Chàng trai Ê Đê khuyết tật khởi nghiệp thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tự tìm tòi, học hỏi và vươn lên, chàng trai Y Phăng Mlô, dân tộc Ê Đê, ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak đã khởi nghiệp với nghề làm chậu cảnh.

Bị khuyết tật bẩm sinh ở chân khiến việc đi lại khó khăn, gia đình nghèo, học hết lớp 9, Y Phăng Mlô (26 tuổi), ở buôn Jok, xã Ea Hđing, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak phải nghỉ học, ở nhà phụ chị gái bán nước mía. Những lúc rảnh, anh thường ra cơ sở sản xuất chậu cảnh gần nhà, chăm chú quan sát cách thợ đổ khuôn, đúc chậu.

 

Y Phăng Mlô tỉ mỉ với từng sản phẩm mình làm ra.
Y Phăng Mlô tỉ mỉ với từng sản phẩm mình làm ra.

Một thời gian sau, Y Phăng nghĩ ra ý tưởng trồng bon-sai, cây cảnh để bán. Không có sẵn chậu trồng, cũng không có nhiều vốn đầu tư, anh mày mò tự tạo ra những chiếc chậu cảnh cho riêng mình, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thả sức sáng tạo những kiểu dáng độc đáo theo ý thích.

Mất gần 1 năm tự tìm hiểu và mày mò cách làm khuôn, tạo dáng, Y Phăng đã cho ra đời những chậu cảnh có hình thù lạ mắt như chậu hình ly cổ cao, chậu hình chiếc giày, cối giã, … Những sản phẩm anh làm ra được nhiều người biết đến và tìm đến mua.

“Lúc đầu thì công việc rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn không được nhiều, sự hiểu biết cũng ít. Sau một thời gian thì được bên huyện đoàn cho vay vốn và từ đó công việc được ổn định hơn. Mình sử dụng nguồn vốn vào việc mua vật liệu, máy cắt, máy hàn để làm khuôn” - anh Y Phăng Mlô chia sẻ.

Năm 2016, được Đoàn xã Ea H’đing hướng dẫn, Y Phăng làm đơn trình bày ý tưởng khởi nghiệp và được Huyện Đoàn Cư Mgar hỗ trợ 20 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Khởi nghiệp. Với số vốn này, Y Phăng mua dụng cụ, vật liệu và chuyên tâm với công việc đúc chậu, làm bàn ghế bằng xi măng. Anh còn tìm tòi thêm các mẫu chậu cảnh lạ mắt, độc đáo để làm đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Lanh, chủ một cơ sở trồng hoa-cây cảnh ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak đã nhiều lần đặt mua sản phẩm do Y Phăng làm ra cho biết, chỉ cần nói qua ý tưởng là Y Phăng thực hiện đúng.

“Tôi thấy anh ấy không có học qua trường lớp nhưng mà anh ấy rất là tìm tòi, siêng năng, nhiều khi trời mưa gió nhưng anh vẫn làm. Chất lượng sản phẩm tốt và tôi thấy có được những tâm huyết trong mỗi sản phẩm” – anh Nguyễn Văn Lanh nói.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày Y Phăng bán ra khoảng 4-5 chậu cảnh với giá từ 50.000 – 600.000 đồng mỗi chậu, đem lại thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Trong những đợt cao điểm, khách đặt hàng số lượng lớn hay những sản phẩm có kích thước lớn, Y Phăng phải thuê thêm người phụ giúp.

Anh Y Long Kbuôr, cán bộ đoàn huyện Cư Mgar đánh giá, mô hình khởi nghiệp của Y Phăng có sự sáng tạo; bản thân Y Phăng là người thanh niên dân tộc thiểu số giàu nghị lực.

“Y Phăng là một thanh niên khuyết tật có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và tạo ra nhiều sản phẩm. Mô hình này không qua trường lớp đào tạo mà anh ấy tự mày mò, học hỏi qua sách báo hoặc trên mạng sau đó tự thiết kế mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu hiện tại của thị trường và đến nay thì mô hình đã phát triển mạnh hơn” – anh Y Long Kbuôr nói.

Đến nay, Y Phăng đã trả hết số tiền vay từ nguồn vốn khởi nghiệp của huyện đoàn. Anh đang dự định sẽ mở rộng sản xuất, tìm thêm lao động, góp phần tạo việc làm cho nhiều người khác. Anh cũng sẵn sàng hướng dẫn cho bất cứ ai thực sự yêu thích và muốn học làm chậu cảnh.

Y Phăng tâm sự, khởi nghiệp phải xuất phát tự sự đam mê, với người bình thường đã khó, người khuyết tật như anh lại càng khó khăn hơn. Nhưng chỉ cần sự đam mê và quyết tâm, mọi khó khăn đều có thể vượt qua để đem lại thành công.

H Xíu/VOV

Có thể bạn quan tâm