"Sahara thu nhỏ ở Gia Lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có tổng chiều dài 30,62 km chạy xuyên qua địa bàn 4 huyện: Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku, đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku (đường tuyến tránh Pleiku) được ví như “dải lụa đào”, đánh thức một vùng nông thôn. Còn với người trẻ, nhiều đoạn trên cung đường này còn được coi là “Sahara thu nhỏ ở Gia Lai”. 
Từ khi triển khai xây dựng tuyến đường tránh Pleiku (năm 2016), diện mạo khu vực vùng ven Phố núi về phía Tây thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực. Người dân sinh sống trong khu vực ít nhiều được hưởng lợi ích từ việc mở tuyến đường. Không ít ngã ba, ngã tư đông người qua lại đã hình thành các điểm buôn bán sầm uất, đơn cử như ngã tư Ia Sao (giao đường tránh Pleiku và đường liên xã Ia Sao, Ia Yok, huyện Ia Grai), ngã ba gần Công ty Chè Bàu Cạn (giao đường tránh Pleiku và quốc lộ 19)… 
Các địa bàn nơi đường tuyến tránh Pleiku đi qua hầu hết là khu vườn đồi, nương rẫy sản xuất của bà con dọc các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku. Do đó, đi trên tuyến những ngày này, không chỉ được tận hưởng cảm giác thoáng đãng, êm mượt mà còn được tưởng thưởng những khung cảnh đẹp mắt mà không gian thung xanh đem lại. Đó là những triền cà phê, vườn hồ tiêu, cao su xanh ngắt của nông dân vùng Ia Grai, Chư Pah. Là những nương chè, cà phê điểm xuyến tàng cây hoa muồng nở rực tại điểm cuối tuyến thuộc khu vực Bàu Cạn. Đặc biệt, là đồi thông reo ẩn mình trong lớp lớp sương mây vào những ngày mưa, không khí đậm đặc hơi ẩm khi đi trên đoạn chạy qua xã Gào (TP. Pleiku). Không ít người đã trầm trồ, thích thú và tìm một vị trí đẹp dừng chân để tận hưởng những phút tĩnh lặng gần như tuyệt đối bên đường vắng, hít sâu vào lồng ngực luồng không khí đậm mùi cây cỏ và đất trời, ngắm không gian bao la…
Một đoạn đường xuyên giữa đồi thông trên tuyến đường tránh Pleiku (đoạn qua xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa
Một đoạn đường xuyên giữa đồi thông trên tuyến đường tránh Pleiku (đoạn qua xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa
Bởi chạy qua những đoạn đồi dốc cao, nhiều đoạn đường vượt đỉnh đồi dốc nên đơn vị thiết kế phải tính toán phương án hạ độ cao để đảm bảo quá trình lưu thông thuận lợi, an toàn của phương tiện sau này. Không ngờ, những đoạn đường hạ độ cao ấy lại tạo thành những thành vách đất đỏ độc đáo mà nhiều bạn trẻ đến check-in và ví von là “Sahara thu nhỏ ở Gia Lai”. Quả thật, bức tường đất đỏ bazan bạt nghiêng và gia cố khi chưa được phủ thảm cỏ trông chẳng khác nào cảnh những bức tường đất dựng nơi hoang mạc Sahara đỏ cháy, nhất là khi chúng được quyện giữa trời cao xanh và nền đường đen thẫm.

Dự án đường tuyến tránh Pleiku có tổng mức đầu tư hơn 844,5 tỷ đồng, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV, quy mô 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60-80 km/giờ. Khi thiết kế xây dựng đã tính toán đến phương án có thể áp dụng nâng cấp thành đường cao tốc sau này. Đến nay, đường tuyến tránh Pleiku đã hoàn tất việc thi công và được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước tiến hành nghiệm thu; tuy nhiên chưa được bàn giao và chính thức đưa vào sử dụng.

Là người vừa tìm đến cung đường này để có những bức ảnh đẹp, em Vũ Hoàng Uyên-sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phấn khởi nói: “Ngày học trong TP. Hồ Chí Minh, em có xem qua những bức ảnh các bạn chụp chek-in trên tuyến đường này với lời khen tặng “Sahara ở Gia Lai”, em bị hấp dẫn và quyết tâm nghỉ hè sẽ tìm đến. Quả thực, lời khen tặng này không hề quá bởi vẻ đẹp từ những bức tường đất đỏ và những hàng thông xanh ken trên đỉnh đồi chót vót, những ngôi nhà như chấm trắng nhỏ giữa bạt ngàn nương rẫy. Cảnh đẹp nơi đây rất ấn tượng, lại cách trung tâm TP. Pleiku không bao xa”. Đi trên tuyến đường này, khi qua những quả đồi to nhỏ nối nhau hoặc khi gặp một ngọn đồi lớn, tạo hóa tự phân thành nhiều “bậc thang” tương ứng với mỗi mức độ cao khác nhau đã tạo thành những “sóng dốc” đẹp mắt và giàu cảm xúc. Nhìn từ xa, dốc trùng điệp nối nhau hệt như một dải lụa mềm được tung ra từ đôi tay tài hoa, khéo léo của nữ vận động viên môn thể dục nhịp điệu. Con đường như một dải lụa đen thẫm, mềm mại trải dài qua những triền cây cối xanh tươi vẽ nên khung cảnh vừa bao la, thơ mộng, vừa hùng vĩ của chập chùng đồi núi cao nguyên. 

Nhờ được đầu tư đường tuyến tránh Pleiku, nông dân có tuyến đường đẹp để vận chuyển nông sản và các nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ảnh: Lê Hòa
Nhờ được đầu tư đường tuyến tránh Pleiku, nông dân có tuyến đường đẹp để vận chuyển nông sản và các nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ảnh: Lê Hòa

Trong đó, đẹp nhất phải kể đến “sóng dốc” chạy qua địa bàn xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) nơi có đến 4-5 nhịp “sóng dốc” nối nhau nhờ một quả đồi lớn phân tầng thành nhiều lớp. Đứng bên này con dốc có thể nhìn thấy những chiếc xe ô tô trên đỉnh đồi chỉ như một khối hộp vuông nhỏ đang từ từ dịch chuyển… Hay “sóng dốc” tại khu vực chạy qua xã Gào (TP. Pleiku) với những đồi thông nhấp nhô nối liền rẫy cà phê, vườn cây ăn quả xanh mướt. Phía dưới chân mỗi con dốc dài thường là suối nhỏ, nơi người dân tận dụng canh tác lúa nước. Tháng 8, nước đã đầy ắp các con suối. Lúa trên chân ruộng vừa được gieo chừng một tháng, còn rực rỡ màu xanh non, xen kẽ ánh sáng bàng bạc tỏa ra từ làn nước trong ruộng. Anh Thiều Quang Đạt-tài xế lái xe tải chuyên chở hàng hóa từ Kon Tum về huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak) và ngược lại-cho biết: “Tôi từng chạy xe qua đây vài chuyến. Con đường rất rộng và đẹp, vắng vẻ nên lái xe khá thoải mái. Ngắm khung cảnh thơ mộng trên tuyến cũng khiến tài xế đường dài như chúng tôi vơi bớt căng thẳng, mệt mỏi”. 
Thú vị hơn, dọc tuyến đường còn có những ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số từng là căn cứ cách mạng của tỉnh trong những năm tháng kháng chiến. Nơi đây, cuộc sống của bà con người Jrai bản địa vẫn còn khá thuần chất. Đây cũng là điểm đến hứa hẹn mang đến không ít cảm nhận thú vị cho những ai yêu thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống buôn làng Tây Nguyên.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm