Pờ Yầu khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước đây, nhắc đến làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thì không ít người phải nhăn mặt lắc đầu bởi đoạn đường dẫn vào làng quá gian nan. Thế nhưng giờ đây, thay vì vài tiếng đồng hồ thì chỉ mất chưa đầy 30 phút để tới làng trên con đường bê tông phẳng phiu vừa mới hoàn thành. “Nút thắt” đầu tiên trên con đường giảm nghèo nơi đây đã được tháo gỡ, Pờ Yầu ngày thêm khởi sắc.
Đường mới
Từ trung tâm xã Lơ Pang, ngang qua đồi tràm, chúng tôi men theo con đường bê tông nhỏ chạy thẳng về phía những ngọn núi điệp trùng. Con đường đến làng Pờ Yầu trước đây vốn gập ghềnh đầy những ổ voi, ổ gà, thêm những con dốc dựng đứng. Nhưng hiện nay, việc đi lại trên con đường này đã dễ dàng gấp trăm lần. Con đường bê tông hoàn thành thỏa niềm mong mỏi bấy lâu của người dân Pờ Yầu.
Ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang-thông tin: Đường dẫn lên Pờ Yầu được khởi công từ tháng 10-2019 và hoàn thành vào tháng 7 vừa qua với tổng chiều dài 7,4 km, vốn đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, huyện Mang Yang cũng huy động các nguồn lực đóng góp thêm 3,2 tỷ đồng; các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn huyện góp hơn 2.000 ngày công tham gia hoàn thiện con đường.
 Con đường bê tông dẫn lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) đã hoàn thành tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Ảnh: Phương Linh
Con đường bê tông dẫn lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) đã hoàn thành tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Phương Linh
20 năm với hàng ngàn chuyến làm ăn từ Pờ Yầu ra trung tâm xã Lơ Pang, anh Lê Phú Tý (49 tuổi, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) thấu hiểu nỗi vất vả khi lưu thông trên con đường này. Khi đó, xe độ chế bị cấm lưu thông song riêng ở Pờ Yầu vẫn được “đặc cách” hoạt động bởi chỉ có nó mới đảm đương được việc chuyên chở hàng hóa.
Anh Tý kể: “Trước đây, để chở 4 tấn hàng hóa từ làng ra tới trung tâm xã, tôi mất 1 ngày ròng rã. Mùa mưa thì phải thuê thêm 2 nhân công cầm theo cuốc xẻng để san gạt đường cho xe đi, vất vả vô cùng. Bây giờ có đường bê tông rồi thì chỉ mất 1 giờ thôi, rất thuận tiện”. Cũng vì con đường đi lại tiện lợi nên anh Tý quyết định đưa vợ vào làng định cư, mở quán bán buôn luôn. 
Có con đường mới tươm tất, dân làng Pờ Yầu ai cũng phấn khởi. Nhìn con đường bê tông chạy ngang trước nhà, chị Đanh không giấu được niềm vui. Chị tâm sự: “Trước đây, vào mùa mưa, người dân Pờ Yầu dường như không ra khỏi làng bởi đi lại rất khó. Từ đồ ăn, thức uống đến các nhu cầu sinh hoạt khác đều tự cung, tự cấp. Nay thì chỉ cần gần 30 phút là đi tới xã rồi. Dân làng mừng lắm!”.
Tập trung mọi nguồn lực cho làng
Làng Pờ Yầu hiện có 128 hộ với 542 khẩu, trong đó có đến 46 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo. Dân làng định cư trên diện tích hơn 5 ha, khu sản xuất rộng gần 240 ha. Khi chúng tôi đến đã thấy một nhóm khoảng chục người đang ngồi đập vỏ bời lời trước ngôi nhà đầu làng. Bời lời là loại cây kinh tế chủ yếu của bà con nơi đây. Ngoài ra còn có cây keo và bạch đàn. Lương thực thì có lúa, mì. Từ trước đến nay, bà con vẫn giữ lối canh tác dựa vào tự nhiên, ít đầu tư vật tư, phân bón, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi.
Bà con làng Pờ Yầu gắn bó với cây bời lời trong phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Linh
Người dân làng Pờ Yầu đập vỏ bời lời. Ảnh: Phương Linh
Nhằm hỗ trợ làng Pờ Yầu vươn lên phát triển, huyện Mang Yang đã thành lập Tổ phát triển kinh tế-xã hội làng Pờ Yầu với 13 thành viên do Phó Chủ tịch UBND huyện Krung Dam Đoàn làm Tổ trưởng. Tổ công tác phối hợp với các ban ngành xây dựng kế hoạch thực hiện nhiều chương trình thiết thực.
Theo đó, trong năm 2020, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hoàn thiện việc sửa chữa con đường dẫn đến khu sản xuất của làng với tổng vốn gần 1 tỷ đồng; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện các mô hình hỗ trợ nông nghiệp, hỗ trợ cây-con giống; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức đào tạo nghề cho bà con. Đồng thời, huyện cũng đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư; nâng cấp, sửa chữa 17 căn nhà dột nát.
Cùng với đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và sở hữu tài sản trên đất cho người dân. Trường học, nhà văn hóa cũng được đầu tư sửa chữa, làm mới. Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho bà con được chú trọng.
Một góc làng Pờ Yầu nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Linh
Một góc làng Pờ Yầu. Ảnh: Phương Linh
Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang cho biết thêm: “Con đường độc đạo dẫn lên làng Pờ Yầu đã được khơi thông. Giờ đây, người dân đã thuận tiện hơn trong việc giao thương, buôn bán, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách làm ăn mới. Cùng với sự nỗ lực hỗ trợ của các cấp, các ngành, xã Lơ Pang cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư để Pờ Yầu không còn là làng đặc biệt khó khăn”.
PHƯƠNG LINH-NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.