Cây xanh vườn thiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm, những nụ hoa đào đã thắm sắc trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Những cội bồ đề trơ cành sau khi đã trút những chiếc lá cuối cùng trong tiết cuối đông, chuẩn bị đâm lộc biếc trong mùa xuân mới. Bốn mùa trong vườn thiền ở ngôi chùa giữa miền núi non Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) cũng là nơi cảm nhận rõ rệt sự luân hồi, chuyển động của đất trời. Và có những câu chuyện luôn đậu lại dưới tán bồ đề.
Dưới bóng thời gian
Đã 63 năm người Quảng có mặt ở vùng đất Nam Yang theo chính sách dinh điền của chính quyền Ngô Đình Diệm. Giai đoạn 1957-1962, nhiều đợt di dân từ đồng bằng ven biển miền Trung lên các tỉnh Tây Nguyên. Tại cao nguyên Pleiku có 2 dinh điền được thành lập là Lệ Cần (Plei Piơm 1) và Lệ Chí (Plei Piơm 2). Dinh điền Plei Piơm 2 được thành lập tháng 11-1957 và đến năm 1959 đổi tên thành xã Lệ Chí thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Sau giải phóng, Lệ Chí đổi tên thành Nam Yang và tên gọi này tồn tại cho đến bây giờ.
Theo các bô lão kể lại, từ miền Trung lên cao nguyên, khí hậu, phong cảnh khác biệt nên người dân ốm đau triền miên, nhất là sốt rét hoành hành. Sống tha hương, bệnh tật cùng đói rét, nhớ thương cố xứ, mọi người khao khát có một nơi để nương tựa vào nhau lúc khó khăn, hiểm nghèo. Chùa Linh Sơn hình thành đầu tiên chính từ ước vọng của dân nghèo tha hương. Hiện thầy trụ trì Thích Thị Chính vẫn giữ gìn cẩn thận những văn bản thuở sơ khai của chùa, trong đó có lá đơn viết tay xin lập chùa với nét chữ rắn rỏi của đạo hữu Lâm Cảnh. Đơn viết ngày 15-11-1958 (Phật lịch 2501), đến mùa Vu lan năm Kỷ Hợi 1959, chùa được làm xong và trở thành nơi tu tập, sinh hoạt của tăng ni, phật tử.
Chùa Linh Sơn gắn liền với lịch sử hình thành cộng đồng người Quảng ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chùa Linh Sơn gắn liền với lịch sử hình thành cộng đồng người Quảng ở xã Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Trải theo thời gian, Linh Sơn đến nay vẫn như ngôi chùa làng với một gian nhà nhỏ 36 m2 lợp tranh, vách bằng ván gỗ với vỏn vẹn 44 gia đình đạo hữu tham gia sinh hoạt. Cùng với những biến động của lịch sử, số phận ngôi chùa cũng nhiều thăng trầm. Năm 1961, chính sách dồn dân vào ấp chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm đã cô lập người dân với nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo. Sau nhiều năm chiến tranh bom đạn tàn phá, hỏa hoạn, chùa đã không ít lần được trùng tu, sửa chữa. Dẫu vậy, Linh Sơn tự vẫn còn giữ đó, đơn sơ, thanh tịnh, trầm ấm.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng chùa trong khuôn viên rộng gần 5.000 m2, thầy trụ trì Thích Thị Chính cho biết: Dấu tích của chùa làng vẫn còn hiện hữu đậm nét ở phần cơi nới thêm. Từ gian bếp, nhà tăng, nơi sinh hoạt của phật tử đều hết sức đơn sơ. Nhưng tổng thể, đây vẫn là một ngôi chùa quê đậm hồn Việt. Đặc biệt, công trình nhà tổ được làm theo lối kiến trúc nhà rường Huế với màu gỗ nâu sẫm ấm áp. Khi mở những cánh cửa sổ, ánh sáng tràn khắp quang rạng cả không gian bên trong như thắp lên những tươi vui, ấm áp. Các thế hệ người Quảng nơi này vẫn vọng về cố xứ để thắp nén nhang thơm lên bàn thờ Phật mỗi khi Tết đến xuân về.
Suối nguồn từ tâm
Chị Trần Thị Kiêm Hương (thôn 5, xã Nam Yang) nhiều năm nay làm công quả trong chùa cho biết: Từ năm 2017 đến nay, khi thầy Thích Thị Chính về trụ trì và thành lập Câu lạc bộ “Suối nguồn từ tâm” đã thu hút đông đảo phật tử tham gia. Cũng từ đây, nhiều hoạt động thiện nguyện được thắp sáng, giáo dưỡng con người sống từ bi, đạo hạnh, không ngừng san sẻ tình thương. “Mỗi tháng, nhà chùa nấu hàng ngàn suất cơm chay chia sẻ với bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa. Có tháng chúng tôi còn nấu thêm đưa tới các làng phong, người nghèo ở các làng dân tộc thiểu số. Chùa nghèo nhưng phật tử giàu lòng nhân ái, mỗi khi tổ chức hoạt động thiện nguyện, người góp 30-50 ngàn đồng, người cho tạ gạo. Câu lạc bộ ngày càng thu hút đông đảo phật tử, thậm chí có cả những người ở địa phương khác hàng tháng đều đặn đến chùa nấu cơm từ thiện”-chị Hương thông tin.
Nhà tổ là công trình được làm từ hàng chục năm trước với kiến trúc hoàn thuần Việt, gần gũi.JPG
Nhà tổ là công trình được làm từ hàng chục năm trước với kiến trúc thuần Việt, gần gũi. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị Hương là thế hệ thứ 3 của người Quảng sinh ra lớn lên ở vùng đất này. Dẫu vậy, chất Quảng vẫn còn đậm đặc trong giọng nói, trong sự tháo vát lanh lẹ “miệng nói tay làm”. Chỉ gốc đào hồng đang khoe sắc trong màu nắng cuối đông, chị cho hay: “Đây là cây đào do cha tôi trồng hàng chục năm trước. Hồi đó còn nghèo, mua cành đào chưng Tết xong vứt đi không đành, cha đem trồng trong vườn, không ngờ cây bén rễ, xanh tươi, năm nào cũng đơm hoa khoe sắc. Sau này, cha đem xuống trồng trong vườn chùa để mỗi năm hoa nở ai cũng được thưởng thức. Hoa đào nở là báo hiệu năm hết Tết đến, ngày xuân nhắc nhớ con cháu về nguồn cội, tiên tổ”.
Hơn 60 năm, Linh Sơn vẫn dáng vẻ ngôi chùa quê đơn sơ, thanh tịnh, chỉ khác là đời sống người dân Nam Yang đã không còn nghèo khó như những ngày đầu tha hương. Chốn rừng thiêng nước độc ngày nào giờ là miền đất trù phú với hồ tiêu, cà phê bạt ngàn. Bàn thờ Phật, mâm cỗ cúng vọng tổ tiên ngày Tết đã đủ đầy hơn. Người Quảng đã gắn bó với vùng đất này như cội đào hồng bén rễ xuống đất lành nơi vườn thiền.
Đời hoa cũng như đời người, khi hoa nở, tâm người hướng Phật, đều là mùa xuân an vui dâng tặng cho cuộc sống này.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.