Môi giới bất động sản chật vật lo Tết mùa COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho thị trường bất động sản ảm đạm, các môi giới bất động sản không có thu nhập. Đặc biệt, những ngày gần Tết, nhiều người phải dùng tiền tiết kiệm để sống, sắm sửa Tết…
 
COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều ngành nghề rơi vào tình cảnh khó chồng khó. Ảnh Minh Khôi.
COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều ngành nghề rơi vào tình cảnh khó chồng khó. Ảnh Minh Khôi.
Lấy tiền tích trữ sắm Tết
COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều ngành nghề rơi vào tình cảnh khó chồng khó. Trong đó, hoạt động môi giới bất động sản cũng chịu nhiều tác động, thậm chí, nhiều người không có thu nhập trong vài tháng liền khiến đời sống của “cò đất” lâm vào tình thế... ngày càng xấu.
Đặc biệt, những ngày cận kề Tết Nguyên đán, giới bất động sản phải tự bỏ tiền túi ra để đi sắm Tết.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, anh Trần Anh, quê ở Thanh Hóa, mới ra Hà Nội và gia nhập nghề môi giới bất động sản được hơn 3 năm cho biết, năm 2017 anh xin vào làm kinh doanh cho một công ty lớn có văn phòng tại quận Thanh Xuân, chuyên đầu tư kinh doanh phân khúc căn hộ và nhà phố.
Mặc dù mới vào công ty được khoảng 3 tháng, chưa bán được sản phẩm nào nhưng số tiền thưởng Tết năm đó anh nhận được cũng lên tới 20 triệu đồng. Còn đối với những nhân viên xuất sắc, đạt chỉ tiêu thì mức thưởng lên tới cả trăm triệu đồng.
“Mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, chưa bán được sản phẩm nào nhưng cũng được công ty thưởng số tiền lớn như vậy thật sự là rất sốc”, anh Trần Anh nhớ lại và cho biết thêm, năm nay anh đã cố gắng rất nhiều và cũng đạt chỉ tiêu doanh thu, nhưng có vẻ rất khó để được nhận thưởng như những năm trước.
Bởi trong năm qua, tình hình thị trường trùng xuống do dịch COVID-19, có thời điểm công ty không có hàng, lãnh đạo phải kết hợp với các đối tác ở tỉnh lân cận để tìm nguồn hàng cho nhân viên bán. Tuy nhiên, do vị trí dự án ở tỉnh xa nên giá chào bán cũng thấp, chi phí đi lại cao, nên cũng chẳng lãi là mấy, thậm chí có dự án còn bị lỗ nặng.
“Những năm trước đây, cứ vào những ngày giáp Tết, toàn bộ công ty đang nhộn nhịp chuyện thưởng Tết, quà Tết. Nhưng năm nay, không khí không rộn ràng, không thấy ai bàn bạc gì đến chuyện thưởng Tết. Như tôi phải tự bỏ tiền túi ra để sắm Tết, trước tình hình như thế này thì cũng chả mặn mà gì tiền thưởng nữa”, anh Trần Anh chia sẻ thêm.
Không rộn ràng chuyện thưởng Tết
Tương tự như anh Trần Anh, trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hạnh (Xuân Trường, Nam Định), một môi giới làm việc cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đất nền tại quận Hà Đông (Hà Nội) cũng chẳng khá hơn. Đến những ngày giáp Tết, lãnh đạo công ty không hề nhắc gì chuyện thưởng Tết mà còn lên kế hoạch để cắt giảm chi tiêu và tiết giảm nhân sự.
Chị Hạnh kể, năm 2018, công ty chị thưởng Tết cho nhân viên khá đậm, khoảng 4 tháng lương cơ bản, nhân viên xuất sắc sẽ được nhận thêm 20 triệu đồng, thậm chí còn bao luôn tiền xe cho nhân viên về quê. Nhưng trước tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp như hiện nay, toàn bộ nhân viên đều lo lắng về một cái Tết không thưởng.
 
Lượng khách hàng giao dịch trong đợt này là rất ít. Ảnh Minh Khôi.
Lượng khách hàng giao dịch trong đợt này là rất ít. Ảnh Minh Khôi.
“Dịch COVID-19 đang phức tạp, cơ quan nhà nước khuyến cáo ít đi lại, thậm chí là cân nhắc khi về quê ăn Tết. Một năm làm ăn khó khăn, Tết cũng không còn thưởng nên tôi đang suy nghĩ việc về quê. Ở lại Hà Nội ăn Tết vừa đỡ tốn kém lại an toàn”, chị Hạnh tâm sự.
“Suốt 2 tháng nay, công ty em cho nhân viên nghỉ chơi dài dài. Mặc dù công ty vẫn trả lương cơ bản hàng tháng nhưng cứ thế này mãi thì không ổn. Vì lương cơ bản của một nhân viên môi giới không đủ để lo xăng xe và tiếp khách, chứ chưa nói gì đến tiền ăn và thuê nhà hàng tháng”, một môi giới tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Minh Châu cho rằng, nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi của nghề môi giới địa ốc là thu nhập cao, thật ra có nhiều vất vả, áp lực vô hình mà nhân viên sale nhà đất phải gánh vác.
Để bán được hàng, người môi giới phải lao động chuyên nghiệp, học tập không ngừng để am tường pháp lý, các quy định liên quan đến bất động sản, cần mẫn tìm hiểu thị trường, hiểu rõ sản phẩm và nắm chắc địa bàn, giải đáp được các thắc mắc, yêu cầu của khách hàng... Nghề này thiếu sự ổn định khi thị trường bước vào chu kỳ khó khăn, vì phụ thuộc vào doanh số, lương cơ bản rất thấp.
Một số chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp BĐS sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn. Hiện một số hiệp hội và doanh nghiệp đã lên tiếng mong muốn được hỗ trợ, Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hoãn, giãn thuế.
CAO NGUYÊN (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/moi-gioi-bat-dong-san-chat-vat-lo-tet-mua-covid-19-877640.ldo

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.