Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh có nhiều khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều kết quả khả quan, trong đó thể hiện ở dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản thành phố.

Khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, đang thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp thị trường bất động sản thành phố đang có dấu hiệu khởi sắc sau quãng thời gian dài “ngủ im” trong các đợt giãn cách xã hội. 
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều kết quả khả quan, trong đó thể hiện ở dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản thành phố.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, thành phố có gần 23.000 doanh nghiệp thành lập mới; trong đó phân theo ngành nghề thì lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất 22,26%.
Tương tự, đóng góp vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 2,38 tỷ USD thì hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm tới 53,92%.
Mặt khác, trong cơ cấu nguồn thu ngân sách hơn 271.600 tỷ đồng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2021, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2020 có sự đóng góp chủ yếu của ngành bất động sản và khối tài chính ngân hàng. 
Bên cạnh đó là nhiều thông tin tích cực về chính sách, quy hoạch đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hết sức quan tâm, kỳ vọng. Đơn cử là việc Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng vào chương trình phục hồi sau dịch COVID-19 với tổng số tiền 65.000 tỷ đồng; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Hay như thông tin đầu tư tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đầu tư dự án vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh… khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cũng đang được giới đầu tư kinh doanh bất động sản đón nhận và sẽ tác động mạnh đến chiến lược kinh doanh, đầu tư trong thời gian tới. 
Cụ thể diễn biến phục hồi thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của trang Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 10/2021 giao dịch bắt đầu quay trở lại ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ khi xu hướng mở bán online diễn ra mạnh mẽ, mức độ quan tâm và lượng tin đăng tăng ở hầu hết các loại hình trong đó cao nhất ở sản phẩm chung cư phân khúc bình dân. 
Còn theo đại diện Công ty DKRA Việt Nam, đối với sản phẩm đất nền, trong tháng 10/2021 thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tuy chỉ có 1 dự án mở bán mới, cung cấp ra thị trường 26 nền nhưng đây là lần đầu xuất hiện nguồn cung mới sau chuỗi thời gian dài thiếu vắng dự án.
Với phân khúc căn hộ, trong tháng 10/2021 bất động sản thành phố có 5 dự án mở bán; trong đó có 2 dự án mở bán mới, với khoảng 371 căn, tăng nhẹ 4% so với tháng 9/2021.
Về phân khúc nhà phố, biệt thự, theo dự báo của Công ty DKRA Việt Nam, hiện nay có nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, chuẩn bị, dự kiến nguồn cung mới và sức cầu sẽ tăng vào những tháng cuối năm 2021, tập trung chủ yếu ở khu Đông thành phố. 
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển R&D của Công ty DKRA Việt Nam, cho biết, các chủ đầu tư đang cố gắng “giành giật” lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội. Từ tháng 9/2021 các doanh nghiệp chuyển sang bán hàng online… cũng là thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc.

Đường Tạ Quang Bửu, Quận 8, TP.HCM. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN
Đường Tạ Quang Bửu, Quận 8, TP.HCM. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN
Dự báo trong quý 4 năm 2021 nguồn cung mới và sức mua cơ bản sẽ tích cực hơn quý 3 năm 2021, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở cả các địa phương lân cận khác; trong đó, nguồn cung căn hộ có thể sẽ tăng nhẹ trong quý 4 năm 2021 với khoảng 4.000 căn, đất nền các tỉnh giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Trong khi đó, đánh giá về tăng trưởng phân khúc khách sạn cho thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty CBRE Việt Nam, công suất phòng bình quân quý 3 năm 2021 được cải thiện đáng kể, đạt 35,2% và tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường khách sạn 4-5 sao đã có sự thay đổi tương đối tích cực hơn so với giai đoạn dịch COVID-19 mới bùng phát hồi năm 2020 và được kỳ vọng hồi phục, có nhiều bước tiến hơn trong năm tiếp theo, khi đây là giai đoạn Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế đón khách du lịch nước ngoài trở lại. 
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho rằng, từ tháng 10/2021-1/2022 thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5-10%, giai đoạn từ tháng 2/2022-3/2022 sẽ tăng trưởng từ 10-15%, tiếp đến sẽ là giai đoạn ấm lên của toàn thị trường. 
Trong thực tiễn hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở, đáng chú ý sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, cầu Thủ Thiêm 2 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm Quận 1 đã được hợp long.
Trên địa bàn thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã có 2 dự án nhà ở được tái khởi động cùng với việc khởi công xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân có quy mô 1.000 căn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. 
Gần đây nhất, ngay sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới,” Tập đoàn Novaland đã khai trương chương trình Novaland Gallery - nền tảng trải nghiệm các dự án bất động sản của Novaland và hệ sinh thái dịch vụ tiện ích từ các thành viên thuộc NovaGroup.
Mặc dù các hoạt động đầu tư, xây dựng diễn ra chưa nhiều tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế nhưng đây là những tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản thành phố bắt đầu khởi sắc trở lại, nhất là bối cảnh dịch bệnh vẫn đang còn tiếp diễn phức tạp trên nhiều tỉnh thành.
Bên cạnh đó, sau khi cơ bản khống chế được dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực, khẩn trương thực hiện các giải pháp để phục hồi kinh tế; trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ, giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm như dự án Lotte, Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City), đấu giá cá khu đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sớm hoàn tất các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính các dự án…
Đáng chú ý, Tổ Công tác đầu tư, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố họp hàng tuần để kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây là những nhân tố sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản thành phố phục hồi nhanh hơn và sớm phát triển khởi sắc trở lại trong thời gian sắp tới.
Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm