Mong lắm một cây cầu!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu vực đất sản xuất và nhà ở của nhiều hộ dân xã Chư Gu (huyện Krông Pa, Gia Lai) bị ngăn cách bởi sông Ba. Hàng ngày, để rút ngắn quãng đường sang khu sản xuất, người dân phải di chuyển trên những chiếc cầu gỗ tạm bợ do một số hộ dân bỏ tiền bắc qua sông Ba, vừa tiềm ẩn rủi ro, vừa tốn tiền. Vì vậy, người dân nơi đây rất mong mỏi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố để đi lại. 
Đã nhiều năm nay, gần 1.000 hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) ở 4 buôn: Chư Bang, Chư Jứt, Ma Rok, Tơ Nia (xã Chư Gu) khi đi qua 3 chiếc cầu tạm bắc qua sông Ba để sang khu sản xuất ở xã Chư Drăng và ngược lại đều phải trả phí 5 ngàn đồng/lượt. Với những người có công việc thường xuyên qua lại cầu thì chi phí bỏ ra hàng ngày cũng không nhỏ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 
  Gần 1.000 hộ dân xã Chư Gu phải di chuyển trên cầu gỗ tạm bợ, nhiều nguy hiểm.   Ảnh: C.H
Gần 1.000 hộ dân xã Chư Gu phải di chuyển trên cầu gỗ tạm bợ, nhiều nguy hiểm. Ảnh: C.H
Bà Nay Ngin (buôn Ma Rok) cho biết: Cầu gỗ bắt đầu được một số hộ dân góp tiền làm từ năm 2016 và mỗi năm đều phải sửa chữa nhiều lần mới đi lại được. Riêng cây cầu ở buôn Ma Rok do 28 hộ chung nhau mua ván và gỗ về làm. Cầu này chỉ sử dụng được vài tháng trong năm, đến mùa mưa lại bị nước cuốn trôi, phải làm lại cầu mới. Mỗi ngày luân phiên 4 hộ đứng ở đầu cầu để thu tiền người dân qua lại, trung bình được khoảng 1-1,5 triệu đồng. Số tiền này các hộ chia nhau và dành để sửa chữa cầu khi hư hỏng.
Được biết, nếu không có những cây cầu gỗ do người dân tự làm thì gần 1.000 hộ dân ở 4 buôn nói trên phải di chuyển theo 2 hướng để sang khu sản xuất của gia đình nằm tại xã Chư Drăng. Hướng thứ nhất là từ ngã ba xã Chư Rcăm theo tuyến đường Trường Sơn Đông để qua; hướng thứ hai là di chuyển xuống thị trấn Phú Túc rồi đi qua cầu Phú Cần và ngược lên. Quãng đường di chuyển theo cả 2 hướng trên đều dài gấp nhiều lần so với đi qua các cầu gỗ. Do đó, người dân nơi đây đều chọn cách đi qua cầu gỗ dù phải trả tiền.
Ông Rah Lan Nhoan-Trưởng thôn Ma Rok-cho hay: Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền quan tâm đầu tư xây cầu để thuận tiện trong việc đi lại. Tuy nhiên, đến nay, cầu vẫn chưa được xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, một số hộ đã góp tiền làm cầu gỗ phục vụ người dân có thu tiền. “Bây giờ, người ta làm cầu thì mình mới đi được xe máy sang rẫy, không phải đi bộ như trước nữa. Do đó, mình thấy việc trả tiền để đi qua cầu cũng hợp lý. Trong các cuộc họp, người dân đều đề đạt mong muốn có một cây cầu kiên cố để đi qua khu sản xuất; các sở và huyện cũng đã đến khảo sát. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn phải di chuyển trên cầu tạm bằng gỗ”-ông Nhoan bộc bạch.
Theo quan sát của P.V, những cây cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông Ba có chiều dài gần 1 km, rộng hơn 1 m và chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy qua. Cầu được người dân chắp ghép bằng những tấm ván và gỗ tận dụng. Ở nhiều vị trí, các tấm ván lót ngang đã gãy đôi, tạo thành các lỗ hổng giữa cầu. Dù cầu khá dài nhưng không có lan can bảo vệ. Đặc biệt, các trụ đỡ bằng gỗ đã có dấu hiệu mục gãy, sạt lở chân trụ, mỗi khi xe máy di chuyển qua thì cầu lại rung lắc mạnh. Nếu không tập trung quan sát thì bánh xe rất dễ lọt giữa những tấm ván bị gãy, người cũng có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu-cho biết: Trước đây, xã Chư Gu và xã Chư Drăng còn là một. Sau khi tách xã, nhiều hộ người Jrai đã sang khu vực xã Chư Gu hiện nay để định cư. Tuy sống trên đất Chư Gu nhưng hơn 80% người dân đều có đất sản xuất bên kia sông Ba, thuộc địa phận xã Chư Drăng. Trước đây, vào mùa lũ thì người dân di chuyển qua khu sản xuất bằng thuyền, bè gỗ; mùa khô thì lội qua sông để đi làm. Cách đây vài năm, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản tăng cao nên nhiều hộ dân thuộc 4 buôn đã góp tiền để dựng nên 3 cây cầu bắc qua sông Ba để người dân đi lại và vận chuyển nông sản, có thu phí 5 ngàn đồng/lượt/xe máy.
“Mỗi mùa mưa lũ, nước cuốn trôi cầu khiến người dân rất mất công sức để làm lại. Hiện nay, 1 cây cầu đã bị hư không sử dụng được; 2 cây cầu còn lại người dân vẫn đi lại bình thường. Mỗi ngày có cả hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại trên cầu gỗ. Việc này địa phương đã báo cáo lên huyện từ năm 2016. Nhiều đoàn từ tỉnh và huyện cũng đã đến khảo sát, kiểm tra để xây dựng cầu kiên cố. Tuy nhiên, trong thời gian chờ nhà nước đầu tư xây dựng cầu kiên cố qua sông, người dân vẫn phải di chuyển qua cầu gỗ nhiều nguy hiểm và vẫn phải trả tiền”-ông Tuyên nói.
Việc có được 1 cây cầu kiên cố là mong muốn từ lâu của người dân xã Chư Gu. Cây cầu được xây dựng sẽ không chỉ giúp bà con giảm bớt gánh nặng chi phí, thuận tiện hơn trong sản xuất mà còn đảm bảo an toàn cho bản thân, nhất là trong mùa mưa lũ. 
CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.