Nước sạch về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc xây dựng các công trình cấp nước tập trung đã giải bài toán thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô cho người dân 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).
Trước đây, mỗi khi bước vào mùa khô, phần lớn giếng nước của các hộ dân thuộc 3 làng Hòa Bình, Pơ Nang và Nhoi rơi vào tình trạng cạn kiệt. Nhiều gia đình phải sử dụng nước ao, hồ hoặc đi xa lấy nước suối về dùng. Trước tình trạng đó, giữa tháng 8-2020, UBND thị xã An Khê xuất ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng cấp cho xã Tú An để đào giếng, xây bể chứa nước sinh hoạt. Sau 2 tháng thi công, 6 giếng đào và 7 bể chứa nước (mỗi bể chứa khoảng 30 m3 nước) cùng hệ thống máy bơm, các tấm pin năng lượng mặt trời đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Người dân làng Nhoi (xã Tú An, thị xã An Khê) ra bể nước chung lấy nước về sử dụng. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân làng Nhoi (xã Tú An, thị xã An Khê) ra bể nước chung lấy nước về sử dụng. Ảnh: Ngọc Minh
Dẫn chúng tôi tham quan các bể chứa nước tập trung của làng, bà Trương Thị Hồng Tất-Bí thư Chi bộ làng Pơ Nang-cho hay: “Sau khi khảo sát, UBND xã cho đào 2 cái giếng và xây 2 bể chứa nước. Nước được bơm từ giếng lên bể chứa, bà con chỉ việc mở vòi lấy nước về sử dụng. Đặc biệt, máy bơm nước hoạt động bằng nguồn điện năng lượng mặt trời, không tốn chi phí tiền điện hàng tháng. Nhờ đó, từ đầu mùa khô đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã không còn xảy ra”.
Chị Đinh Thị Sam (làng Pơ Nang) chia sẻ: “Trước đây, vào mùa khô, tôi phải đi ngược lên đầu làng xin từng can nước về sử dụng. Bây giờ, Nhà nước xây cho bể nước gần nhà nên dân làng mừng lắm. Chúng tôi bảo nhau giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh bể, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”.
Các bể nước tập trung đi vào hoạt động giúp gia đình chị Đinh Thị Sam (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) và dân làng có nguồn nước sách sử dụng. Ảnh Ngọc Minh
Các bể nước tập trung đi vào hoạt động giúp gia đình chị Đinh Thị Sam (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) và dân làng có nguồn nước sạch sử dụng. Ảnh: Ngọc Minh
Vào buổi chiều, tại bể nước làng Nhoi, không khí thật rộn ràng. Người lớn thì xách nước về nhà dùng, trẻ em tíu tít tắm gội. Vừa rửa mớ lá mì mới hái sau vườn, bà Đinh Thị Yên vui vẻ kể: “Trước đây, gia đình tôi và 3 hộ khác dùng chung một cái giếng, cứ tới tháng 6-7 nước trong giếng bắt đầu cạn dần, nhiều hôm phải ra ao, hồ lấy nước về dùng. Từ khi công trình nước đưa vào sử dụng, ai nấy đều phấn khởi. Sáng sớm hoặc chiều muộn, mọi người ra bể lấy nước, trò chuyện việc nhà, việc rẫy; con trẻ có chỗ tắm táp. Từ nay, dân làng không phải lo chuyện nước sinh hoạt nữa”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Hoàng Xuân Đạt-Trưởng thôn Hòa Bình-cho hay: Làng có 113 hộ với 424 khẩu. Bà con sống rải rác trên phạm vi rộng. Trong khi đó, số lượng giếng nước trong dân ít. Mặc dù mới có 2 bể nước đi vào hoạt động nhưng cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Sau này, bể nước còn lại được lắp hệ thống năng lượng mặt trời cung cấp điện cho máy bơm hoạt động sẽ đảm bảo nhu cầu của bà con. 
Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: Tháng 8-2020, Thị ủy, UBND thị xã quan tâm hỗ trợ kinh phí để xã xây dựng các bể nước tập trung phục vụ người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng giúp hơn 200 hộ dân ở 3 làng: Nhoi, Hòa Bình và Pơ Nang có nước sạch sử dụng, không phải lo thiếu nước vào những tháng mùa khô. “Để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, UBND xã chỉ đạo cán bộ phụ trách, trưởng thôn thường xuyên tuyên truyền cho người dân phát huy tính cộng đồng, có ý thức bảo vệ công trình. Đồng thời, nhắc nhở bà con thường xuyên vệ sinh bể nước, giữ gìn môi trường xung quanh, sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí”-Chủ tịch UBND xã Tú An nhấn mạnh.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.