Nạn "xâu xé" đất công lộng hành, cán bộ đứng sau dùng ảnh hưởng làm "bậy"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước việc ồ ạt, ngang nhiên “xâu xé” chiếm dụng đất công ở Khu kinh tế Nhơn Hội làm của riêng, lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Định thừa nhận sự thật “đất người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng để xây dựng nhà trái phép”, điều này khiến dư luận địa phương rất bất bình.
Gọi tên… “điểm nóng”
Nhiều năm qua, hàng loạt đối tượng đã ngang nhiên đến Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) phân lô, chiếm dụng đất công, xây dựng trái phép. Việc làm trái pháp luật diễn ra công khai và có biểu hiện lây lan diện rộng, người đến xâm chiếm “xẻ thịt” Khu kinh tế Nhơn Hội ngày một gia tăng, sự việc khiến tình hình trở nên hỗn loạn, phức tạp.
Thế nhưng, chính quyền địa phương và các đơn vị chức trách thì quanh co, đổ lỗi cho câu chuyện quản lý nhùng nhằng, chồng chéo…rồi ngó lơ trách nhiệm để đất công trở thành miếng bánh ngọt, là nơi “xâu xé” của những đối tượng xấu có ý đồ trục lợi.
Buộc tháo dỡ đối với hành vi lấn chiến đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.
Buộc tháo dỡ đối với hành vi lấn chiến đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.
Tháng 3/2019, chính quyền tỉnh Bình Định chủ trì cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội, trong chuyến cưỡng chế lần này, có mặt Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường thị sát và chỉ đạo xử lý rốt ráo, dẹp nạn “xâu xé” đất công.
Trong khi chính quyền cấp xã, huyện buông lỏng quản lý thì đây là quyết định mạnh mẽ được dư luận địa phương hoan nghênh, thể hiện động thái quyết liệt từ chính quyền cấp tỉnh. Thế nhưng, sau chuyến cưỡng chế này không lâu, mọi chuyện đâu lại vào đấy, theo kiểu “xử lý cứ xử, lấn chiếm cứ lấn”.
Trực tiếp thị sát hiện trường vụ việc cưỡng chế vào đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng 'quyết' lập lại trật tự tại Khu kinh tế Nhơn Hội bằng các biện pháp mạnh. Ảnh: Dũ Tuấn.
Trực tiếp thị sát hiện trường vụ việc cưỡng chế vào đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng 'quyết' lập lại trật tự tại Khu kinh tế Nhơn Hội bằng các biện pháp mạnh. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, từ tháng 4/2019 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản hàng loạt trường hợp vi phạm mới. Tại xã Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) có 4 trường hợp vi phạm, 1 trường hợp xây dựng nhà tole di động trên đất không được xây dựng nhà ở và 3 trường hợp xây dựng vượt giấy phép, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) có 2 trường hợp vi phạm.
Huyện Phù Cát được nhắc tên với vai trò “điểm nóng”, tại xã Cát Chánh có 16 trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, ngoài ra 29 trường hợp đã phát hiện trước đây cũng được chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, tại xã Cát Hải từ năm 2007 đến nay, lực lượng chức năng đã xác lập hồ sơ vi phạm đối với 208 trường hợp sửa chữa xây nhà, 12 trường trường hợp xây lều quán trái phép, tại xã Cát Tiến có 24 trường hợp vi phạm.
Làm rõ cán bộ “dính líu” sai phạm!
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long thừa nhận, chính quyền tỉnh này đã có quá nhiều bài học trong việc buông lỏng quản lý đất đai và khi công an điều tra thì chắc chắn sẽ “lộ” ra nhiều câu chuyện phải xử lý.
Ông Long nhận định, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng trên, vẫn là tổ chức chính quyền, quản lý đất đai thuộc Chủ tịch xã.
“Đất mang tiếng người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng nhà trái phép. Việc này, khi có hiện tượng chứng cứ thì công an tỉnh cần lập chuyên án, đủ kiện thì điều tra truy tố, xử lý dứt điểm. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã báo Thường vụ Tỉnh ủy, kiên quyết xử lý các trường hợp là cán bộ, đảng viên tham gia vào hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép”, ông Long nói.
Việc lấn chiếm đất công tại Khu kinh tế Nhơn Hội lại diễn ra theo kiểu “xử lý cứ xử, lấn chiếm cứ lấn”. Ảnh: Dũ Tuấn.
Việc lấn chiếm đất công tại Khu kinh tế Nhơn Hội lại diễn ra theo kiểu “xử lý cứ xử, lấn chiếm cứ lấn”. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ông Long cho rằng, việc lấn chiếm đất rồi phân lô bán nền trục lợi đã vi phạm quản lý đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Đặc biệt, vụ  lấn chiếm, đóng cọc phân lô dọc đường ĐT 639 là có tổ chức, chứ không chỉ đơn thuần là một hộ dân thực hiện. Vì vậy, đối với những trường hợp đủ điều kiện, cơ quan có trách nhiệm cần vào cuộc mạnh tay xử lý vài vụ điểm, để cảnh tỉnh sai phạm.
“Đóng cọc khu này phải mất vài ngày nhưng công an xã, Chủ tịch xã không nắm được. Thực tế, xây dựng ngôi nhà phải mất 2 ngày (kể cả thứ 7, chủ nhật) trước đó họ phải tập kết vật liệu nhưng điều rất lạ, nhà xây xong khi hỏi Chủ tịch xã, địa chính đều nói không biết rồi viện lý do xây dựng vào thứ 7, chủ nhật chính quyền không làm việc”, ông Long cho hay.

Xin cơ chế cưỡng chế nóng, rút thời gian còn 1-2 ngày!

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Nguyên đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định, thống nhất cho chủ trương UBND cấp huyện, thành phố rút ngắn thời gian (từ 12 ngày xuống còn 1-2 ngày) thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép sau khi lập Biên bản làm việc yêu cầu tháo dỡ nhưng không thực hiện (theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 166/2013/NĐ-CP là 12 ngày), tức là cưỡng chế, tháo dỡ nóng.  

Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)

http://danviet.vn/nha-dat/binh-dinh-nan-xau-xe-dat-cong-long-hanh-can-bo-dung-sau-dung-anh-huong-lam-bay-1072597.html

Có thể bạn quan tâm