3 hình thức giải quyết tranh chấp thừa kế nhà đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi xảy ra tranh chấp thừa kế nhà đất sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau, phổ biến nhất là 3 cách dưới đây.

Có 3 hình thức giải quyết tranh chấp thừa kế nhà đất. (Ảnh minh họa: LĐO)
Có 3 hình thức giải quyết tranh chấp thừa kế nhà đất. (Ảnh minh họa: LĐO)
Tranh chấp thừa kế là gì?
Tranh chấp thừa kế nhà đất là những bất đồng, trái ngược, mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong quan hệ thừa kế như tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền hưởng di sản, tranh chấp do các phần di sản được hưởng không bằng nhau,…
Trên thực tiễn thi hành pháp luật, các tranh chấp thừa kế thường có nội dung như sau:
- Tranh chấp hàng thừa kế
- Tranh chấp về di sản thừa kế
- Tranh chấp cách hiểu về nội dung di chúc
- Tranh chấp về việc xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản
- Tranh chấp việc phân chia di sản thừa kế.
Phương thức giải quyết tranh chấp thừa kế
Thương lượng
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp bằng việc hai bên tự gặp gỡ, trao đổi và thỏa thuận với nhau cùng đưa ra cách giải quyết mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba (pháp luật không quy định thủ tục thực hiện).
Hòa giải
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp bằng việc mời một bên thứ ba (cá nhân, tổ chức) làm trung gian để phân tích, nêu quan điểm, gợi mở những phương hướng giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thừa kế của hai bên liên quan (pháp luật không quy định thủ tục thực hiện).
Hai phương thức thương lượng và hòa giải mang tính mềm dẻo, linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, kết quả giải quyết không mang tính bắt buộc cho các bên liên quan.
Khởi kiện
Đây là cách giải quyết tranh chấp tại Tòa án bằng việc gửi đơn khởi kiện (phải có đơn khởi kiện và theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Phương thức giải quyết có trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; các bên phải thực hiện, nếu không sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Đặc biệt, chủ thể giải quyết sẽ đảm bảo sự công bằng và hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, hình thức kiện tụng này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ, uy tín và danh dự các bên. Thời gian giải quyết tranh chấp cũng kéo dài, chi phí giải quyết khá lớn.
TRANG THIỀU (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/3-hinh-thuc-giai-quyet-tranh-chap-thua-ke-nha-dat-868569.ldo

Có thể bạn quan tâm