Kông Chro khẩn trương khắc phục giao thông sau mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng mưa bão, áp thấp nhiệt đới, nhiều công trình giao thông, nước sạch trên địa bàn huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) bị hư hỏng nặng. Hiện nay, huyện đang huy động mọi nguồn lực để khắc phục, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản và sinh hoạt của người dân.
Giao thông thiệt hại nặng
Theo Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kông Chro, thời gian qua, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện liên tiếp có mưa lớn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, ở một số xã như Đak Pling, Yang Nam... có mưa rất to. Mưa lớn cộng với việc thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ với lưu lượng khoảng 300 m3/s khiến mực nước sông Ba và các con suối dâng cao đột biến, gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân các xã và kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Đường vào làng Ya Ma và Hrách (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đường vào làng Ya Ma và Hrách (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cụ thể, tuyến đường giao thông liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang bị sạt lở 1 đoạn 30-40 m; ngầm tràn đường vào làng Kia và làng Biên (xã An Trung) sạt lở mái ta luy và sân cống thượng lưu, hạ lưu; đường vào trạm bơm điện An Trung bị sạt lở phần lề; đường nội làng Huynh Dơng (xã Kông Yang) sạt lở nền. Đặc biệt, tuyến đường từ trung tâm xã Đak Kơ Ning đi vào các làng Ya Ma, Hrách bị sạt lở nghiêm trọng, làm hư hỏng hoàn toàn 110 m kết cấu nền, mặt đường và hệ thống thoát nước ngang đường gây chia cắt giao thông; mố, trụ cầu treo Ya Ma Kur cũng bị hư hỏng. Ngoài ra, tại đoạn đường từ trung tâm xã Đak Song đi làng Kliết-H’Ôn, kết cấu mặt tràn bê tông xi măng, mái ta luy tràn đá hộc xây vữa và đường 2 đầu cầu tràn dài khoảng 61 m cũng bị hư hỏng...
Cùng với các công trình hạ tầng giao thông, mưa lớn còn khiến hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã: Sró, Đak Song, Đak Pling hư hỏng nặng; công trình thủy lợi làng Mèo (xã Đak Pling) bị sập cầu máng ống thép, trụ đỡ… Ước thiệt hại sơ bộ về hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện do cơn bão số 12 gây ra là hơn 5 tỷ đồng.
Khẩn trương khắc phục
Ngay khi xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất, kết hợp lượng nước từ các con suối đổ về nhanh, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kông Chro cùng các xã, thị trấn đã huy động lực lượng triển khai chốt chặn trên những tuyến đường và ngầm tràn bị ngập sâu, sạt lở để hạn chế người dân qua lại, đề phòng nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang-cho biết: “Tuyến đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang từ trước đến nay chưa có hiện tượng sạt lở như trong đợt mưa lớn vừa rồi. Ngay khi người dân báo có hiện tượng sạt lở, xã đã huy động lực lượng dân quân, công an chốt chặn đầu đường không cho người dân đi lại. Ngoài ra, một số đoạn trên tuyến tỉnh lộ 667 từ thị xã An Khê đi vào huyện bị cát tràn ra mặt đường gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Xã đã huy động các lực lượng và mượn máy gạt của các cơ sở thu mua mì tươi để san gạt, dọn dẹp, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn”.
Những tảng đá lớn sạt lở trên đường liên xã đã được dọn dẹp thông tuyến đường
Những tảng đá lớn sạt lở trên đường liên xã đã được dọn dẹp để giao thông thông suốt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn ông Đinh Anơi-Phó Chủ tịch UBND xã An Trung-cho hay: Ngay khi mái ta luy thượng lưu và hạ lưu ngầm tràn đường vào 2 làng Kia và Biên bị sạt lở, xã đã huy động khoảng 40 người gồm dân quân tự vệ, công an và người dân cùng tham gia khắc phục để đảm bảo việc đi lại an toàn. Sắp đến, xã sẽ nhờ đơn vị thi công đường gần đó đổ thêm đất để khắc phục hoàn toàn đoạn sạt lở.
Trao đổi với P.V, ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. Theo đó, huyện tập trung huy động máy móc, phương tiện san gạt những tuyến đường hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Huyện cũng chủ động xuất ngân sách khoảng 300 triệu đồng hỗ trợ 4 hộ có nhà bị sập hoàn toàn (45 triệu đồng/hộ) để xây dựng lại; hỗ trợ 5 hộ có nhà bị hư hỏng và sập một phần (15 triệu đồng/hộ) để sửa chữa. Các xã xuất ngân sách dự phòng khoảng 100 triệu đồng mua nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân trong những ngày mưa bão. Đặc biệt, trước những thiệt hại nặng về hạ tầng giao thông nông thôn, huyện đã khắc phục tuyến đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang. 
“Thời gian tới, huyện sẽ khảo sát kỹ tìm nguyên nhân và nguồn vốn đầu tư chống sạt lở. Còn tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Đak Kơ Ning đi vào các làng Ya Ma và Hrách, huyện đang khảo sát làm một con đường tạm để bà con đi lại và vận chuyển nông sản. Về lâu dài, huyện sẽ có văn bản đề xuất tỉnh và các ngành hỗ trợ khoảng 4,3 tỷ đồng để khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng hoàn toàn. Các xã có đường giao thông bị bong tróc, hư hỏng cũng đang khắc phục tạm thời để người dân đi lại an toàn. Hiện nay, huyện đang huy động các lực lượng khắc phục hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung để người dân các làng có nước sinh hoạt đảm bảo”-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.