Cây, và không chỉ cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ thì, cái địa danh gốc Vông vẫn còn, nhưng không nổi tiếng như xưa, cũng ít người biết. Thế hệ các con tôi, toàn đi xe xịn, vào tận bến, vé mua trước, xe trung chuyển rước tận nhà, nên không biết cũng đành. Thế hệ tôi, một thời quen với nó như thuốc lá với... khói, cũng nhiều người phải nhắc mới nhớ.
Ấy là cái cây Vông khá lớn ở chếch phía trên dốc Hội Phú một tí. Nó là điểm đón xe đò nổi tiếng một thời, dù cái bến xe (cũ) ở ngay Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai bây giờ, nhưng chả hiểu sao chỗ này vẫn thường xuyên nhộn nhịp như một bến xe thứ 2 của Pleiku.
Thời ấy muốn đi đâu, từ Chư Sê, Ayun Pa, đến Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, hoặc lên Kon Tum, xuống Quy Nhơn, Quảng Ngãi, hoặc ra Bắc..., người ta có một thói quen là ra gốc Vông đón xe, cứ mặc định như thế, ai cũng thế, mọi người đều thế. Hình như là tại vì nơi ấy tất cả các xe vào Nam ra Bắc đều phải chạy qua.
  Cây pơ lang nằm bên quốc lộ 25 (đoạn qua xã Hbông, huyện Chư Sê).                                            Ảnh: V.C.H
Cây pơ lang nằm bên quốc lộ 25 (đoạn qua xã Hbông, huyện Chư Sê). Ảnh: V.C.H
Nhớ lần nhà văn-Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, khi ấy là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu điện thoại gọi tôi lên Nhà khách Tỉnh ủy: “Hùng chở tôi ra bến xe với, làm sao để vào Sài Gòn sớm nhất”. Ông Trung có đặc điểm rất lạ, là không muốn phiền ai dù tiêu chuẩn của ông rất cao, đi đâu là được đưa đến đâu là được rước, nhưng cứ lọ mọ thế. Tôi bảo giờ này bến xe không còn xe đâu chú, để cháu báo Văn phòng Tỉnh ủy xem có cách gì không. Ông bảo không cần, không làm phiền, chở đến chỗ nào đón xe được là ông đi. Thế là tôi chở ông trên cái Cup 81 của tôi ra... gốc Vông. Chờ một lát thì một cái xe khách lặc lè chạy tới. Khách chật ních. Tôi bảo đầy lắm đừng đi. Ông bảo: “Tôi đi đây!”, vừa lúc người lơ xe nhảy xuống đẩy ông lên xe. Tôi quẳng cái túi của ông lên sau, quát theo lơ xe: “Ông ấy hơn 70 tuổi rồi đấy, bố trí chỗ ngồi cho ông ấy”. Sáng sau, ông Trung điện cho tôi từ Sài Gòn: “Tôi ở Nhà khách T78 rồi, cảm ơn Hùng nhé”.
Hồi ấy gốc Vông lúc nào cũng tấp nập người. Người vào Nam, người ra Bắc, đồ đạc lỉnh kỉnh. Và mấy cái quán cóc lơ thơ phục vụ số người đón xe này. Gần như ai ngồi đón xe cũng kêu một ly nước, trả tiền trước. Xe đến chỉ việc nhảy lên. Tất nhiên cũng có những cú lộn xe cười ra nước mắt, nhưng đa phần đã lên xe là... về tới đích, bởi lên xe nhà xe mới hỏi cặn kẽ đi đâu, giá bao nhiêu. Nếu đúng tuyến thì ok, không thì... bán khách. Giờ cũng ít thấy nạn bán khách, thời ấy có khi một khách trên đường bị bán tới mấy lần mới về tới nhà.
Cũng chả hiểu sao dân ta lại ít thích vào bến mua vé mà cứ chờ ở ngoài bắt xe để rồi đủ thứ hệ lụy xảy ra: không có ghế, không có bảo hiểm, không chủ động được thời gian, và cả bị bắt chẹt tiền vé, bị lừa... Nhưng nhờ thế mà có cái địa danh gốc Vông một thời. Giờ, chỗ ấy thi thoảng vẫn có người đợi bắt xe...
Một địa danh nữa cũng gắn với cây, là ngã ba cây Xoài. Nhắc tới nó là nhớ ngay tới Ayun Pa.
Giờ nó là cái ngã ba khá lớn, đi thẳng là vào thị xã Ayun Pa, rẽ trái là vào huyện Ia Pa. Ngày xưa nó là cái ngã ba tí hin, chưa chia huyện, rẽ trái là vào xã Ia Ma Rơn, chả có gì nổi bật, trừ việc có một... gốc xoài.
Hồi xưa, Ayun Pa còn là thị trấn, nghèo và buồn, thì ngã ba cây Xoài lại là một địa chỉ vui. Vài cái quán lèo tèo, mấy bóng đèn lẹt dẹt... nhưng chả hiểu sao người ta hay tụ tập. Và ở đâu tụ tập thì ở đấy là... phố. Cái ngã ba cây Xoài này nổi tiếng ngang mấy địa chỉ nổi tiếng thời ấy của Ayun Pa: Bến Mộng, Thung lũng Hồng, Chân trời Tím...
Nó là địa chỉ để đánh dấu, ví dụ: hẹn nhau ở ngã ba cây Xoài, lấy ngã ba là đích, là mốc, tới ngã ba cây Xoài là coi như đã tới Ayun Pa. Cái gốc Vông trên kia thì hình như chưa có thơ nhạc gì nhắc tới, chứ ngã ba cây Xoài thì đã có, tôi nhớ có đến mấy bài thơ, cả ca khúc đã nhắc đến nó, kiểu như: “Ngã ba cây Xoài sao chẳng thể chia 3”. Không chia 3 nhưng chia... 2 là có, ấy là việc Ayun Pa chia thành thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa.
Một cái cây nữa không có tên nhưng cũng được nhớ nhiều, đang được nhắc nhiều, ấy là cái cây pơ lang ở phía đầu TP. Pleiku, đoạn từ huyện Chư Pah vào, nơi tiếp giáp địa phận Pleiku và Chư Pah. Rất nhiều người nhắc đến nó, khách đến Pleiku muốn biết cây pơ lang ra sao thì tôi hay chỉ ra đấy. Lại còn chỗ nó đứng đường hơi vòng một chút nên có mấy tay lãng mạn thêu dệt với khách: Khi làm đường mới chạy qua đấy, anh kỹ sư thiết kế vì muốn giữ cái cây ấy lại nên đã... lượn một vòng, cho đường lượn qua cây để giữ cây, nhờ thế mà hôm nay vào Nam ra Bắc trên đường Hồ Chí Minh, qua chỗ này, ta vẫn còn gặp và thấy cây pơ lang rất đẹp. Mà đúng là nó đẹp, nhất là khi nó nở hoa, lập lòe đỏ, rưng rưng đỏ, thao thiết ngỡ ngàng đỏ... Trên đường xuống thị xã Ayun Pa cũng có một cái cây pơ lang như thế nữa, đâu như ở đoạn qua xã Hbông.
Thì chỉ là những cái cây thôi, như muôn ngàn cây khác. Nhưng khi nó gắn với địa danh, gắn với đời sống, nó trở thành một ký ức, một địa chỉ, một vang vọng để chúng ta nhớ về một thời…
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.