Bộ Xây dựng kiến nghị cấp 65.000 tỉ đồng làm nhà ở xã hội, nhà công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 28.10, Bộ Xây dựng cho biết đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc cấp 65.000 tỉ đồng kèm cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
 
Theo Bộ Xây dựng, cần đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để góp phần phát triển bền vững. Ảnh: Lê Quân
Theo Bộ Xây dựng, cần đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để góp phần phát triển bền vững. Ảnh: Lê Quân
Bộ Xây dựng cho biết theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỉ đồng.
Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng hơn 131.000 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỉ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là hơn 163.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỉ đồng.
Hiện tại, số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỉ đồng (dự án nhà ở cho người thu nhập thấp: 178 dự án với quy mô xây dựng khoảng 140.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỉ đồng; dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỉ đồng).
Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng
Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế chính sách và gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân khu công nghiệp trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó triển khai gói tín dụng cấp bù lãi suất 15.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Cụ thể:
Bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để các đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 luật Nhà ở vay để mua, thuê, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 14.000 tỉ đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ huy động thêm 14.000 tỉ đồng nữa cho các đối tượng nêu trên vay).
Bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP khoảng 1.000 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng cũng cho hay đã đề xuất gói tín dụng và cơ chế chính sách đặc thù trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó, để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, đặc biệt là nhà ở công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được nâng cao chất lượng, cải thiện điều kiện chỗ ở.
Theo Bộ Xây dựng, việc hỗ trợ để nhằm thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp). Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định khoảng 50.000 tỉ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là 220.000 tỉ đồng) với lãi suất và thời hạn phù hợp để cho các đối tượng thuộc chương trình vay ưu đãi.
Hình thức cho vay tín dụng là Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại (các ngân hàng thương mại được chỉ định) cho vay hỗ trợ các đối tượng thuộc chương trình.
Các ngân hàng thương mại cho vay đối với khách hàng là các đối tượng thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng và các quy định do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn. Đồng thời, ngân hàng sẽ có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 - 15 năm.
Theo Bộ Xây dựng, các đối tượng được vay là công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của luật Nhà ở.
Theo Lê Quân (TNO)

Có thể bạn quan tâm