Đèn xanh, đèn đỏ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đèn tín hiệu giao thông còn có tên “thường gọi” là đèn xanh, đèn đỏ. Trước khi nói về “Miền nhớ” của Gia Lai ta, người viết bài muốn có đôi lời về loại “đèn” nói trên. Người ta bảo đèn xanh, đèn đỏ còn có trước cả ô tô, khi ấy nó chỉ dùng để điều chỉnh hoạt động của tàu lửa. Khi ô tô ra đời và phát triển nhanh khắp các nước Âu-Mỹ, nhất là vào những năm về nửa sau của thế kỷ trước, để giảm tai nạn giao thông và kẹt xe, ùn tắc đường, các nhà nghiên cứu đã từng bước cải tiến sản phẩm đã có rồi đi đến sáng tạo ra một loại đèn xanh, đèn đỏ mới để đặt ở các giao lộ-những nơi có mật độ các phương tiện tham gia giao thông đường bộ cao.
Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn
Với các nước phát triển thì vậy, nhưng đối với Việt Nam thì mãi những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, ở miền Nam đèn xanh, đèn đỏ cũng chỉ mới được lắp đặt tại những nơi thật cần thiết của một số ít đô thị lớn. Riêng ở miền Bắc, cho đến năm 1979 khi tôi ra học ở thủ đô Hà Nội vẫn chưa thấy đèn xanh, đèn đỏ xuất hiện. Có lẽ là bởi khi đó, đường phố, vỉa hè Hà Nội còn thông thoáng lắm, hơn nữa các phương tiện cơ giới tham gia giao thông không nhiều, mọi người chủ yếu đi bộ hoặc xe đạp, tàu điện... nên đèn xanh, đèn đỏ chưa phải là yêu cầu cấp thiết.
Ngày nay, việc lắp đặt các thiết bị điều chỉnh, chỉ dẫn giao thông, nhất là đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã ba, ngã tư là cần thiết, bởi cùng với đô thị hóa nhanh, các phương tiện tham gia giao thông cũng tăng đột biến. Theo đó, tình trạng mất an toàn giao thông, tai nạn xảy ra không chỉ ở đô thị đông dân cư mà có thể nói là ở khắp nơi. Ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông chưa cao hoặc chưa hiểu biết về Luật Giao thông Đường bộ, tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu... là nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện tham gia giao thông, ngoài chủ trương tăng cường lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự ra, việc lắp đặt nhiều đèn tín hiệu giao thông là cần thiết.
Tuy nhiên, những năm gần đây, chuyện lắp đặt đèn tín hiệu giao thông có vẻ bị... lạm dụng. Nhiều nơi, nhiều vị trí chưa cần cấp cũng có đèn xanh, đèn đỏ. Nhiều đoạn trên các quốc lộ, những nơi giao nhau giữa... xóm lộ, xã lộ cũng có đèn xanh, đèn đỏ. Có lúc, hàng đoàn xe phải dừng ở 2 đầu mấy chục giây chỉ để... chờ một, vài người đi bộ ung dung rảo bước qua đường. Điều đó gây tốn kém, lãng phí cả về tiền bạc, nhiên liệu lẫn thời gian, ngoài ra còn xả thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có nhiều lúc ùn tắc, lợi bất cập hại.
Ở Pleiku, tôi nhớ không nhầm, thì đâu vào năm 1995, hay sau đó nữa, đã xuất hiện đèn xanh, đèn đỏ ở vài ngã tư trên mấy con đường chính như: ngã tư Trần Hưng Đạo-Quang Trung, Hùng Vương-Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng-Hai Bà Trưng... Những ngày đầu xuất hiện mấy cột đèn ở các vị trí nói trên, dân Phố núi không ít người bỡ ngỡ khi thấy chúng. Nhiều người chạy xe không chú ý, khi Cảnh sát Giao thông ra hiệu lệnh dừng thì phản ứng. Nhất là lúc tan trường, giờ tan sở, người và phương tiện nhiều, tại một số ngã tư xảy ra tình trạng ùn tắc, mất trật tự... Những tháng đầu tiên có đèn xanh, đèn đỏ, giờ cao điểm, ngoài Cảnh sát Giao thông và Cảnh sát Trật tự, ngành chức năng còn huy động thêm lực lượng thanh niên ra đứng tại các cột đèn tín hiệu làm người chỉ dẫn giao thông. Vào khoảng thời gian này, trong “dân gian” xuất hiện những câu chuyện khá vui. Sau đây là một trong số những chuyện vui ấy: Có người trong một làng đồng bào thiểu số ven đô, một hôm ra phố về thì kể cho mọi người về chuyện lạ mà mình chứng kiến: “Không biết nay trong phố có chuyện gì mà người ta “đốt đèn” ở chỗ mấy ngã tư, khi đèn đỏ lên thì tập trung đứng xem, vui lắm...”.
Tưởng mới đó, nhưng tính ra đèn xanh, đèn đỏ xuất hiện ở Phố núi cũng đã trên vài thập kỷ. Giờ thì không chỉ TP. Pleiku mà khắp các thị trấn, thị xã, kể cả nhiều điểm giao thông giao nhau trên các trục lộ trong tỉnh đã được các cơ quan chức năng lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Đó là việc cần có khi mà mật độ dân số tăng, người và phương tiện tham gia giao thông nhiều, cần có những biện pháp làm hạn chế tai nạn có thể xảy ra. Song, có lẽ công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu biết và nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ mới là cốt lõi. Đi đôi với đó, Cảnh sát Giao thông cần thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những người cố tình vi phạm như vượt đèn đỏ, lạng lách, giành đường vượt ẩu, đua xe trái phép, điều khiển phương tiện mà không có giấy tờ hợp lệ...
Gia Lai là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đường bộ và chỉnh trang đô thị được chú trọng; người dân đã giàu lên, nhu cầu mua sắm phương tiện để đi lại tăng cao, mật độ phương tiện vận tải công cộng tham gia giao thông tăng, đó là quy luật khách quan. Thiết nghĩ, trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan, ban ngành chức năng là cần có nhiều biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm