Quan tâm đầu tư mạng lưới giao thông nông thôn huyện Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn lực khác nhau, huyện Chư Pưh, Gia Lai đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn. Điều này đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh, hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện những ngày mới thành lập rất khó khăn. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng, ngày càng hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo và tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
  Đường 6C hư hỏng gây nhiều khó khăn cho người dân các xã Ia Dreng, Ia Hla  trong việc đi lại.                                Ảnh: Q.T
Đường 6C hư hỏng gây nhiều khó khăn cho người dân các xã Ia Dreng, Ia Hla trong việc đi lại. Ảnh: Q.T
Theo đó, những năm qua, huyện Chư Pưh đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để triển khai đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2016-2018), huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, ngân sách địa phương để triển khai làm đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 63,4 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thiện, hàng trăm cây số đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa. Cụ thể, gần 91% đường liên xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện được thảm nhựa, bê tông hóa; gần 70% đường trục thôn, đường liên thôn được bê tông hóa, cứng hóa; hơn 70% đường ngõ xóm sạch sẽ… đảm bảo cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện.
Tuyến đường liên xã Ia Le-Ia Blứ được đầu tư nâng cấp và hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2018 đã mang lại sự phấn khởi cho người dân 2 xã. Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) cho biết: “Tuyến đường này đã bị hư hỏng và xuống cấp nặng từ nhiều năm nay khiến việc đi lại cũng như buôn bán, vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đoạn đường gần 3 km bị hư hỏng, xuống cấp giờ đã được nâng cấp, làm mới nền đường. Việc đi lại của người dân hiện đã thuận lợi hơn, nông sản làm ra cũng không còn bị thương lái ép giá như trước đây”.
Ông Nguyễn Tuấn Hiệp cho biết thêm: Ngoài tuyến đường liên xã Ia Le-Ia Blứ, các tuyến đường từ thị trấn Nhơn Hòa đi xã Chư Don, tuyến đường từ quốc lộ 14 đi xã Ia Rong cũng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cũng trong năm 2019, huyện đã bố trí kinh phí gần 19 tỷ đồng từ các Chương trình 135, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… để bê tông hóa, cứng hóa 29 tuyến đường trục thôn, liên thôn. Bên cạnh đó, huyện đã bố trí hơn 1,8 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa 4 tuyến đường trên địa bàn nhằm đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt trong mùa mưa sắp tới.
Tuy nhiên, tuyến đường 6C dài gần 18 km (từ xã Ia Hrú đi xã Ia Dreng, Ia Hla và đi huyện Chư Prông) đã bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn tạo nên những hố sâu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào mùa mưa. “Tuyến đường này thuộc dự án đường liên huyện. Dự án đã được lập cách đây 3 năm nhưng chưa có vốn để triển khai. Đây là tuyến đường rất cấp thiết, nếu được đầu tư hoàn thiện không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã Ia Hla nói riêng và huyện Chư Pưh nói chung ngày càng phát triển”-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh nhấn mạnh.
 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.