Tết Kỷ Hợi nói chuyện heo trong mâm cỗ tế lễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con heo xuất hiện trong hầu hết mâm cỗ tế lễ từ cung đình cho đến dân gian với rất nhiều hình thức, thậm chí 'biến thể', và được các nhà chuyên môn kiến giải một cách thú vị.
 Người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội trang trí con heo làm lễ vật tế thần - Ảnh: VIỆT DŨNG
Người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội trang trí con heo làm lễ vật tế thần - Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng, con heo gắn liền với mọi hoạt động tế lễ, đám tiệc kể từ khi người Việt định cư ở "cựu thổ", tức các đồng bằng các con sông bắc đèo Ngang, cho đến khi theo chân những lưu dân người Việt vào lập nghiệp vùng "tân thổ" từ đèo Ngang trở vào Nam.
Từ cung đình đến… cùng đinh
Vào thời Nguyễn, tùy theo tính chất quan trọng theo quan niệm của người xưa mà việc tế tự được phân thành 3 bậc. Quan trọng nhất là đại tự, có lễ tế Giao (trời), Xã Tắc (đất, lúa) và các tông miếu (thờ các đời vua, chúa trước thuộc triều Nguyễn). Kế đến là bậc trung tự, có lễ tế vua các triều trước, tế đức Khổng Tử và tế Tiên Nông. Số còn lại là bậc quần tự. 
Dù bậc nào đi nữa thì điển chế triều Nguyễn cũng qui định thứ không thể thiếu là cỗ tam sinh, tức 3 con vật trâu, heo, dê. Tuy vậy, cũng tùy từng tính chất của lễ tế mà cỗ tam sinh dâng đầy đủ cả 3 con vật, gọi là cỗ thái lao, hoặc chỉ có 1 hoặc 2 con vật, gọi là cỗ thiếu lao.
Điển chế thời Tự Đức ghi rõ, việc dâng cỗ thái lao bắt buộc đối với tế Giao (có thêm con nghé để sau tế đốt thành tro), Xã Tắc, tế vua các triều đại trước Nguyễn, đức Khổng Tử, tế thần chủ của Võ miếu, tế miếu Đô thành hoàng và miếu Hội đồng. 
Một số lễ khác cũng dùng con bò thay con trâu, nhưng bò cũng được quan niệm là "trâu", bởi sách xưa ghi rõ, trâu là "thủy ngưu", bò là "hoàng ngưu" (trâu màu vàng) hay "thổ sắc ngưu" (trâu màu vàng đất). 
Với cỗ thiếu lao, con heo xuất hiện trong hầu hết các lễ tế còn lại, khi thì ở dạng heo và dê, khi thì heo và bò. Đặc biệt, có đến hàng chục lễ tế ở bậc quần tự, chỉ mình con heo đực nằm chễm chệ trên bàn… 
Người ta mổ con vật lấy nội tạng, thui cạo sạch lông rồi bày lên bàn tế, đặt bên trên một con dao nhỏ. Theo diễn giải của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn: "Cách tế như vậy để các "ngài" muốn ăn gì thì xẻo phần đó mà ăn. Đó là cách ăn của người thượng cổ, được áp dụng và nối truyền vào lễ tế!".
Trong các lễ cúng, cỗ tam sinh thực hiện trong dân gian cũng rất bài bản, hầu hết đều có mặt con heo, song tùy từng mức độ lớn/nhỏ, đông/ít, giàu/nghèo mà sự vận dụng có khi rất linh hoạt và sinh động ở mức thú vị. 
Những lễ cúng lớn như cúng thần hoàng làng, chạp làng, tổ họ… thường dâng đủ tam sinh với 3 con vật trâu, heo, dê. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh, người ta "lược" cúng chỉ 1 con heo rồi ra thịt, nấu thành từng món. 
Những lễ nhỏ hơn, con heo lại được "đại diện" bởi cái đầu và cái đuôi trên bàn cúng. Cũng có trường hợp cúng nhỏ ở mỗi gia đình, "tam sinh" được "biến thể" thành tam sên (sênh), người ta thường dùng cái trứng luộc, miếng thịt heo và con cua (có khi tôm), đại diện cho thượng cầm, hạ thú, thủy tộc.
Đến những lễ cúng "không thể nhỏ hơn nữa" của những gia đình nghèo thì chỉ còn miếng thịt heo luộc, trên có mấy hạt muối và cái "dao" bằng tre vát nhọn...
Con heo dâng tế thần hoàng của làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Con heo dâng tế thần hoàng của làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Gần gũi đời sống
Con heo xuất hiện trong mọi sự kiện quan, hôn, tang, tế, việc lớn cho đến việc nhỏ của đời sống người Việt từ xa xưa. Riêng tục cưới của người miền Trung xưa, cùng nhiều lễ vật theo yêu cầu, nhà trai thường đi cho nhà gái 1 con heo còn sống, gông trong cũi, gọi là "heo đòn cũi". 
Riêng làng nghề rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) có thêm cổ tục khá lạ: trước ngày cưới, nhà trai phải đi cho nhà gái một con heo… 6 chân, tức 1 con rưỡi. Trước đó, làng Hiền Lương cũng chỉ đi 1 con heo. 
Theo lệ làng, nhà gái lấy hai giò trước để biếu chú, bác và bà cô bên nội; hai giò sau biếu cậu, dì bên ngoại. Tục đi heo 6 chân được tác giả Huỳnh Hữu Hiến diễn giải trong sách "Hiền Lương chí lược": "Lúc xưa nhà trai đi lễ sang nhà gái chỉ có một con heo. Sau vì thiếu phần của làng xã mới có lệ này (nửa con heo thêm cho làng)".
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh lý giải, vì heo là vật nuôi của hầu hết mọi gia đình làm nông, cả ở nông thôn lẫn thành thị ngày xưa, cho nên: "Người ta hoặc nuôi sẵn, hoặc có thể tính trước việc nuôi heo để chuẩn bị lo lễ. 
Trước các lễ, Tết, giỗ, chạp hay cưới hỏi vài tháng, những gia đình nông nghèo có thể thả cặp heo, nuôi bằng cám bột, thức ăn thừa và rau chuối có sẵn trong vườn nhà. Đến dịp lễ, người ta có thể bán 1 con lấy tiền sắm sanh vật dụng rồi hạ con còn lại để cúng và chế biến mâm cỗ. Như vậy, nó không quá tốn kém so với đời sống bình thường của người nông dân, dù nghèo đến mấy!".
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: "Con heo ngày xưa quen thuộc với từng gia đình đến mức không thể không nuôi, bởi lẽ ngoài chuẩn bị cho các dịp cúng giỗ, đám tiệc, nuôi heo cũng là một hình thức "bỏ ống" tiết kiệm. Ngoài ra heo còn là nguồn phân chính để chăm bón ruộng vườn, quan trọng bậc nhất đối với người nông dân xưa!".
Thái Lộc (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tết của ai?

Tết của ai?

Tiêu đề nghe buồn cười và có vẻ thừa? Không hẳn. Cứ nghĩ là chuyện đơn giản, ai cũng biết, nhưng không phải vậy.
Tết Hà Nội xưa

Tết Hà Nội xưa

Những hình ảnh về không khí Tết ở Thủ đô cách đây hơn 4 thập kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.