Mang Yang: Vướng đền bù cầu phải dừng thi công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do vướng thỏa thuận đền bù với 3 hộ dân, việc thi công cây cầu tại Km 18+641,4 m tỉnh lộ 666, đoạn nằm giữa xã Lơ Pang và Kon Thụp (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã phải tạm dừng từ đầu năm 2019. Trong khi đó, hàng ngày, người dân vẫn phải di chuyển trên cầu cũ và tuyến đường tránh được san ủi tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ngày 26-9 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Mang Yang. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nêu ý kiến về việc cây cầu nằm trên tỉnh lộ 666, đoạn giữa xã Lơ Pang và Kon Thụp thi công nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hiện người dân vẫn đi lại trên đường cũ rất khó khăn, nguy hiểm. Do đó, cử tri địa phương đề nghị cấp trên chỉ đạo đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng.
 Các phương tiện hiện phải di chuyển trên đường tránh qua cầu cũ nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: C.H
Các phương tiện hiện phải di chuyển trên đường tránh qua cầu cũ nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: C.H
Ông Nguyễn Văn Sơn (làng Groi, xã Kon Thụp) cho biết: “Nhà tôi nằm gần công trình cầu đang thi công. Khi làm cầu, đơn vị thi công san ủi con đường tránh vào sát sân nhà tôi. Ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì đường trơn trượt, những người đi xe máy ngã liên tục, nhiều xe ô tô bị lầy không đi được phải huy động xe công nông để kéo lên, gây tắc đường hàng giờ đồng hồ. Những lúc như thế, tôi phải gọi đơn vị thi công xuống san gạt đất để các phương tiện đi lại được. Mong đơn vị thi công sớm hoàn thiện công trình để các phương tiện lưu thông qua đây được an toàn hơn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây cầu nói trên có chiều dài 43,5 m, rộng 7 m được khởi công từ ngày 20-9-2016, ngày hoàn thành dự kiến là 3-1-2020. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Trung Kiên. Công trình có tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn được Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, việc thi công cầu buộc phải dừng lại do vướng đền bù 3 hộ dân có đất, cây trồng bị thiệt hại do quá trình thi công, mở đường.
Bà Hoàng Thị Âu (làng Groi, xã Kon Thụp) là một trong 3 hộ bị thiệt hại do quá trình thi công cầu nhưng chưa nhận được tiền đền bù. Bà Âu cho hay: “Gia đình tôi có gần 3 sào đất trồng hồ tiêu và 1 ao chứa nước để tưới cho cây trồng. Khi đơn vị thi công mở đường đã làm sạt lở đất của gia đình; ao chứa nước cũng bị sạt lở hết, không còn nước tưới cây. Đến nay, vườn hồ tiêu đã chết nhưng đơn vị thi công vẫn chưa đền bù nên gia đình không đồng ý cho đơn vị thi công tiếp tục xây dựng. Gia đình mong muốn cầu sớm hoàn thành để người dân được đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, mức đền bù khoảng 40 triệu đồng mà đơn vị thi công đưa ra là quá thấp nên gia đình chưa đồng ý”.
Mặt đường cũ đã hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: C.H
Mặt đường cũ đã hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: C.H
Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu này đã cơ bản xây dựng xong, chỉ còn đường dẫn vào cầu và hệ thống cọc tiêu, biển báo chưa hoàn thành. Trong đó, đường dẫn vào cầu có chiều dài khoảng 190 m chưa được triển khai thi công do vướng mắc trong việc đền bù cho các hộ dân có đất sản xuất bị thiệt hại. Các phương tiện, máy móc của đơn vị thi công được tập kết gần đầu cầu đang phải “đắp chiếu” nằm chờ. Ngoài ra, do cầu bị tạm dừng thi công nên đã xảy ra tình trạng mất cắp các thanh sắt trên lan can bảo vệ cầu. Hiện tại, người dân các xã phía Nam sông Ayun gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng phải di chuyển trên đường tránh do đơn vị thi công san ủi qua cầu cũ để ra trung tâm huyện. Tuy nhiên, cây cầu này được xây dựng từ lâu, nay đã hư hỏng, mặt cầu nhỏ hẹp, tải trọng thấp nên phương tiện qua lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặt đường tránh hiện cũng đã hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Y Byới-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp-thông tin: Tỉnh lộ 666 là tuyến đường duy nhất để nhân dân địa phương và các xã lân cận di chuyển ra trung tâm huyện. Tại các cuộc họp, người dân đã nhiều lần đề nghị đơn vị thi công sớm hoàn thiện cầu để đưa vào sử dụng vì việc di chuyển trên đường tránh qua cầu cũ quá nguy hiểm, đặc biệt khi mưa lũ. Trong trường hợp người dân trên địa bàn bị bệnh phải đi cấp cứu mà đường lầy lội, không đi lại được sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn-Trưởng phòng Quản lý dự án (Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh), Giám đốc dự án nâng cấp tỉnh lộ 666: Việc thi công cầu tại Km 18+641,4 m buộc phải tạm dừng từ đầu năm 2019 do vướng mức đền bù, hỗ trợ đối với 3 hộ dân bị thiệt hại. Để khắc phục những khó khăn cho người dân khi di chuyển trên tuyến đường tránh, đơn vị thi công thường xuyên đổ đá, đất cấp phối những đoạn hư hỏng. “Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị thi công thống nhất mức đền bù, hỗ trợ các hộ dân để sớm triển khai thực hiện công trình, đảm bảo đúng tiến độ đề ra”-ông Sơn nêu giải pháp.
 CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.