(GLO)- Quốc lộ 14 là tuyến đường huyết mạch của Tây Nguyên, nối các tỉnh trong khu vực với miền Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh. Hàng ngày trên con đường này có hàng chục ngàn xe ô tô lưu thông song thời gian gần đây hầu như bị tê liệt bởi toàn tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định nâng cấp và chỉ đạo phải hoàn thành vào cuối năm 2014. Thế nhưng đã nhiều tháng qua các nhà thầu thi công xây lắp với tốc độ rùa bò gây ách tắc và bức xúc cho người tham gia giao thông trên tuyến đường này. Ngày 5-7-2014, trong chuyến thị sát dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14), Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định chấm dứt hợp đồng đối với nhà đầu tư theo hình thức BOT là Công ty Quang Đức.
Máy móc của các đơn vị thi công quốc lộ 14 dừng hoạt động để phản đối nhà đầu tư. |
Dự án BOT do Công ty Quang Đức đầu tư là dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) từ km 1738 + 610 trên địa bàn tỉnh Đak Lak. Chiều dài toàn bộ đoạn đường dự án là 25,46 km được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60-80 km/giờ. Thực chất nhà đầu tư là liên danh 3 đơn vị: Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai và Công ty cổ phần Sê San 4A. Dự án khởi công từ tháng 9-2013 và dự kiến hoàn thành tháng 10-2014 nhưng đến nay chỉ mới thi công được 8,4% so với hợp đồng và vẫn còn 6/10 gói thầu xây lắp chưa triển khai. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đak Lak sau nhiều tháng thi công vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều cung đường bị cày xới, đất đá ngổn ngang gây khó khăn cho hàng trăm xe ô tô khách, ô tô tải qua lại hàng ngày trên con đường huyết mạch này.
Thế nhưng vẫn theo lối cũ là tay phải đưa qua cho tay trái, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư chèn ép các đơn vị thi công. Sau khi ký hợp đồng với Bộ Giao thông-Vận tải, liên danh này đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Quang Đức để khi triển khai, Công ty BOT Quang Đức lại ký hợp đồng thuê chính Công ty Quang Đức làm đơn vị thi công. Đại diện liên danh nhà thầu được ủy quyền nhận tiền từ chủ đầu tư sau đó chuyển cho các đơn vị thi công. Từ đây xuất hiện kiểu làm sai trái của đơn vị này: ngoài thủ tục thanh toán lòng vòng, các nhà thầu bị giữ lại đến 20% giá trị hợp đồng.
Đặc biệt hơn BOT Quang Đức còn yêu cầu các nhà thầu phải “lại quả” đến 30% giá trị thầu mà Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Gia Huy là một nạn nhân. Thực tế chứng minh từ chứng từ giá trị nghiệm thu của 2 gói thầu (9, 10) Công ty Gia Huy đã thực hiện là giá trị gói thầu số 10 nghiệm thu 1.419.119.274 đồng; giá trị gói thầu số 9 nghiệm thu là 1.002.647.328 đồng. Tổng cộng 2.421.766.602 đồng. Ngày 12-5-2014, Công ty Quang Đức chuyển cho Gia Huy 1 tỷ đồng; ngày 20-5-2014 chuyển thêm 710.518.823 đồng. Tổng cộng Gia Huy mới nhận được hơn 1,7 tỷ/2,4 tỷ đồng nhưng theo thỏa thuận, nên ngày 13-5-2014 công ty Gia Huy nộp tiền mặt qua Ngân hàng BIDV cho bà Thái Nữ Kiều Trang là kế toán trưởng và là con gái của ông Thái Hồng Nhân-Tổng Giám đốc Công ty Quang Đức 579.433.000 đồng vì phải “lại quả” cho nhà đầu tư 30%. Tức nước vỡ bờ, do thiếu tiền để đầu tư thi công, lại bị vòi vĩnh, ngày 1-6-2014 các nhà thầu xây lắp dự án đã đồng loạt ngừng thi công.
Ngày 17-6-2014, Bộ Giao thông-Vận tải đã có văn bản gửi Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp-Bộ Công an đề nghị kiểm tra, làm rõ những tiêu cực nếu có trong quá trình thực hiện dự án BOT trên quốc lộ 14 tỉnh Đak Lak. Đối với Công ty Quang Đức, ngoài sự vào cuộc của Bộ Giao thông-Vận tải, các cơ quan chức năng của chính quyền sở tại ở Gia Lai cũng cần kiểm tra, xem xét những vấn đề tồn đọng về hợp đồng lao động, về lương công nhân, nộp bảo hiểm… theo kiểu “đem con bỏ chợ” như báo chí đã phản ánh trước đây. Hy vọng rằng dự án sẽ được tổ chức thi công đúng tiến độ, lộ trình, bảo đảm chất lượng và nhanh chóng đưa tuyến đường Hồ Chí Minh vào sử dụng hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng Tây Nguyên.
Thanh Phong