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án. Giao Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công quyết liệt triển khai các nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ theo yêu cầu”.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.