Cao điểm trấn áp khai thác cát trái phép: "Cát tặc" đại náo Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác cát trái phép dọc các tuyến sông trên địa bàn một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên diễn ra phức tạp.
 
Các đối tượng ngang nhiên dùng xe đào múc “cát lậu” dưới sông Krông Nô để bán
Cấm vẫn khai thác
Sông Krông Nô chảy qua địa phận 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Từ lâu, tuyến sông này được biết đến với trữ lượng cát khá lớn. Ngoài những điểm đã được cơ quan chức năng cấp phép, đa phần các cái nhân, tổ chức tự ý khai thác cát trái phép rồi bán ra thị trường để thu lợi bất chính.
Điển hình, như khu vực sông Krông Nô đoạn chảy qua xã Quảng Hòa, huyện Đắk GLong (Đắk Nông) tiếp giáp với địa bàn xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tình trạng khai thác “cát lậu” diễn ra khá rầm rộ với quy mô hoạt động không khác gì những điểm được cấp phép.
Cụ thể, tại điểm khai thác ở thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cách chợ Đạ Rsal khoảng 500m, xuất hiện một “công trường khai thác cát lậu” hoạt động khá náo nhiệt với máy hút dưới sống chạy hết công suất, còn trên bờ máy múc ra vào liên tục để xúc cát đổ lên xe tải vận chuyển đi tiệu thụ hoặc tập kết ở các bãi giáp tuyến Quốc lộ 28.
Xác nhận với phóng viên, ông Thái Viết Phúc, Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) cho biết, trên địa bàn xã chưa có điểm khai thác cát nào dọc tuyến sông Krông Nô được cấp phép. “Hiện, UBND xã Đạ Rsal đã thành lập Tổ chuyên tuần tra kiểm soát về khai thác cát trái phép trên dòng sông Krông Nô, do Phó Chủ tịch xã làm Tổ trưởng nhưng tình trạng khai thác cát lậu vẫn xảy ra, các đối tượng lợi dụng ngày nghỉ khai thác lén lút” - ông Phúc thông tin thêm.
Tình trạng khai thác cát lậu cũng diễn ra khá phổ biến ở dọc sông Krông Ana thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Theo phản ánh của nhiều người dân sống gần tuyến sông Krông Ana, các “quái vật” (tàu hút cát lậu - PV) không số, không tên đang ngày đêm nối đuôi hút cát dọc đoạn sông chảy qua địa phận các huyện Krông Ana, Cư Kuin... bất chấp nhiều vị trí đã có bảng cấm khai thác cát.
Thất thoát tiền thuế
Không chỉ ảnh hưởng đến quá trình canh tác của bà con nông dân mà vấn nạn khai thác cát trái phép còn dẫn đến thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước. Tính riêng tỉnh Đắk Lắk, có hơn 50 doanh nghiệp được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản (chủ yếu là đá, cát sỏi). Riêng cát, mỗi năm, cấp phép khai thác 600.000m3, nhưng sản lượng thực tế khoảng 1,5 triệu m3. Như vậy, mỗi năm có 900.000m3 cát được bán ra thị trường nhưng không đóng thuế. Tình trạng này cũng đang diễn ra thường ngày ở một số tỉnh khác trên địa bàn Tây Nguyên.
Để hạn chế vấn nạn này, ngày 8/11/2018, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-CT về nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản. Theo đó, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan, địa phương tăng cường biện pháp trong quản lý khai thác, rà soát đối chiếu để xác định những tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa đăng ký, kê khai nộp thuế để đưa vào quản lý thuế; thường xuyên kiểm tra, giám sát trên địa bàn để kịp thời phát hiện những trường hợp thực tế có khai thác khoáng sản, đối chiếu với kết quả quản lý của ngành Thuế và ngành TN&MT để phối hợp xử lý vi phạm.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quản lý thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; kiểm tra hoạt động vận chuyển tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của huyện Krông Nô (Đắk Nông), tính từ năm 2014 đến nay, có hơn 80ha đất sản xuất nông nghiệp của 150 hộ dân sống dọc sông Krông Nô bị sạt lở và sụt lún. Trong đó, có hơn 60ha bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng.

Phạm Hoài (TN&MT)

Có thể bạn quan tâm