Xã hội hóa bến xe: Chủ trương đúng, hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình đầu tư bến xe khách theo chủ trương xã hội hóa được triển khai trên địa bàn tỉnh là minh chứng rõ nét cho việc thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư, giải bài toán ngân sách hạn hẹp của địa phương. Các bến xe này không những làm thay đổi bộ mặt đô thị, tạo điều kiện cho ngành kinh doanh vận tải phát triển mà còn góp phần xóa bỏ nạn xe dù, bến cóc, giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại của người dân. 
Nỗ lực của nhà đầu tư
Ông Nguyễn Thế Phúc-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thắng (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho biết: Năm 2007, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa bến xe của UBND huyện, ông đã bán đất, bán nhà để có được 4 tỷ đồng đầu tư xây dựng bến xe. Bãi đất trống đầy cỏ dại đã được ông Phúc biến thành bến xe đạt quy chuẩn loại 4, có diện tích gần 19.500 m2, gồm: nhà điều hành, khu nhà nghỉ, căng tin, nhà sửa chữa, nhà vệ sinh và sân bãi rộng khoảng 6.000 m2. 
Tuy nhiên, mọi việc không thuận lợi như ông tưởng. 2 năm đầu đi vào hoạt động, doanh nghiệp không có lãi, thậm chí phải bù lỗ hơn 50 triệu đồng vì thị trấn Chư Ty chưa có nhiều tuyến xe kết nối với các tỉnh, thành phố khác. Bến xe huyện Đức Cơ khi ấy hoạt động cầm chừng, chỉ có 12 xe 15 chỗ ngồi đăng ký tham gia hoạt động. Không nản lòng, ông Phúc lặn lội đến bến xe ở các tỉnh phía Bắc thông tin về tiềm năng khi mở tuyến do Đức Cơ là địa phương có số lượng lớn dân vào làm kinh tế, làm công nhân cao su nên nhu cầu đi lại rất cao. Hết các tỉnh phía Bắc, ông lại vào Nam, kiên trì vận động để các nhà xe mở tuyến. “Đến nay, bến xe đã có 32 đầu xe giường nằm đi các tỉnh phía Bắc và phía Nam, còn xe 16 chỗ ngồi cũng được hơn chục đầu phương tiện. Hàng năm, doanh nghiệp nộp thuế cho địa phương hơn 400 triệu đồng”-ông Phúc thông tin.
Bến xe Kbang được đầu tư xây dựng theo chủ trương xã hội hóa. Ảnh: N.S
Bến xe Kbang được đầu tư xây dựng theo chủ trương xã hội hóa. Ảnh: N.S
Tương tự, hưởng ứng chủ trương của UBND huyện Kbang, Công ty TNHH Xây dựng Tân Tiến đã đầu tư xây dựng Bến xe khách huyện theo hình thức xã hội hóa. Ông Đỗ Xuân Đông-Giám đốc Bến xe huyện Kbang-cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành chức năng và UBND huyện Kbang trong việc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai thực hiện dự án, Công ty đã đầu tư 8,6 tỷ đồng xây dựng Bến xe khách huyện với quy chuẩn loại 4, diện tích 3.025 m2. Từ năm 2017 đến nay, Bến xe khách huyện hoạt động ổn định, hiệu quả. Hiện bến xe đã tiếp nhận và đưa vào hoạt động 13 tuyến vận tải hành khách (12 tuyến liên tỉnh và 1 tuyến nội tỉnh) với hơn 60 đầu xe. “Bến xe đi vào hoạt động không những góp phần vào sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn”-ông Đông khẳng định.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và hiệu quả hoạt động của các bến xe được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm kêu gọi phát triển mạng lưới bến xe khách. Ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Huyện đang lập kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án Bến xe huyện Ia Grai. Dự án này sẽ được triển khai tại thị trấn Ia Kha với quy mô bến xe loại 4, diện tích đất sử dụng là 3.000 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến 8,5 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng bến xe sẽ giúp kinh tế-xã hội địa phương có cơ hội phát triển nhanh, đặc biệt là ngành vận tải hành khách.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), từ khi có chủ trương vận động các nhà đầu tư xây dựng bến xe theo hình thức xã hội hóa đến nay, toàn tỉnh đã có 7 bến xe được đưa vào hoạt động. Sắp tới, Bến xe huyện Ia Grai và Chư Prông cũng sẽ được xây dựng theo hình thức này. Trong đó, Bến xe Đức Long Gia Lai đạt quy chuẩn bến xe loại 1, Bến xe thị xã Ayun Pa đạt quy chuẩn loại 2, các bến xe còn lại đạt quy chuẩn loại 4. Các bến xe này được đầu tư hạ tầng khang trang, rộng rãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trên địa bàn, đáp ứng sự phát triển về vận tải hành khách; đồng thời, góp phần thay đổi diện mạo đô thị tại các địa phương và thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. 
Đến nay, tại Bến xe Đức Cơ đã có 32 đầu xe giường nằm đi các tỉnh phía Bắc và phía Nam Ảnh: N.S
Đến nay, tại Bến xe Đức Cơ đã có 32 đầu xe giường nằm đi các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Ảnh: N.S
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT-cho hay: Năm 2006, Gia Lai là địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình xã hội hóa bến xe. Thời điểm đó, Bến xe Đức Long Gia Lai ra đời đã đáp ứng được các mục tiêu phát triển của ngành GT-VT địa phương, trở thành mô hình tiêu biểu được nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi; đồng thời, góp phần không nhỏ vào sự phát triển dịch vụ vận tải của tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt, học hỏi từ mô hình này, các huyện cũng quy hoạch, đề xuất UBND tỉnh kêu gọi nguồn lực đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều bến xe khách theo hình thức xã hội hóa. “Các bến xe xã hội hóa trên địa bàn tỉnh đang từng bước được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, cơ chế quản lý hoạt động hiệu quả đã xóa bỏ dần nạn xe dù, bến cóc, tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải phát triển. Chủ trương xã hội hóa xây dựng và khai thác bến xe với sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân nhưng vẫn bảo đảm quy hoạch, lộ trình của tỉnh”-ông Hạnh khẳng định.
Mặc dù vậy, để thu hút các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này thì cần có những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Theo Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thắng, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Cơ có khoảng 14 đầu xe 16 chỗ ngồi hoạt động “chui” mà không chịu vào bến. Điều này không những khiến doanh nghiệp không thu được phí dịch vụ mà còn làm địa phương thất thu gần 120 triệu đồng tiền thuế mỗi năm. Doanh nghiệp cũng đã có văn bản kiến nghị gửi UBND huyện để có giải pháp xử lý những nhà xe nói trên, giúp đơn vị hoạt động hiệu quả hơn. Trao đổi vấn đề này, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Chủ trương xã hội hóa xây dựng và khai thác bến xe góp phần bảo đảm quy hoạch hạ tầng giao thông trên địa bàn, thay đổi bộ mặt đô thị của địa phương. Việc một số xe chạy tuyến ngắn hoạt động chui mà không đăng ký lệnh xuất bến tại bến xe, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT cũng cho biết: “Doanh nghiệp tham gia xã hội hóa bến xe đã góp phần giải quyết bài toán nguồn lực đầu tư của địa phương, đồng thời là một trong những mắt xích quan trọng đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngành GT-VT sẽ tạo mọi điều kiện để các bến xe hoạt động hiệu quả, xử lý nghiêm các hoạt động xe dù, bến cóc theo quy định”.
NGUYỄN SANG

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...