Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665: Động lực phát triển vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh lộ 665 là tuyến giao thông huyết mạch đi qua 6 xã của huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) gồm: Ia Băng, Ia Tôr, Ia Pia, Ia Me, Ia Ga, Ia Mơr và kết nối với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Sau nhiều năm chờ đợi, Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 đã chính thức được triển khai, tạo động lực phát triển vùng.


Xóa sổ “con đường đau khổ”

“Quá mừng đi chứ! Con tôi vài năm nữa sẽ vào Trường THPT Plei Me. Cháu đi hàng chục cây số trên tỉnh lộ 665 để đến trường. Đường được đầu tư làm mới, việc đi lại học hành của cháu sẽ thuận lợi hơn”-chị Mai Thị Hiền (Đội 1, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710, Binh đoàn 15) phấn khởi chia sẻ.

Bao năm qua, gia đình chị Hiền và hàng trăm hộ dân khác ở xã biên giới Ia Mơr phải sống trong nỗi khó khăn, vất vả vì đường sá xuống cấp. Người dân phải mua hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất với giá cao. Trong khi đó, nông sản bán ra với giá thấp so với mặt bằng chung, bởi đường sá xuống cấp, chi phí vận chuyển cao.

“Lâu nay, chúng tôi mong ngóng tuyến đường được đầu tư nâng cấp. Cách đây vài tháng, thấy các đơn vị thi công đưa máy móc, công nhân ra công trường, bà con mừng lắm”-chị Hiền nói.

Tỉnh lộ 665 nhiều năm xuống cấp đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Hòa
Tỉnh lộ 665 sau nhiều năm xuống cấp đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Hòa

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hà (xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cho biết: “Tôi có rẫy ở xã Ia Băng, huyện Chư Prông. Tôi từng chứng kiến nhiều người bị ngã xe trên tỉnh lộ 665. Nhiều lần, tôi cùng anh em quanh đây huy động nhau cứu hộ xe ô tô mắc lầy lúc trời mưa. Đường thì xấu, xe cộ qua lại nhiều, nhất là vào giờ tan trường”.

Ia Mơr là xã xa nhất của huyện Chư Prông. Tỉnh lộ 665 chạy qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 25 km. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh thông tin: “Tỉnh lộ 665 là tuyến huyết mạch kết nối Ia Mơr với các địa phương lân cận và về trung tâm huyện. Vì hầu hết là đường đất nên cứ vào mùa mưa là bà con phải sống chung với cảnh lầy lội, nhiều điểm trũng thấp thường xuyên bị cô lập. Do vậy, khi được đầu tư làm đường bê tông nhựa, người dân rất vui mừng”.

Kỳ vọng tạo động lực phát triển

Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 thuộc hợp phần Dự án Tam giác phát triển (VDTA) của Việt Nam có tổng mức đầu tư 122,11 triệu USD (trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 106,51 triệu USD, vốn đối ứng 15,6 triệu USD). Số tiền này hỗ trợ cho 5 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Bình Phước) để thực hiện các công trình nhằm góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân vùng thụ hưởng.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện Dự án. Ban Quản lý Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB-Tiểu dự án tỉnh Gia Lai (PPMU Gia Lai) là cơ quan đại diện chủ đầu tư quản lý Dự án. Dự án bao gồm 2 gói thầu, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022.

Thi công cầu Ia Mơr trên tỉnh lộ 665. Ảnh: Lê Hòa
Thi công cầu Ia Mơr trên tỉnh lộ 665. Ảnh: Lê Hòa

Ông Trần Đình Triết-Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: Sau nhiều năm nỗ lực tham mưu, đàm phán, cuối năm 2020, Dự án đã chính thức được khởi công. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, hàng tuần, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra thực tế thi công của nhà thầu.

“Chúng tôi kỳ vọng, Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh ở địa phương. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Chư Prông đang là địa phương được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm trong lĩnh vực điện gió, nông nghiệp công nghệ cao…”-ông Triết nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng-Chỉ huy trưởng công trình (Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510): Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 và Công ty TNHH Trung Kiên đảm nhiệm thi công 3 cây cầu với tổng giá trị hợp đồng là 56 tỷ đồng.

“Hiện nay, chúng tôi đang tận dụng thời tiết mùa khô, mực nước suối xuống thấp để thi công. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 35% khối lượng thi công, riêng cầu Ia Mơr đã đúc xong dầm cầu, đang tiến hành khoan cọc nhồi. Mục tiêu là sẽ cho lao dầm trước mùa mưa tới”-ông Quảng thông tin.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.