Tăng tính minh bạch và cạnh tranh trong đấu thầu tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai rất chú trọng đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu, đảm bảo chất lượng công trình, thiết bị mua sắm, dịch vụ tư vấn.

 

 Dự án nâng cấp, mở rộng mặt đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: H.D
Dự án nâng cấp, mở rộng mặt đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: H.D

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2019, toàn tỉnh Gia Lai đã phê duyệt 2.346 gói thầu với tổng giá trị hơn 1.700,1 tỷ đồng. Trong đó, 1.996 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với hơn 1.228,7 tỷ đồng, 313 gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên với hơn 378,1 tỷ đồng và 37 gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ năm 2019 với hơn 93,1 tỷ đồng. Sau khi triển khai đấu thầu, đối với gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tổng giá trị trúng thầu là hơn 1.218,2 tỷ đồng (chênh lệch gần 10,6 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,86%); gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên có tổng giá trị trúng thầu gần 372,9 tỷ đồng (chênh lệch 5,27 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 1,39%); các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ năm 2019 có tổng giá trị trúng thầu là 91,16 tỷ đồng (chênh lệch hơn 2 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 2,15%).

Qua đánh giá cho thấy, công tác đấu thầu ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp. Phần lớn các gói thầu đều được tổ chức lựa chọn đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng đã lựa chọn những nhà thầu có năng lực để thực hiện gói thầu. Nhiều dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Một số dự án có tính cấp bách, phục vụ an sinh xã hội đã và đang triển khai cũng tương đối thuận lợi, phát huy hiệu quả và đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở KH-ĐT: “Ở một số gói thầu, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa tuân thủ theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt; kiến nghị một số nhà thầu không đủ nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư để triển khai thi công, làm chậm tiến độ chung của dự án, gây lãng phí vốn đầu tư. Tỷ lệ chênh lệch giá trúng thầu so với giá gói thầu còn thấp, một số gói thầu có số lượng nhà thầu tham gia ít, số lượng nhà thầu đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm chưa nhiều làm cho tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao”. Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng, công tác tổ chức đấu thầu qua mạng số lượng chưa được nhiều. Một số chủ đầu tư còn hạn chế về năng lực chuyên môn, đội ngũ làm công tác đấu thầu của các địa phương chưa được đào tạo bài bản và năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức đấu thầu chưa cao, chủ đầu tư thiếu chủ động triển khai công việc và chưa thể hiện hết quyền và trách nhiệm của mình.

Cần nâng cao năng lực của các chủ đầu tư và các cán bộ làm công tác đấu thầu. Ảnh: Hà Duy
Cần nâng cao năng lực của các chủ đầu tư và cán bộ làm công tác đấu thầu. Ảnh: Hà Duy



Giám đốc Sở KH-ĐT còn nhắc tới một hạn chế khách quan đó là các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu chưa kịp thời, có nhiều thay đổi, dẫn đến việc triển khai thực hiện của chủ đầu tư còn nhiều vướng mắc, lúng túng. Ông Thành dẫn chứng: Cuối năm 2019, Sở KH-ĐT nhận đơn khiếu nại của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Việt Star (thị xã Ayun Pa) về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã An Khê làm chủ đầu tư. Công ty này cho rằng, chủ đầu tư có khuất tất trong việc lựa chọn nhà thầu, giá của đơn vị trúng thầu chưa phải là giá thấp nhất. Sở KH-ĐT đã thành lập Hội đồng tư vấn đấu thầu để xem xét, thẩm định lại, sau đó đề nghị UBND thị xã An Khê hủy kết quả đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại.

Qua sự việc trên cho thấy, công tác giám sát và xử lý kiến nghị trong đấu thầu được cơ quan quản lý nhà nước chú trọng và thực hiện khá quyết liệt. Ông Hồ Phước Thành cho biết thêm: “Để góp phần nâng cao chất lượng đấu thầu trong thời gian tới, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, đăng tải thông tin đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng như chú trọng bồi dưỡng năng lực cho cán bộ làm công tác này. Cùng với đó, Sở sẽ tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu nhằm đảm bảo sự minh bạch cũng như tiến độ triển khai dự án”.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.