Dự án "ma" tại TP.HCM: Biết bệnh có trị được bệnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án ”ma” đúng như sự ám chỉ dành cho nó, lúc ẩn lúc hiện, đang có xu hướng bùng lên trở lại tại TP.HCM, nhất là các quận, huyện vùng ven, khiến nhiều khách hàng đã trở thành nạn nhân. Tìm được nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng xử lý được hay không là thách thức không nhỏ.
 
Vị trí dự án “ma” được các đối tượng rao bán thường là các khu đất trống, thậm chí cả nơi “đồng không mông quạnh”. Ảnh: Tường Lâm
Khách hàng cần thận trọng
Thực trạng rao bán tràn lan các dự án bất động sản không có thật đang xảy ra khá nhiều tại một số quận, huyện của TP.HCM. Vị trí dự án được các đối tượng vẽ ra, rao bán thường là các khu đất trống, thậm chí cả nơi “đồng không mông quạnh”. Đầu quý II/2019, chính quyền phường Linh Trung, quận Thủ Đức đã ra văn bản cảnh báo việc mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo xảy ra tại địa bàn. Vị trí dự án được các đối tượng giới thiệu với người mua là khu đất trống nằm ngay trong khu quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM, đang chờ thực hiện đền bù, giải tỏa.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra ở một khu đất quy hoạch công viên cây xanh, thể dục thể thao nằm trong hẻm 38 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú với diện tích 4.000 m2. UBND phường Phú Thọ Hòa đã phải lên tiếng cảnh báo.
Trước đó, chính quyền phường Thạnh Xuân, Quận 12 cũng cảnh báo về tình trạng rao bán, sang nhượng đất nền trái phép trên địa bàn. Lợi dụng tâm lý ham mua đất giá rẻ, nhiều đối tượng đã mồi chài, quảng cáo sai sự thật về 4 khu đất ở phường này. Không chỉ đất quy hoạch phục vụ công viên cây xanh, công trình y tế, mà quỹ đất dành cho công trình giáo dục cũng bị rao bán đất nền phân lô.
Ở các huyện ngoại thành, sự bùng phát dự án "ma" diễn ra càng rầm rộ. Thời gian qua, chính quyền huyện Hóc Môn đã tiếp nhận hơn 100 đơn trình báo của người dân liên quan đến các dự án "ma”. Công an xã Đông Thạnh và xã Nhị Bình của huyện Hóc Môn phải làm hàng chục biển cảnh báo dự án "ma" cắm trên những khu đất bị rao bán. Tại huyện Bình Chánh, chính quyền sở tại cho biết phải cắm 500 biển báo khắp các xã để cảnh báo người dân, vì không có dự án nào đang rao bán như quảng cáo trên mạng Internet.
Chính quyền các địa phương hiện mới chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo người dân, ra văn bản cảnh báo. Kế đó là hướng dẫn người dân trước khi giao dịch chuyển nhượng đất theo hình thức phân lô bán nền cần liên hệ với chính quyền sở tại để nắm rõ thông tin quy hoạch, tránh bị kẻ xấu lừa đảo, chứ chưa thực sự có biện pháp mạnh đối với chủ đầu tư của các dự án này. UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo UBND các quận, huyện cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua đất, kịp thời xử lý các dự án “ma”. 
Xử lý hình sự nhà đầu tư cố tình lừa đảo khách hàng
Thực trạng dự án "ma”  gây ra nhiều hệ quả xấu đối với cả khách hàng lẫn thị trường, gây bất bình trong dư luận. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương. Không chỉ lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng, trong một số trường hợp, các đối tượng này còn cấu kết với cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và sự bất cập của các bộ luật để làm càn.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, sở dĩ bùng phát dự án "ma" là do pháp luật không nghiêm, như vi phạm của Công ty Alibaba thời gian qua, chứng cứ rõ ràng nhưng chưa xử lý thích đáng, là một minh chứng. Dư luận có lý khi cho rằng, những sai phạm của các đầu nậu, cò đất, môi giới là cố tình vi phạm, lôi kéo người dân, biến người dân thành nạn nhân, nhưng hiện nay TP.HCM chưa nhận diện, chưa có giải pháp xử lý các đối tượng này một cách thích đáng. Về phía Sở Xây dựng TP.HCM, với trách nhiệm quản lý thị trường bất động sản, đã không theo kịp diễn biến thực tế. Ngoài ra, “nghi án” có hay không sự tác động của các đầu nậu đối với cán bộ cấp cơ sở trong việc phân lô bán nền trái phép là một góc khuất cần làm sáng tỏ.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, thực tế, đại bộ phận người dân đều chấp hành tốt trật tự xây dựng, chỉ có 2 nhóm đối tượng cố tình vi phạm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai. Một là nhóm đất đai không có giấy tờ, người dân mua bán giấy tay, nên không xin giấy phép xây dựng được. Hai là nhóm khu vực không có dự án nên không làm đúng quy trình, thủ tục của dự án được. Vì vậy, phải xử lý nghiêm minh với đầu nậu, cò đất, môi giới đất làm ăn gian dối, khi cần thiết cũng phải xử lý hình sự.
Trong nhiều giải pháp chấn chỉnh dự án "ma” tại TP.HCM, đáng chú ý là việc xử lý hình sự nhà đầu tư cố tình lừa đảo khách hàng, "cấm cửa" nhà đầu tư làm ăn gian dối… Đặc biệt, TP.HCM sẽ xử lý cán bộ tiếp tay xây dựng trái phép tại một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xây nhà không phép, phân lô bán nền trên địa bàn. Một khi nhận diện đúng, nhận diện trúng tình hình để có giải pháp thích đáng, tình trạng dự án "ma” hy vọng sẽ “biến mất”.
Ngô Ngãi (BĐT)

Có thể bạn quan tâm