Ia Grai: Huy động nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương thuận lợi cũng như tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, thời gian qua, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt tại khu vực nông thôn.
Điểm sáng Ia Bă
Mới đây, con đường nối liền giữa thôn Chư Hậu và làng Ngai Yố (xã Ia Bă) đã được thảm nhựa trong niềm vui của đông đảo người dân. Dẫn chúng tôi đi trên con đường này, ông Nguyễn Tiến Nghiêm-Bí thư chi bộ làng Ngai Yố-chia sẻ: Làng Ngai Yố có 174 hộ, trong đó có 64 hộ người dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, được quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của người dân, làng đã triển khai thảm nhựa trên 4 km đường liên thôn, xóm. Trong đó, ngoài nguồn vốn xổ số kiến thiết của Nhà nước, vốn các doanh nghiệp tài trợ, người dân trong làng còn huy động đóng góp được 180 triệu đồng và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất vườn rẫy để làm đường.
Tương tự, tại thôn Chư Hậu 6, việc cải tạo hạ tầng giao thông theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo ra những thay đổi tích cực. Những tuyến đường từng là đường đất, trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa và bụi mù vào mùa khô đã dần được thay thế bằng đường bê tông sạch sẽ. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến một phần diện tích đất để mở rộng, nắn thẳng tuyến đường liên thôn, giúp việc đi lại được thuận lợi, an toàn hơn.
 Thi công nâng cấp tỉnh lộ 664 đoạn qua xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: L.H
Thi công nâng cấp tỉnh lộ 664 đoạn qua xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: L.H
Theo ông Puih Rúc-Bí thư Đảng ủy xã Ia Bă, để phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã đã tận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để làm đường giao thông; tăng cường huy động sự đóng góp của nhân dân thông qua hiến đất, ngày công, vật chất… Trong năm 2019, xã đã làm mới, sửa chữa hơn 11 km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn vốn hơn 12 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, khoảng 80% các tuyến giao thông nông thôn của xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa. “Hạ tầng giao thông được cải thiện đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân như đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, hạn chế tình trạng tư thương ép giá nông sản, con em đến trường an toàn hơn… Hiện tại, xã đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới, chỉ còn tiêu chí nhà ở đang được tích cực đẩy mạnh nhằm “cán đích” nông thôn mới trong năm 2019”-ông Rúc cho biết thêm.
Động lực cho vùng sâu, vùng xa phát triển
Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trên địa bàn huyện Ia Grai còn có gần 183 km đường huyện, gần 225,5 km đường xã và hệ thống đường tuần tra biên giới chạy qua xã Ia O và Ia Chía. Hệ thống đường giao thông đã tạo nên mạch kết nối liên hoàn giữa các xã của huyện, cũng như giữa địa phương và các huyện lân cận, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, trong 9 năm (2011-2019), toàn huyện đã đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 356 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 319 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình hơn 53 tỷ đồng, vốn lồng ghép 218 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 32,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 15 tỷ đồng. Nhờ đó, gần 216 km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (đạt 95,7%); 81% đường trục thôn, làng và đường liên thôn được cứng hóa; trên 48,5% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa và đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm...
Đánh giá về công tác đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện thời gian qua, ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng-cho biết: “Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của huyện đã được cải thiện tích cực. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn, đặc biệt là với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng trọng yếu”. Tuy nhiên, theo ông Trung, huyện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là về nguồn vốn. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn thấp so với yêu cầu, vốn huy động từ nhân dân rất hạn chế do tác động từ điều kiện sản xuất khó khăn hiện nay, vốn huy động từ doanh nghiệp chưa nhiều… 
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.