Tìm giải pháp chống ngập cho Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước tại nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn kéo dài thì một số điểm trên địa bàn vẫn xảy ra ngập cục bộ. Vì vậy, thành phố đang triển khai các giải pháp nhằm từng bước đồng bộ hệ thống thoát nước, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng.

Mưa lớn là ngập

Đầu mùa mưa hàng năm, UBND TP. Pleiku chỉ đạo Phòng Quản lý Đô thị phối hợp với Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai tăng cường kiểm tra, tổ chức nạo vét khơi thông cống rãnh nhằm hạn chế tình trạng ngập cục bộ ở các tuyến đường chính. Năm nay, các đơn vị đã tiến hành vệ sinh 5.245 cửa thu nước, nạo vét 44 m3 bùn đất... Tuy nhiên, mỗi khi xuất hiện mưa lớn kéo dài thì một số tuyến đường chính: Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám… lại xuất hiện tình trạng ngập cục bộ.

  Đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku)-đoạn trước nhà số 70 bị ngập khi gặp mưa lớn. Ảnh: Quang Tấn
Đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku)-đoạn trước nhà số 70 bị ngập khi gặp mưa lớn. Ảnh: Quang Tấn


Điển hình như trận mưa lớn vào ngày 4-10 vừa qua đã khiến một số tuyến đường bị ngập sâu, thậm chí nước tràn vào nhà dân. Mưa lớn chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã khiến tuyến đường Lê Duẩn (đoạn trước nhà số 91) ngập sâu hơn 1 m. Hầu hết các phương tiện lưu thông qua đây đều bị chết máy nối đuôi nhau cả cây số. Nước dâng lên quá nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp di dời tài sản trong nhà. Do không kịp trở tay nên khoảng 3 tấn gạo và 2 tấn cám của gia đình ông Nguyễn Công Định (99 Lê Duẩn) bị ngâm trong nước, buộc phải bán rẻ cho người dân về làm thức ăn cho heo.

Ông Định bức xúc nói: “Hai năm trở lại đây, ở khu vực này cứ mỗi khi mưa lớn là bị ngập. Từ đầu mùa mưa đến nay đã bị ngập 3 lần rồi nhưng lần ngập mới đây là nặng nhất. Cả tuyến đường dài hơn 1 km bị ngập sâu trong biển nước. Cơ quan chức năng cũng nhiều lần đến dọn dẹp, vệ sinh cống thoát nước nhưng không giải quyết được vấn đề vì ống cống thoát quá nhỏ, trong khi lượng nước đổ về lớn. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư làm lại hệ thống thoát nước tại khu vực này để người dân chúng tôi không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lớn”.

Ngã tư Hai Bà Trưng-Trần Khánh Dư ngập do mưa lớn. Ảnh: Quang Tấn
Ngã tư Hai Bà Trưng-Trần Khánh Dư (TP. Pleiku) ngập do mưa lớn. Ảnh: Quang Tấn


Trận mưa lớn ngày 4-10 cũng khiến khu vực hẻm 47 Lý Nam Đế (phường Trà Bá) ngập sâu. Nước tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều thiết bị như: ti vi, máy vi tính, tủ lạnh, máy giặt… Tổng giá trị tài sản thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn nước giếng của nhiều hộ dân tại khu vực này cũng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (hẻm 47 Lý Nam Đế) cho biết: “Từ đầu mùa mưa đến nay, khu vực này đã xảy ra 3 lần ngập. Mỗi lần mưa lớn là nước chảy thẳng vào nhà. Nhất là trận mưa vào trưa 4-10 vừa qua, lượng nước các nơi đổ về nhanh và mạnh khiến nhà tôi ngập sâu cả mét. Gia đình không kịp di dời vật dụng, tài sản nên thiệt hại lớn. Thời gian tới, thành phố cần có những giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Triển khai nhiều giải pháp thoát nước

Theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ tại một số tuyến phố khi xuất hiện mưa lớn là do hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Điển hình như tình trạng ngập ở khu vực đường hẻm Lý Nam Đế là do khu vực Bến xe tải Đức Long chưa có hệ thống thoát nước nên nước chảy theo mương đất tạm và dẫn vào mương dọc hẻm 47 Lý Nam Đế. Khi mưa lớn, mương tạm thoát nước không kịp khiến nước tràn qua bờ đất và đổ về phía tường thấp gây sập tường và tràn vào nhà dân.

Ngoài ra, mương dọc đường hẻm 47 Lý Nam Đế thu nước từ đường Lý Nam Đế, Bến xe Đức Long Gia Lai, dự án Bossco và một phần nước từ các đường giao với đường Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Hữu Thọ đã không còn đủ khả năng thoát nước, gây chảy tràn lên đường và ngập một số nhà dân dọc tuyến. Bên cạnh đó, cống ngang vị trí giao hẻm 47 Lý Nam Đế với đường nối Lê Duẩn-Nguyễn Chí Thanh không đủ khả năng thoát nước, hướng cống đặt không phù hợp (ngoặt xéo qua đường) so với hướng nước đổ vào với độ dốc lớn càng khiến tràn nước lên mặt đường.

Trận mưa lớn vào ngày 4-10 đã gây ngập nhiều nhà dân ở khu vực hẻm 47 Lý Nam Đế. Ảnh: Quang Tấn
Trận mưa lớn vào ngày 4-10 đã gây ngập nhiều nhà dân ở khu vực hẻm 47 Lý Nam Đế (phường Trà Bá, TP. Pleiku). Ảnh: Quang Tấn


“Trước mắt, Phòng đề xuất UBND thành phố làm việc với Bến xe tải Đức Long và chủ dự án Bossco tiến hành điều tiết lượng nước đổ vào mương dọc hẻm 51 Lý Nam Đế để giảm tải cho mương lúc cao điểm, hạn chế nước tràn lên đường và tràn vào nhà dân; nghiên cứu giải pháp chia tách nước tại điểm hố ga tụ nước giao với đường nối Lê Duẩn-Nguyễn Chí Thanh nhằm tiêu thoát nước thông suốt, không gây tắc nghẽn, ngập cục bộ. Đồng thời, tiếp tục tổ chức nạo vét cống, nắp cống tại các tuyến đường xuất hiện ngập cục bộ nhằm hạn chế tình trạng nước không thoát kịp do bị nghẽn”-ông Tâm cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: “Hệ thống thoát nước đô thị Pleiku đã hình thành từ lâu và vẫn chưa có quy hoạch cụ thể cũng như đầu tư đồng bộ. Trong khi đó, quá trình phát triển của thành phố đã hình thành một số khu dân cư, khu thương mại-dịch vụ nhưng chưa được đầu tư hệ thống thoát nước dẫn đến gây ngập cục bộ khi lượng nước đổ về quá lớn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thời gian đến, khi cấp phép xây dựng khu đô thị mới, cụm công nghiệp hay các khu thương mại-dịch vụ trên địa bàn, UBND thành phố sẽ yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường, trong đó phải đảm bảo việc thoát nước mưa, nước thải. Đồng thời, thành phố đang tìm kiếm các nguồn vốn để tiến hành đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đồng bộ trên địa bàn trước khi thải ra bên ngoài”.

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.