Hàng loạt dự án chung cư "chết yểu": Đỏ mắt tìm chủ đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đã bỏ ra những khoản tiền khá lớn cho chủ đầu tư để mua nhà, góp vốn một số dự án tại Hà Nội, nhưng cả thập kỷ nay, hàng nghìn người dân vẫn không có nhà để ở. Trong khi không ít người thiếu chỗ ở, phải sống trong cảnh chật chội, thuê mượn… Quá trình đi đòi công lý của khách hàng dường như vô vọng, nhiều dự án không rõ chủ đầu tư ở đâu, không biết bao giờ mới lấy lại được nhà, được tiền…
 
Usilk City là dự án do CTCP Sông Đà Thăng Long (STL) làm chủ đầu tư, có quy mô 9,2ha và mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Sau gần 10 năm dự án vẫn bị bỏ hoang, với những khối ximăng ngổn ngang. Ảnh:Cao Nguyên
Usilk City là dự án do CTCP Sông Đà Thăng Long (STL) làm chủ đầu tư, có quy mô 9,2ha và mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Sau gần 10 năm dự án vẫn bị bỏ hoang, với những khối ximăng ngổn ngang. Ảnh:Cao Nguyên
Mòn mỏi chờ nhận nhà
Dọc tuyến đường Tố Hữu (quận Hà Đông) những năm gần đây phát triển khá rõ rệt. Nhiều tòa nhà chung cư mới mọc lên san sát ngay mặt đường. Bên cạnh sự phát triển tốc độ thì còn có những “vết đen” còn bám lại đó là những tòa chung cư được thi công cả thập kỷ nay nhưng giờ vẫn đang mới nhấp nhô phần móng hay giữa bỏ giữa chừng.
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, sau gần 10 năm bị bỏ hoang, những khối xi măng ngổn ngang của dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City) đang dần được tái khởi công. Phía bên trong công trường đã có lác đác những công nhân, kỹ sư… Theo tìm hiểu, Dự án này được khởi công vào năm 2009 và kế hoạch bàn giao 2012-2013, song quá trình thi công nhỏ giọt và dừng triển khai hoàn toàn từ giữa năm 2011. Dù đã thu hơn 4.000 tỉ đồng của hơn 2.000 khách hàng, song các căn hộ đã không được bàn đúng như tiến độ đã cam kết.
Usilk City là dự án do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) làm chủ đầu tư, có quy mô 9,2ha và mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Dự án này nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu), thuộc địa phận xã Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội được xây dựng qui mô lớn gồm 13 toà nhà cao tầng hiện đại từ 25 đến 50 tầng với hơn 2.700 căn hộ.
Nhiều khách hàng đã mua nhà tại dự án này cho hay, trong nhiều năm qua, Công ty CP Sông Đà Thăng Long (chủ đầu tư dự án) đều tỏ thái độ thiếu thiện chí trong quá trình bàn giao nhà, hoàn thiện, tu sửa các hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy, tiện ích cho dân cư.
Là một trong hàng nghìn khách hàng bỏ tiền ra nhưng chưa nhận được nhà, ông Bùi Tiến Nhiệm cho biết, vào năm 2010 ông mua căn hộ tại tòa CT2 - 105 của dự án án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội). Ông nói: “Tôi đã thực hiện đúng theo quy định hợp đồng mua bán với Công ty Sông Đà Thăng Long và Sông Đà Nha Trang, nhưng đến nay sau 8 năm trời gia đình chúng tôi vẫn không có nhà ở. Hiện tại chúng tôi đang phải đi ở nhà thuê”.
Cùng cảnh với ông Nhiệm, nhiều khách hàng mua căn hộ tại CT2 - 105, cho biết trong suốt 8 năm từ khi mua nhà đến nay đều là khoảng thời gian đằng đẵng của các cư dân đấu tranh đòi nhà ở. Nhiều người bức xúc vì đã nộp rất nhiều tiền với mong muốn có một chỗ ở yên ổn, nhưng sau gần chục năm trời chỗ ở của họ vẫn chỉ là những đống đổ nát...
Vì đã vượt quá sức chịu đựng, mới đây các cư dân tại nhiều tòa căn hộ của chung cư Usilk City lại đồng loạt đổ xuống đường với băng rôn, khẩu hiệu... phản đối chủ đầu tư và mong nhận được sự trợ giúp của các cơ quan chức năng.
Hay như dự án Hattoco, tên mới là Golden Millennium Tower (110 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội) phát triển đã 11 năm nay, song hơn 300 khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà. Trong vai một khách hàng, chúng tôi tìm đến dự án này, phía ngoài hàng rào tôn được quây kín, chỉ một cánh cửa được mở để thi thoảng có người ra vào. Nếu không phải là đóng giả là khách hàng thì rất khó để qua được cửa bảo vệ. Phía bên trong công trường ngổn ngang rác thải, cỏ mọc um tùm. Đến nay, dự án xong phần thô đến tầng 39. Một số máy móc đã bị dừng thi công trong suốt thời gian dài, sắt thép của công trình đã hoen gỉ, công trường không một bóng công nhân.
Theo tìm hiểu, ngay sau thời điểm khởi công không lâu, dự án được rao bán, chủ đầu tư đã nhận tiền của khách. Mỗi khách hàng khi mua nhà đã trả 50 - 70% giá trị căn hộ. Tỏ ra khá bức xúc để muốn gặp ông chủ đầu tư, nhưng nhân viên bảo vệ nói rằng thi thoảng lãnh đạo mới qua đây. Anh Mai Thanh Tùng, một khách hàng mua nhà của dự án Hattoco nói khách hàng lâu nay không thể gặp được chủ đầu tư. “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu được gặp ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình để làm việc nhưng chưa một lần vị này chịu làm việc với khách hàng", anh Tùng nói.
Đỏ mắt tìm chủ đầu tư
Cùng chung cảnh ngộ, hàng trăm khách hàng mua căn hộ của Dự án chung cư Sky Garden Towers (115 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) 6 năm nay rơi vào tình trạng bất an khi công trình bị dừng thi công. Dự án khởi công ngày 14.1.2012, dự kiến hoàn thành quý 3.2014 với quy mô 28 tầng nhưng đến nay dừng lại ở tầng 8. Bị bỏ hoang nhiều năm, công trình đang xuống cấp. Công trường chỉ còn lại vài bảo vệ, cỏ mọc um tùm, cổng công trường luôn đóng chặt.
Dự án này được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng ngày 30.12.2011. “Theo phản ánh từ cơ sở, nguyên nhân chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án là cán bộ, nhân viên của công ty và các cơ quan đơn vị không thể liên hệ được với giám đốc Công ty TNHH Định Công”, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Sau khi kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội thu hồi chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án để dự án được tiếp tục triển khai.
Anh Nguyễn Trung Kiên, khách hàng mua căn hộ của dự án cho biết: “Tôi và những khách hàng khác khá bức xúc. Sau một thời gian tu chí làm ăn, gia đình tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền là 600 triệu đồng và đóng vào dự án để mua nhà. Theo hợp đồng, đã quá hạn bàn giao nhà 6 năm nhưng chủ đầu tư không có một lời giải thích với khách hàng. Thậm chí đến giờ, người mua nhà không biết ai để liên hệ khi nhân viên bán hàng và lãnh đạo cũ đã nghỉ hết”.
Hay như dự án Dragon Riverside Tincom Pháp Vân. Đây là dự án mà nhiều người gọi là "Tòa nhà ma" án ngữ phía Nam Hà Nội. Chủ đầu tư tiến hành huy động vốn khách hàng từ năm 2010, thế nhưng đến nay dù xây dựng cơ bản gần hoàn thiện nhưng dự án này vẫn không thể bàn giao nhà được.
Theo tìm hiểu, tháng 10.2009, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long được UBND TP.Hà Nội trao quyết định làm chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án với tên gọi Tincom Pháp Vân. Ngay sau khi được trao quyết định, chủ đầu tư đã tiến hành triển khai dự án và kêu gọi khách hàng đặt cọc tiền mua căn hộ với chiêu bài cho Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế hệ mới (Công ty Thế hệ mới) ký hợp đồng ủy thác đầu tư với khách hàng. Theo đó, khách hàng và hai đơn vị này đã thực hiện hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư cũng hứa sẽ bàn giao nhà vào năm 2014.
Tuy nhiên, cũng thời điểm này, dự án bị chính quyền địa phương “tuýt còi” đình chỉ thi công vì chưa có giấy phép xây dựng. Cuối năm 2011, dự án nhận được giấy phép xây dựng và tiếp tục triển khai chớp nhoáng đến đầu năm 2012 thì “đắp chiếu”.
Mất niềm tin với chủ đầu tư, năm 2012, nhiều khách hàng làm đơn đề nghị thoái vốn. Theo cam kết, lộ trình thoái vốn được chia làm 4 giai đoạn, giai đoạn cuối cùng sẽ được trả vào ngày 20.5.2014. Tuy nhiên, tiến trình thoái vốn diễn ra không mấy suôn sẻ, một số khách hàng tố chủ đầu tư lẩn tránh, quá thời hạn thoái vốn nhưng số tiền được chủ đầu tư chi trả chưa bằng 10% của tổng số tiền góp vốn.
CAO NGUYÊN (LĐO)

https://laodong.vn/xa-hoi/hang-loat-du-an-chung-cu-chet-yeu-do-mat-tim-chu-dau-tu-863907.ldo

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...