(GLO)- Giả danh cán bộ cơ quan Thuế, Quản lý Thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhân viên thu cước điện thoại… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp là vấn đề nổi cộm trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian gần đây.
Theo đơn trình báo của bà Bùi Thị Út Mười-chủ cửa hàng điện nước Kim Hùng (đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku), ngày 11-9-2018, có người gọi điện cho bà, tự xưng tên Long, là cán bộ Quản lý Thị trường. Người này nói sẽ đến kiểm tra định kỳ và kiểm tra tem chống hàng giả tại cửa hàng của bà vào ngày 20-9-2018. Sau đó, người này tiếp tục gọi điện cho biết sẽ phối hợp với phường gửi thông tin và tem chống hàng giả cho cơ sở… “Khoảng 5 ngày sau, nhân viên Bưu điện đến giao cho tôi 1 gói hàng và yêu cầu thanh toán số tiền 475.000 đồng để nhận hàng. Thấy nghi ngờ nên tôi không nhận hàng. Sau đó, người tên Long tiếp tục gọi điện cho tôi và nói: “Cửa hàng của chị sắp toi rồi”-bà Mười cho biết. Lo ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng, bà Mười đã làm đơn tố giác đến Cục Quản lý Thị trường Gia Lai, đồng thời cung cấp số điện thoại của đối tượng và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự việc.
Cửa hàng điện nước Kim Hùng bị đối tượng giả danh cán bộ Quản lý Thị trường gọi điện để lừa đảo. Ảnh: Dã Quỳ |
Trước đó, chủ cửa hàng điện nước Thuận Phước (đường Trần Phú, TP. Pleiku) cũng nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ ngành Thuế bán tài liệu liên quan. “Khi nhận bưu phẩm tài liệu, chúng tôi khá bất ngờ vì nội dung thì ít mà chủ yếu là giấy trắng…”-chủ cửa hàng này cho hay. Không chỉ các cơ sở kinh doanh, ngay cả các phòng khám bệnh tư nhân cũng là “con mồi” béo bở để các đối tượng giả danh cán bộ lừa bán hàng. Thủ đoạn của các đối tượng này chủ yếu là tìm hiểu thông tin về các cơ sở kinh doanh, phòng khám… sau đó gọi điện thoại (chủ yếu gọi vào số máy cố định, mục đích để người nghe không nhìn thấy đầu số gọi đến) thông báo lịch kiểm tra rồi lừa bán tài liệu, tem chống hàng giả.
Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Gia Lai-khẳng định: “Đối tượng tên Long không phải người của đơn vị. Khi kiểm tra, chúng tôi sẽ thông báo bằng văn bản chứ không gọi điện. Bên cạnh đó, Cục không hề có chủ trương bán tem chống hàng giả hay tài liệu. Đơn vị đã cử cán bộ đến cơ sở của bà Mười để tìm hiểu thêm thông tin, đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ”.
Cũng trong thời gian qua, một số đối tượng còn giả danh nhân viên thu cước điện thoại để chiếm đoạt tài sản. Theo ông Tô Ngọc Linh-Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Gia Lai, gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số khách hàng trên địa bàn về hiện tượng tổng đài gọi điện thông báo nợ cước với số tiền lớn, sau đó uy hiếp chủ thuê bao với lý do số điện thoại trên có liên quan đến các hoạt động phạm pháp để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng này chủ yếu là lên mạng internet lập tổng đài tự động “ảo” rồi gọi đến máy cố định của khách hàng để thông báo nợ cước điện thoại, sau đó hướng dẫn khách bấm số 0 để nghe giao dịch viên hướng dẫn. Nhân viên này sẽ thông báo số điện thoại khách hàng đang nợ cước điện thoại số tiền lên đến cả chục triệu đồng. Thông thường, khách hàng sẽ bất ngờ và không tin, giao dịch viên giả mạo này sẽ giả bộ kết nối điện thoại đến cơ quan chức năng như: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân… nhưng thực chất cũng là người giả mạo, rồi thông báo số điện thoại trên có liên quan đến một đường dây rửa tiền hoặc một hoạt động phi pháp nào đó khiến khách hàng hoang mang, lo lắng. Sau đó, chúng tiếp tục dẫn dụ khách hàng chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ việc điều tra, nếu không liên quan sẽ trả lại tiền.
Để tránh bị rơi vào “bẫy” lừa đảo trên, ông Tô Ngọc Linh đề nghị: “Khi nhận được những cuộc gọi có đầu số lạ hoặc nháy máy từ các đầu số quốc tế (bắt đầu bằng mã 00xxx), quý khách không nên gọi lại hoặc bấm các số trên bàn phím. Khách hàng cũng không nên chuyển tiền qua các tài khoản kẻ gian cung cấp và không cung cấp các thông tin như: số chứng minh nhân dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng… khi có yêu cầu qua điện thoại”.
Trước thực trạng các đối tượng giả mạo cán bộ, sử dụng mạng internet, sim “rác” gọi điện thoại và gửi hàng theo đường bưu điện để lừa đảo ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho rằng: Ngành Viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp như: chụp ảnh, thông tin chứng minh nhân dân… để xác định chính chủ thuê bao nhưng tình trạng sim “rác” vẫn còn. “Trong trường hợp nghi ngờ điện thoại lừa đảo hoặc bưu kiện khả nghi, người dân nên báo ngay với cơ quan chức năng, nhất là ngành Công an. Vì theo Luật An ninh mạng, Giám đốc Công an tỉnh có quyền yêu cầu đơn vị viễn thông cung cấp thông tin thuê bao để điều tra, xác minh. Về phía Sở Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiến hành thanh tra theo kế hoạch, từ đó kiểm tra cơ sở dữ liệu, quản lý thuê bao của các đơn vị viễn thông”-ông Hùng cho biết.
Dã Quỳ