Làm các vật dụng tái chế từ rác thải không hiếm, nhưng để biến công việc ấy thành hướng khởi nghiệp cho lợi ích kinh tế cao và bền vững thì lại là chuyện khó.
|
Anh Thắng đục đẽo thanh củi nhặt được trên biển thành đồ trang trí - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Tốt nghiệp ngành dược, rồi học tiếp cơ khí, cuối cùng anh Hồ Công Thắng (32 tuổi, Hội An, Quảng Nam) chọn khởi nghiệp bằng niềm đam mê.
Khởi nghiệp từ mong muốn sống xanh
Từ những ngày lang thang ở bãi biển An Bàng thu gom đủ món rác mang về nhà, nay anh Thắng đã là chủ của một xưởng sản xuất, và có một không gian đón khách, truyền cảm hứng sống xanh cho nhiều người.
"Từ nhỏ, trong những buổi chăn trâu, tôi đã thích lấy đất sét nặn thành hình các con vật, cắt giấy làm bông hoa, cây giả, tự đúc chậu trồng cây… Tôi thích mày mò làm những món trang trí" - anh Thắng chia sẻ.
|
Những món đồ tái chế được bán với giá từ vài chục đến vài triệu đồng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Bốn năm trước, trong một lần lang thang nhặt rác trên biển An Bàng (Hội An), anh Thắng chợt nghĩ, nếu chỉ mỗi mình nhặt rác thì cũng khó sạch, phải làm sao để thay đổi ý thức của nhiều người trong việc bảo vệ môi trường.
Nghĩ mình không thể cứ đi tuyên truyền, đi nhặt rác mãi được, anh tự nhủ: "Tại sao lại không biến rác thành tiền, biến nó thành công việc, nguồn sống của mình?".
|
Không gian tràn ngập đồ trang trí tái chế - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Nghĩ là làm, anh Thắng bắt tay vào thực hiện. Ban đầu là những chiếc bóng đèn, chiếc phao nhựa, chai lọ trôi dạt vào bờ biển được anh hô biến thành các vật trang trí, các chậu trồng cây. Những mẩu gỗ vụn, lốp xe, bất kỳ vật gì bị người dân trong xóm bỏ đi đều được anh tái sinh một cuộc đời mới.
Từ những nguyên vật liệu không mất tiền, qua đôi tay khéo léo, sự tỉ mẩn và óc sáng tạo của mình, anh Thắng đã tạo nên những vật dụng hữu ích hay những đồ trang trí đẹp mắt.
|
Chiếc phao nhựa dạt vào bãi biển được hô biến thành bồn rửa tay - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Anh Thắng cho biết chỉ bằng những dụng cụ đơn giản như máy mài, đục, cắt…, anh dành hàng giờ đồng hồ để lên ý tưởng và làm ra những bức tranh gỗ, món đồ trang trí, những vật dụng như hộp bút, bình nước, đèn…
|
Những món đồ trang trí bằng gỗ được nhiều khách sạn, nhà hàng đặt hàng - Ảnh: NVCC |
Mong dạy nghề cho nhiều người
Những sản phẩm đầu tiên anh làm tặng bạn bè, rồi được nhiều người liên hệ hỏi mua. Thấy nhiều người thích, anh làm và đăng trên trang Facebook cá nhân để bán.
Nay anh Thắng đã có nhiều khách hàng từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều du khách nước ngoài cũng thích thú mua các món đồ trang trí của anh ở các phiên chợ "sống xanh".
|
Anh Thắng giới thiệu sản phẩm tại không gian sáng tạo ở Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Khó khăn nhất với anh Thắng là nhiều khách hàng chưa hiểu được giá trị của các món đồ thủ công. Với giá thành từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng, để thương mại hóa được sản phẩm thủ công tái chế, anh bảo trước hết phải cho khách hàng thấy giá trị và hiểu được giá trị mình mang lại.
Anh không ngần ngại đăng tải các bài hướng dẫn tái chế lên mạng xã hội. Cùng với đó, anh lan tỏa ý nghĩa, giá trị của những món đồ tái chế.
"Người làm theo được thì tốt quá, bớt rác thải ra môi trường. Người không biết làm sau khi xem hướng dẫn của mình sẽ đặt mua. Và khi họ tự trải nghiệm, tìm hiểu cách làm, họ sẽ hiểu được giá trị của món đồ, công sức của người thợ tạo ra, nên không thấy sản phẩm đắt nữa. Đó là tư duy bán hàng mới mà tôi áp dụng để đưa sản phẩm của mình ra rộng hơn", anh Thắng nói.
|
Không gian đón khách tham quan và trải nghiệm, bán sản phẩm thủ công tái chế - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Nay ngoài làm các sản phẩm tại xưởng, anh Thắng nhận đặt hàng các công trình tái chế như cá ăn rác, mô hình trò chơi… đặt tại các bãi biển và một vài điểm tham quan ở Đà Nẵng, Hội An.
Anh Thắng cho biết hiện công việc làm đồ tái chế đem lại lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng. Sắp tới anh sẽ lập một kênh YouTube dạy làm các sản phẩm từ rác thải. Anh luôn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và cách làm của mình để bất cứ ai cũng có thể làm được, nhằm hạn chế rác thải ra môi trường.
|
Tranh cá treo tường, một sản phẩm trang trí được chế tạo từ gỗ hỏng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Chị Lệ La, một cộng sự của anh Thắng, cho biết anh đang mở một không gian trưng bày các sản phẩm của mình tại Đà Nẵng. Nhiều khách tham quan khá thích thú khi biết những sản phẩm của anh hoàn toàn từ nguyên liệu là những thứ bỏ đi.
"Sắp tới chúng tôi sẽ mở những hoạt động trải nghiệm, dạy làm các món đồ tái chế ngay tại không gian này. Khách đến đây trải nghiệm tự tay làm đồ tái chế để hiểu thêm về ý nghĩa của những thứ trong cuộc sống những tưởng bị bỏ đi", chị Lệ La nói.
ĐOÀN NHẠN (TTO)