Nhà hỏng do làm đường tránh Đông Chư Sê: Mòn mỏi chờ đền bù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã 2 năm kể từ khi đường tránh Đông Chư Sê hoàn thành khối lượng xây lắp nhưng hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công tuyến đường này vẫn chưa nhận được đền bù thỏa đáng.
Từ sau khi xuất hiện những vết nứt, mỗi khi mưa lớn, nước lại thấm từ ngoài vào trong khiến ngôi nhà 2 tầng của gia đình bà Mai Thế Thiện (tổ 5, thị trấn Chư Sê) xuống cấp nghiêm trọng. Nằm sát con đường tránh Đông Chư Sê, căn nhà này chịu tác động từ quá trình thi công tuyến đường trong một thời gian dài.
Bà Thiện cho hay: “Suốt nhiều tháng trời, căn nhà rung lắc liên tục vì máy móc, thiết bị hoạt động ngày đêm. Chúng tôi ở trong nhà mà lo tường sập. Sau đó, tường bắt đầu xuất hiện vết nứt ở khắp nơi, mỗi khi trời mưa phải dùng chậu hứng nước thấm vào nhưng cũng chẳng ăn thua. 2 mùa mưa vừa qua, chúng tôi đã phải sống chung với cảnh này rồi”. 
Cũng theo bà Thiện, các gia đình bị ảnh hưởng do thi công đường tránh Đông Chư Sê đã có đơn yêu cầu chủ đầu tư đền bù một phần thiệt hại. Đại diện đơn vị bảo hiểm công trình đã đến kiểm tra, đo đạc sau đó tổ chức họp các hộ dân bị ảnh hưởng để đền bù. Tuy nhiên, đơn vị bảo hiểm đưa ra mức đền bù quá thấp nên các hộ dân không đồng thuận.
“Nhà tôi bị hàng chục vết nứt ở khắp nơi, giờ chẳng dám ở, sửa chữa mất rất nhiều tiền thế mà họ nói chỉ đền bù có 3 triệu đồng. Họ nói rằng vì chủ đầu tư mua gói bảo hiểm ít tiền nên chỉ đền bù được như vậy thôi. Tôi không thể chấp nhận được”-bà Thiện bức xúc. 
Bức tường nhà bà Mai Thế Thiện đã xuất hiện nhiều vết nứt khiến nước thấm vào nhà mỗi khi trời mưa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bức tường nhà bà Mai Thế Thiện đã xuất hiện nhiều vết nứt khiến nước thấm vào nhà mỗi khi trời mưa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Tương tự, căn nhà của ông Nguyễn Minh Lâm (tổ 5, thị trấn Chư Sê) đã xuất hiện nhiều vết nứt. Đáng nói, ngôi nhà cách đường tránh 22 m nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ những vết nứt, nước mưa tràn vào nhà gây hư hỏng nhiều vật dụng, tường xuất hiện rêu mốc.
Ông Lâm bày tỏ: “Gia đình tôi dùng mọi cách để sửa chữa từ áp lại tôn đến trét keo bên ngoài nhưng không thể xử lý triệt để. Đơn vị bảo hiểm thì chỉ đền bù có 4,5 triệu đồng. Chúng tôi cũng không yêu cầu phải đền bù với số tiền quá lớn, nhưng ít nhất cũng phải thỏa đáng với mức độ thiệt hại, chứ với 4,5 triệu đồng thì chỉ mua được vài thùng sơn không làm gì được”. 
Được biết, Dự án đường tránh Đông Chư Sê do Ban Quản lý Dự án 6 làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 10,8 km, tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng và hoàn thành khối lượng xây lắp tháng 6-2019.
Trao đổi với P.V, ông Lê Đình Huấn-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho biết: Dọc theo tuyến đường này có 28 hộ dân bị hư hỏng nhà cửa do quá trình thi công. Sau khi công trình hoàn thành, người dân kiến nghị và UBND huyện Chư Sê đề nghị chủ đầu tư có phương án hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, chủ đầu tư giao lại cho đơn vị bảo hiểm công trình làm việc với người dân, mức đền bù không hợp lý khiến bà con bức xúc.
“Ủy ban nhân dân huyện đã mời Ban Quản lý Dự án 6 vào làm việc để đòi quyền lợi cho các hộ dân. Và yêu cầu họ tổng hợp, thống kê thiệt hại cụ thể để khẩn trương đền bù thỏa đáng, không thể để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của người dân”-ông Huấn nói. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.