Nan giải nguồn đất san lấp mặt bằng công trình giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc tìm nguồn đất san lấp mặt bằng phục vụ thi công các công trình giao thông trên địa bàn huyện Chư Pah, Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn do không có mỏ đất được cấp phép khai thác. Vấn đề này cũng đang gây ra nhiều lúng túng trong công tác quản lý của địa phương.
Đơn vị thi công gặp khó do không có mỏ đất san lấp
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Pah có khá nhiều dự án giao thông đang triển khai như: dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông và các dự án do huyện, các xã làm chủ đầu tư. Việc thi công các dự án này đang gặp khó khăn do thiếu nguồn đất san lấp mặt bằng. Ông Nay Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: “Nhằm giải quyết nhu cầu về đất san lấp, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện khoanh định các điểm mỏ đất san lấp để tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác theo quy định. Đồng thời, huyện cũng đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vào khảo sát để thực hiện việc cấp quyền khai thác theo quy định. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ có Công ty TNHH Công Thắng được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất san lấp tại xã Nghĩa Hưng. Song do khu vực mỏ đất này lại nằm trong Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya nên UBND tỉnh đã hủy kết quả đấu giá theo Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 14-6-2018 đã cấp cho Công ty TNHH Công Thắng. Chính vì vậy, nguồn cung cấp đất san lấp trên địa bàn huyện không có”.
  Việc thi công tuyến đường Nghĩa Hòa-Ia Sao đang gặp khó khăn về nguồn đất san lấp mặt bằng. Ảnh: V.T
Việc thi công tuyến đường Nghĩa Hòa-Ia Sao đang gặp khó khăn về nguồn đất san lấp mặt bằng. Ảnh: V.T
Trước thực tế này, thời gian qua, các đơn vị thi công công trình giao thông trên địa bàn huyện Chư Pah phải thường xuyên liên hệ với các hộ gia đình có quyền sử dụng đất là đất đồi dốc cần đào hạ để lấy đất san lấp phục vụ thi công công trình. Theo ông Nay Kiên, việc giao dịch khai thác đất giữa người dân và đơn vị thi công để phục vụ các công trình giao thông là vi phạm pháp luật. Nhưng trước nhu cầu chính đáng của người dân có đất cần đào hạ và nhu cầu về đất san lấp phục vụ thi công công trình nên việc xử lý, ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo nguồn cung về đất san lấp và tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác đất san lấp, UBND huyện Chư Pah cũng đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hướng dẫn về việc quản lý khai thác và vận chuyển đất san lấp phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương. Nếu giải quyết được vướng mắc này sẽ tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu san lấp, cải tạo mặt bằng tại các diện tích đất thuộc quyền sử dụng.
Cần cơ chế linh hoạt
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND huyện Chư Pah nêu rõ, UBND huyện chỉ đạo phòng, ban có liên quan rà soát các điểm mỏ đất san lấp nằm trong quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt để đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hàng năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là toàn bộ đất trên địa bàn đã có chủ, không có quỹ đất để quy hoạch mỏ đất. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà đấu giá vì hiệu quả khai thác không cao.
Theo ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah, việc lấy đất không phải hoàn thổ, chỉ hạ độ cao cải tạo đất để xây dựng nhà ở hoặc trồng trọt nên người dân rất có lợi. Còn chủ đầu tư muốn có nguồn đất tại chỗ để đắp nền công trình đường giao thông nhằm đẩy nhanh tiến độ. Nếu chở đất từ nơi khác đến thì sẽ gây ảnh hưởng môi trường.
Còn theo tính toán của ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pah, cứ 1 m3 đất vận chuyển trong khoảng 5 km, chi phí được tính 70 ngàn đồng, nếu xa thêm 1 km thì chi phí tăng thêm 15 ngàn đồng. Như vậy, nếu mua đất từ nơi khác về thi công thì công trình chắc chắn sẽ đội vốn. Trong khi đó, chủ đầu tư lại không có cơ sở khi lập dự toán công trình cho chính xác vì trong dự toán chỉ tính thuế khai thác tài nguyên và công vận chuyển đất, chứ không có kinh phí mua đất. “Hiện tại, trên địa bàn có một số công trình đang đẩy nhanh tiến độ thi công, song đoạn nào đã đắp đất thì thực hiện phần việc tiếp theo, còn đoạn nào chưa có đất đắp thì tạm dừng. Cái khó nhất là do đặc thù thời tiết ở Gia Lai những tháng mưa coi như công trình nghỉ, chỉ tranh thủ đẩy nhanh tiến độ vào thời điểm cuối năm. Do đó, chủ đầu tư rất cần được tháo gỡ vấn đề này để đảm bảo đúng tiến độ thi công”-ông Huy nói.
Không chỉ vậy, các xã của huyện Chư Pah cũng đang rất lúng túng khi thi công các công trình giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Văn Thành-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa-cho biết: “Theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đang thực hiện công trình đường liên xóm thôn 6 có tổng kinh phí 480 triệu đồng, trong đó dân đóng góp 240 triệu đồng. Khi thi công thì có những khó khăn liên quan đến vấn đề đắp đất, bởi làm đường thì phải làm theo thiết kế, đúng dự toán. Vậy nên quy định về việc cung cấp đất đang gây ra nhiều khó khăn trong xây dựng các công trình ở xã”.
Rõ ràng, việc thiếu nguồn đất san lấp đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn huyện Chư Pah. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này rất cần có cơ chế linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.