Cha mẹ phải làm gì khi trẻ lên cơn động kinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Động kinh là căn bệnh do não bị tác động, biểu hiện qua những cơn co giật lặp đi lặp lại trên cơ thể nhiều lần. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, trẻ có nguy cơ gặp tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị
Trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị


Dấu hiệu của cơn co giật động kinh

Bác sĩ Nguyễn Kiến Minh, chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Co giật động kinh là những cơn co xảy ra khi trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Khi co giật động kinh, trẻ thường ngất trong giây lát kèm theo giật cơ. Các bộ phận thường co giật là tay, đầu, cổ và nước bọt có thể sùi ra ở mép. Một số bé đang cầm đồ vật thì đánh rơi trong vô thức, đầu gật nhẹ, ngón tay máy liên tục. Cũng có khi bé la hét, ói mửa hoặc tím tái thoáng qua.

Ngoài ra, có cơn động kinh không điển hình. Với trường hợp này, trẻ chỉ mất ý thức, té ngã hoặc có những hiện tượng co giật nhưng chỉ co giật ở một bên thân, còn bên kia bình thường.

Nguyên nhân khiến trẻ co giật động kinh, theo bác sĩ Minh, bệnh có thể xuất phát từ vô căn hoặc cũng có thể do các yếu tố khác như: u não, dị dạng mạch máu não, chậm phát triển, trẻ sinh non, tổn thương khi sinh (như sinh bị ngạt), chấn thương đầu, từng nhiễm trùng hệ thần kinh.

"Việc chẩn đoán trẻ bị động kinh khá phức tạp, ngoài những biểu hiện lâm sàng thì bác sĩ sẽ chỉ định đo điện não, nặng hơn có thể chụp MRI não để tìm hiểu chính xác cơn co xuất phát từ vấn đề gì", bác sĩ Minh cho biết.

Bác sĩ Minh cũng khuyến cáo, những trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị thuốc chống động kinh. Gia đình cần cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn, đi khám định kỳ, theo dõi diễn biến sức khỏe và cơn động kinh của trẻ, có sổ nhật ký ghi chép lại những lần trẻ bị cơn, theo dõi tác dụng phụ của thuốc.

"Nếu điều trị sớm, trẻ có cơn động kinh có thể hồi phục sau thời gian dùng thuốc. Việc làm này giảm khả năng sa sút trí tuệ của các bé. Sau 2 năm điều trị, nếu kiểm tra trên kết quả điện não không thấy dấu hiệu sóng động kinh thì sẽ ngưng thuốc. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, nếu trẻ chậm nói, chậm đi có thể phối hợp với vật lý trị liệu”, bác sĩ Minh cho biết.

Cần xử lý như thế nào khi trẻ bị động kinh?

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo khi phát hiện trẻ lên cơn động kinh, phụ huynh cần thực hiện theo những điều sau:

- Phụ huynh không nên hốt hoảng quá mức, tránh tụ tập quá đông quanh bé.

- Bình tĩnh đặt trẻ nằm xuống, đầu hơi cao và ngiêng về một bên để tránh bị sặc đường thở.

- Nếu bé đang có thức ăn trong miệng thì nên móc ra, không cho ăn uống bất kỳ thứ gì khi trẻ đang bị cơn.

- Nới lỏng quần áo, cởi bớt khăn quàng, thắt lưng… để trẻ dễ thở. Mở cửa phòng cho không khí thoáng mát.

- Không được cố đè để kiềm chế cơn co giật; không vắt chanh vào miệng, cạo gió, cạy răng hoặc chèn muỗng đũa vào miệng trẻ.


- Bình tĩnh theo dõi biểu hiện cơn động kinh của trẻ là cơn co cứng hay co giật, giật toàn thân hay cục bộ, màu sắc da và môi của trẻ có tím tái không, có trợn mắt không hay mắt nhìn về một phía, đầu có quay sang một bên không, có ngừng thở trong cơn không, gọi trẻ có biết gì không…

Thông thường, các cơn động kinh diễn ra rất nhanh. Do vậy phụ huynh nên bình tĩnh theo dõi cơn của trẻ. Nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút, cần cho trẻ đi khám sớm.

Bác sĩ lưu ý thêm, nhà có trẻ bị bệnh động kinh, phụ huynh cần tạo không gian thoáng cho trẻ khi ở nhà. Mài bằng các cạnh nhọn của vật dụng trong nhà tránh khi trẻ bất ngờ lên cơn co giật sẽ bị va trúng gây tổn thương. Ngoài ra, cần che chắn trước nơi có lửa, nước sôi, không để bé ở một mình khi ở vị trí cao.

"Nếu trẻ đi học, phụ huynh cũng phải thông báo cho thầy cô hay bảo mẫu ở trường biết bé có bệnh động kinh để tiện xử trí ban đầu và giúp các bé khác hiểu tình trạng bệnh của bạn để tránh kỳ thị. Trao đổi với y tế nhà trường về những loại thuốc bé đang dùng", bác sĩ Phương khuyên.

Thanh Vy (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

Rau chân vịt (còn gọi cải bó xôi, rau bina) được xem là siêu thực phẩm vào mùa đông vì chứa đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể ngăn ngừa các bệnh theo mùa và thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, loại rau này có lượng calo thấp nên rất phù hợp cho chế độ ăn giảm cân.

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.