Gia Lai: Cần giải pháp đối với nhà ở công sản cho thuê xuống cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều gia đình ở TP. Pleiku thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đang phải sống trong không gian chật hẹp, xuống cấp trầm trọng. Nhiều người trong số họ mong muốn Nhà nước cho phép sửa nhà hoặc bán để họ có phương án sửa chữa làm nơi ở tốt hơn.

Khổ vì nhà xuống cấp

Xen giữa những căn nhà cao tầng mới xây ngay trung tâm TP. Pleiku là căn nhà xập xệ đến thảm hại của gia đình ông Bùi Thế Dũng tại số 19/4 đường Nay Der. Đây là căn nhà được thưng bằng những tấm tôn đã mục rỉ, mái tôn cũng đã cũ nát tới mức ông Dũng bảo không ai dám trèo lên vì sợ sập.

 

Nhà ông Bùi Thế Dũng đã xuống cấp trầm trọng.                                                 Ảnh: H.D
Nhà ông Bùi Thế Dũng đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H.D

Bên trong căn nhà, vợ ông Dũng ốm yếu nằm trên chiếc võng đung đưa. Bà bị ung thư cổ tử cung từ năm 2009, tuy đã vào TP. Hồ Chí Minh cắt bỏ nhưng tế bào ung thư vẫn di căn sang đại tràng. Mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào nghề chạy xe ôm của ông Dũng dù năm nay ông đã 71 tuổi. “Trời cho sức khỏe ngày nào thì “đu” theo cái xe ngày đó. Có ngày tôi chạy xe được vài ba chục ngàn đồng, có ngày chẳng được đồng nào. May nhà có sổ hộ cận nghèo nên vợ tôi có bảo hiểm mà xin thuốc thang”-ông Dũng buồn rầu.

Nói về căn nhà đang thuê, ông Dũng cho biết, gia đình ông đã ở đây từ năm 1975. Trước kia, nó là một căn nhà gỗ, nhưng qua thời gian, gỗ bị mục nát hết. Nay một bên vách là “ké” tường nhà hàng xóm, ngay cả cánh cửa nhà cũng được người ta cho. “Nhà có 6 người con, 5 người đã có gia đình nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, chỉ làm thuê làm mướn. Còn đứa út sinh năm 1993 lại bị bệnh động kinh. Nhà khổ trăm bề. Hồi vợ tôi bị ung thư, nhà khó khăn quá, tôi có làm đơn lên Sở Xây dựng xin miễn giảm tiền thuê nhà, giờ chỉ còn đâu hơn 300 ngàn đồng/năm nhưng cũng không có tiền nộp. Giờ tôi chỉ mong được thuê ở tiếp rồi tới đâu thì tới. Có điều tôi mong căn nhà được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa lại chứ giờ nó nát quá rồi”-ông Dũng bày tỏ.

Một hoàn cảnh vô cùng khó khăn khác là gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại 10/3 đường Trần Cao Vân. Trong căn nhà chỉ rộng 26 m2, vợ chồng anh và 4 đứa con sống chen chúc. Anh Sơn cho biết, sau giải phóng, mẹ anh làm tại Công ty Cầu đường 506 nên được Nhà nước cho ở căn nhà này và anh đã ở từ đó đến nay. Không gian chỉ đủ để những đồ dùng cần thiết nhất, còn nền thì đủ trải 2 tấm nệm rộng 1,2 m cho vợ chồng, con cái làm chỗ ngủ. Căn nhà hiện cũng bị xuống cấp trầm trọng. “Vợ tôi đau ốm liên miên nên hiện chỉ ở nhà, 2 con lớn đang học nghề chưa làm ra tiền, 2 đứa còn lại thì còn nhỏ, chi tiêu chỉ trông cậy vào nghề chạy xe ôm bữa có bữa không của tôi. May là năm 2017, được phường hỗ trợ ít tiền và vay mượn thêm nhiều người khác, tôi đã sửa lại được cái mái dột. Giờ nếu Nhà nước bán, tôi cũng ráng vay mượn để mua căn nhà này rồi làm cái gác cho con cái có chỗ ngủ”-anh Sơn bày tỏ nguyện vọng.

Cần sự quan tâm của nhà nước

Trên đây là 2 trong rất nhiều trường hợp đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước do Sở Xây dựng quản lý. Bà Trịnh Thị Khẩm-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng), nhận định: “Những căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước này đa số là nhà cấp 4, nhà tạm xây dựng trước năm 1975, hiện đã quá niên hạn sử dụng nhưng chưa được cải tạo vì không có kinh phí nên đang trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng nặng. Những căn nhà này đa số nằm trong hẻm, diện tích nhỏ (18-60 m2), không thuận lợi cho sinh hoạt cũng như kinh doanh. Nhiều ngôi nhà không đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho người dân. Đối tượng đang thuê hầu hết là người lao động nghèo, thu nhập thấp, không có nghề nghiệp ổn định”.

Theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Nhà nước có cơ chế bán nhà thuộc loại này cho người dân đang ở nếu họ có nhu cầu và đủ điều kiện. Hiện nhiều hộ có nguyện vọng được mua lại căn nhà họ đang ở. Tuy nhiên, nhiều người trong số này không đủ điều kiện về tài chính.

“Nên chăng, tỉnh tạo điều kiện hết sức và sớm bán những căn nhà thuộc dạng này cho các hộ có nhu cầu mua để người dân chủ động cải thiện nơi ở. Theo đó, tỉnh sẽ thu được một phần ngân sách, số tiền này có thể đầu tư xây dựng nhà ở mới để bán hoặc cho người dân thuê. Việc bán những căn nhà này cũng góp phần giảm bớt áp lực cho cơ quan quản lý. Còn đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng mua thì Nhà nước tiếp tục cho thuê, tuy nhiên hàng năm phải có kinh phí để sửa chữa nhà cho họ”-ông Lưu Văn Thanh-Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nêu quan điểm.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.