Trị dứt điểm căn bệnh giang hồ thao túng, làm loạn trong đấu giá đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ việc nhóm giang hồ núp bóng Công ty Dương Đường được hưởng lợi từ các phiên đấu giá đất tại Thái Bình đã tiếp tục gióng lên hồi chuông về nạn xã hội đen làm loạn tại các phiên đấu giá đất để hưởng lợi cũng như sự thông đồng của của nhân viên đấu giá.
Khu đất tại xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vợ chồng Nguyễn Xuân Đường trúng thầu đấu giá. Ảnh: V.Dũng
Khu đất tại xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vợ chồng Nguyễn Xuân Đường trúng thầu đấu giá. Ảnh: V.Dũng
“Xã hội đen” đại náo phiên đấu giá đất - chuyện không chỉ ở Thái Bình
Mở rộng điều tra về vụ việc vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (sinh năm 1971, ở TP.Thái Bình - tức Đường “Nhuệ”) có  hành vi “Cố ý gây thương tích”, cơ quan Công an Thái Bình đã thu thập phát hiện thông tin Nguyễn Xuân Đường thường trúng đấu giá đất tại Thái Bình.
Qua ghi nhận của Lao Động, tại danh sách người trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương cho thấy: Trong tổng số 38 lô đất được đấu thầu tại thôn Đông Lâu vào cuối năm 2019 thì Nguyễn Thị Dương đã trúng thầu 5 lô đất với diện tích là 100m2/suất. Thời điểm trúng đấu giá đất mỗi lô đất có giá trị là hơn 5.300.000 đồng/m2. Nguyễn Thị Dương đã trúng thầu lần lượt ở các lô đất số 3, 11, 19, 21 và 28.
Riêng tại huyện Đông Hưng, tháng 1.2019, huyện Đông Hưng tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc thôn An Bình, xã Lô Giang, kết quả Nguyễn Xuân Đường mua được tới 20 lô với giá chỉ từ 1.800.000 - 2.150.000 đồng/m2.
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng - cho biết, hai vợ chồng Đường - Dương đã tham gia đấu giá tại địa phương từ nhiều năm nay và cũng hay trúng đấu giá. Tại các cuộc đấu giá, những người này luôn dẫn theo đàn em đi theo để phô trương thanh thế. Cặp vợ chồng này cũng chỉ chọn những khu đất đẹp để mua; lô nhỏ, xấu họ không quan tâm.
Thực tế, việc các băng nhóm xã hội đen, giang hồ đại náo các phiên đấu giá đất đã và đang là căn bệnh trầm kha ở nhiều địa phương mà chưa có phương thuốc trị dứt điểm.
Năm ngoái, dư luận Bắc Giang xôn xao vụ việc diễn ra tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi cơ quan chức năng tiến hành đấu giá hai lô đất có vị trí đắc địa  thì có một nhóm đối tượng bặm trợn, xăm trổ đã ép buộc người trúng đấu giá 2 lô đất trên từ chối kết quả trúng đấu giá để dàn xếp cho một người tham gia đấu giá khác trúng đấu giá các lô đất này. Theo phản ánh của người dân người tham gia đấu giá được nhóm “xã hội đen” chỉ định trả cao hơn giá khởi điểm vài trăm nghìn đồng/lô.
Tình trạng này còn diễn ra ở nhiều phiên đấu giá đất trên địa bàn Bắc Giang. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc, đối tượng cầm đầu nhóm “xã hội đen” cùng 7 đối tượng liên quan đã được làm rõ. Thủ đoạn của các đối tượng này là chọn những lô đất có vị trí đắc địa, sau đó tiếp cận đe dọa, gây sức ép không cho người tham gia đấu giá khác trả giá để độc quyền trúng đấu giá ở mức khởi điểm, sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm trục lợi.  
Còn tại Hà Nội cuối năm 2018 cũng đã ghi nhận một vụ việc ngang nhiên cướp hồ sơ đấu giá đất tại trụ sở UBND huyện Thạch Thất. Theo đó, khi người dân có nhu cầu đấu giá đi vào sân UBND huyện thì một nhóm thanh niên dáng vẻ ngổ ngáo ngay lập tức tiếp cận và trắng trợn thò tay vào túi cướp hồ sơ. Khi người bị cướp hồ sơ đuổi theo các đối tượng này trong sân UBND huyện thì một nhóm đối tượng khác ùa vào ngăn cản.
Hay ở Bình Thuận, tháng 10.2018 Sở Tư pháp tỉnh này cũng đã phải báo cáo UBND tỉnh về hiện tượng các băng nhóm “xã hội đen” tham gia vào cuộc đấu giá 8 lô “đất vàng” ở TP.Phan Thiết. Theo đó, tại phiên đấu giá 8 lô đất thổ cư, thuộc khu dân cư Đông Xuân An (P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết) thì có nhiều đối tượng xăm trổ lao vào phá đám, gây sức ép khiến địa phương phải huy động hàng trăm chiến sĩ công an đến bảo vệ đấu giá.
Giải pháp nào ngăn chặn?
Liên quan đến vụ Đường “Nhuệ”, ngày 16.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự đối với 4 bị can. Trong đó có Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1984, trú tại Tổ 36, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình), là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình và Vũ Gia Thành (sinh năm 1977, trú tại tổ 7, Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), là Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình. Ngoài ra còn có Trịnh Thị Minh Thúy là Trưởng phòng và Hà Văn Dũng là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình.
Vụ việc đang chờ cơ quan công an điều tra làm rõ tuy nhiên những dấu hỏi về việc bắt tay, thông đồng giữa các nhóm giang hồ và nhân viên cơ quan đấu giá cần phải làm rõ. Đặc biệt là những lô đất vàng mà nhóm này chỉ cần bỏ thầu cao hơn một chút là trúng thầu.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng: Tại địa phương này, ổ nhóm tội phạm Đường “Nhuệ” đã tồn tại từ 10 năm, ngang nhiên, lộng hành mà không hề bị xử lý dù nhiều đơn thư đã gửi tới cơ quan chức năng. Vậy liệu có dấu hiệu bảo kê hay chống lưng cho sai phạm ở đây. Việc này cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, sớm trả lời những thắc mắc của nhân dân, của dư luận.
Vấn đề không chỉ là dẹp loạn giang hồ đại náo mà cần siết chặt các quy định về đấu thầu giá đất, không để có lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các phiên đấu giá.
Theo Luật Đấu giá tài sản, có 4 hình thức đấu giá là Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; Đấu giá trực tuyến. Hai hình thức đấu giá trực tiếp dễ phát sinh tiêu cực trong khi đó đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là một trong những hình thức phát huy được tính hiệu quả nhất, giúp ngăn chặn được phần lớn những tiêu cực trong đấu giá tài sản.
Người đăng ký tham gia đấu giá sẽ được nhận phiếu trả giá ngay khi mua hồ sơ. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu được niêm phong trong suốt thời gian tổ chức đấu giá. Cách làm này sẽ khiến cho người có tài sản, tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá và cả các đối tượng quấy rối khó có thể thông đồng, dàn xếp được với nhau. Và các đối tượng quấy rối, xã hội đen, lợi ích nhóm cũng khó can dự được vào việc trả giá của người tham gia đấu giá. 
Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan thì hình thức đấu giá trực tuyến cần được quan tâm và đầu tư. Hình thức này tuy có đòi hỏi một số điều kiện về công nghệ nhưng sẽ là xu thế cần thực hiện. Song vấn đề cốt lõi không phải là hình thức đấu giá mà là chủ tài sản, tổ chức đấu giá có triển khai cuộc đấu giá một cách công khai, minh bạch hay không. 
Thượng tá Nguyễn Thanh Trường (Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình) cho hay, ngoài vụ án mới khởi tố với vợ chồng bị can Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi), đơn vị đang điều tra lại các vụ việc liên quan khác và sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm. 
Ngày 17.4, Thượng tá Nguyễn Thanh Trường thông tin, quan điểm của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình sẽ tập trung củng cố chặt chẽ các tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng liên quan đến băng nhóm của Đường “Nhuệ”. Việc xử lý sẽ theo đúng quy định của pháp luật, sẽ xử lý nghiêm và không có vùng cấm. 
Hiện Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo phân công các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình, thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu về các hành vi phạm tội nghi vấn liên quan đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương. Cơ quan điều tra đã làm việc với nhiều huyện trong tỉnh Thái Bình để làm rõ có hay không việc đôi vợ chồng này đấu thầu sai quy định pháp luật.
NHÓM PHÓNG VIÊN (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/tri-dut-diem-can-benh-giang-ho-thao-tung-lam-loan-trong-dau-gia-dat-799312.ldo

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.