Trong 5 năm, người nước ngoài mua 16.000 căn nhà tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm (2015-2020) của 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn.

Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2%. Ảnh Cao Nguyên (minh họa).
Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2%. Ảnh Cao Nguyên (minh họa).
Trong văn bản Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) gửi Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan về việc nên hay không nên nới giới hạn “trần” sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc mua căn hộ du lịch (condotel), Hiệp hội này khẳng định không có làn sóng người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng không nên “ảo tưởng” sẽ có một làn sóng người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại Việt Nam. Thực tế tình hình người nước ngoài mua nhà 5 năm qua (2015-2020) đã chứng minh cho nhận định này.
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ từ 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, tổng cộng trong 5 năm đã bán được 12.335 ngôi nhà, căn hộ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, HoREA cho biết nếu giả định 17 Tập đoàn và doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 70-80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, thì có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước chỉ vào khoảng 14.800 - 16.000 căn.
Trong đó, 5 Tập đoàn hàng đầu (Vingroup, Novaland, Phú Mỹ Hưng, CBRE, Hưng Thịnh) được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài, riêng Tập đoàn Vingroup chiếm tỷ lệ 40%, cao nhất.
Đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009-2019) của Bộ Xây dựng, thì đã có 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà, bình quân mỗi 5 năm phát triển được khoảng 787.000 căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, thì chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở.
Theo đánh giá của Hiệp hội, các giao dịch thành công của người nước ngoài thường rơi vào nhóm dự án thuộc phân khúc cao cấp đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh an toàn, giao thông thuận tiện...
Các chủ đầu tư đều đã chấp hành quy định giới hạn trần 30% số căn hộ được bán cho người nước ngoài. Một số dự án tại khu vực quận 2 đã đạt room 30% nhưng người nước ngoài chuyển sang ký "hợp đồng thuê mua nhà (leasing)" dài hạn 50 năm.
HoREA nhận định việc thực hiện chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở, bước đầu đã có tác động tích cực với thị trường bất động sản, nhưng chưa tác động tiêu cực quá lớn với người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp trong việc tạo lập nhà ở.
Chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam cũng góp phần thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và cũng là hình thức "xuất khẩu tại chỗ", kích cầu tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nước ngoài sau khi mua nhà.
Phần lớn khối ngoại đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản... thường lựa chọn thuê hơn là mua nhà. Trong khi đó, người đến từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore có xu hướng ưa chuộng mua nhà tại Việt Nam.
Báo cáo cũng lưu ý, việc Bộ Quốc phòng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài "mua chui" bất động sản, kể cả dùng thủ đoạn nhờ doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh.
HoREA cũng đề nghị giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ người nước ngoài được sở hữu nhà tại đơn vị hành chính cấp phường, để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trường hợp số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại một đơn vị hành chính cấp phường chiếm tỷ lệ khá lớn (có thề từ 20% trở lên), UBND cấp tỉnh phải báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định.
CAO NGUYÊN (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/trong-5-nam-nguoi-nuoc-ngoai-mua-16000-can-nha-tai-viet-nam-827665.ldo

Có thể bạn quan tâm