Cảnh báo tình trạng giết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu tháng 11-2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ giết người, trong đó có 2 vụ giết người cướp tài sản, số vụ còn lại là do các nguyên nhân khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh nhanh chóng điều tra làm rõ thủ phạm và động cơ gây án. Điều đáng nói là phần lớn các vụ án mạng trong thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống.

Nỗi đau từ những vụ án mạng

 

Đối tượng Rơ Chăm Kheo thực nghiệm lại hành vi đánh vợ. Ảnh: Hữu Trường
Đối tượng Rơ Chăm Kheo thực nghiệm lại hành vi đánh vợ. Ảnh: Hữu Trường

Vụ án chồng giết vợ xảy ra tại buôn Chính Đơn 1 (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) là một trong những minh chứng đau lòng. Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 17 giờ ngày 3-1-2014, Rơ Chăm Kheo và vợ là chị Rơ Ô H’Im cùng 3 đứa con đang ăn cơm tối. Chị H’Im trách cứ chồng không chịu đi làm mà suốt ngày uống rượu say. Kheo bực tức lấy chày giã ớt bằng gỗ đánh một nhát lên đầu làm chị H’Im bị ngất tại chỗ. Kheo kéo lê chị xuống phía dưới nhà sàn dùng dây thừng cuốn 3 vòng ở cổ siết cho đến khi nạn nhân chết hẳn.

Qua khám nghiệm, cơ quan Công an xác định chị H’Im chết do nghẽn hô hấp và bị chấn thương sọ não. Gây án xong, Kheo thản nhiên bế đứa con út 5 tuổi qua nhà hàng xóm chơi. Tiến hành xác minh truy tìm hung thủ, cơ quan Công an phát hiện Rơ Chăm Kheo có nhiều biểu hiện nghi vấn. Biết không thể chối tội, vào 8 giờ sáng hôm sau, Kheo đến cơ quan Công an đầu thú.

Được biết, Rơ Chăm Kheo kết hôn với chị H’Im từ năm 1999, có với nhau 3 người con. Những năm qua, vợ chồng Kheo luôn tu chí làm ăn, mặc dù kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ luôn được bà con trong buôn hết lòng động viên, giúp đỡ. Khoảng một tháng trước khi gây án, Kheo thường uống rượu say về nhà chửi mắng vợ con, giữa hai người nhiều lần xảy ra lớn tiếng cãi vã. Hành động mất nhân tính của Kheo đã đẩy 3 đứa trẻ phải sống thiếu bàn tay chăm sóc của cha lẫn mẹ. “Hôm chị H’Im chết, trong nhà không có tiền, gạo, phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con trong buôn quyên góp để mai táng.

Mọi người trong buôn rất lo cho tương lai bọn trẻ vì chúng quá nhỏ tuổi mà phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Từ ngày mẹ chết, bố bị bắt, cháu Rơ Ô H’Liêu (14 tuổi) con gái đầu phải lên rẫy mót củ mì, làm thuê để kiếm từng bữa cơm để nuôi hai em, điều kiện để các em tiếp tục học tập thực sự rất khó khăn…”-anh Phạm Văn Thiềm-một người dân ở xã Ia Mlah, cho biết.
 

Bị cáo Trần Quốc Vy. Ảnh: Văn Ngọc
Bị cáo Trần Quốc Vy. Ảnh: Văn Ngọc

Vụ án em giết anh ruột xảy ra ở làng Glung A (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cách đây gần một tháng, nhưng với vợ chồng ông Nay DjHuêch thì dường như mới vừa xảy ra hôm qua. Khoảng 16 giờ ngày 28-3-2014, Rmah Nét (SN 1994) và anh ruột là Rmal Jal (SN 1992), cùng ba người khác tổ chức uống rượu tại nhà ông Nay DjHuêch (bố đẻ của Jal và Nét). Đến khoảng 18 giờ cùng ngày mọi người về còn hai anh em Jal và Nét tiếp tục uống rượu. Chỉ vì bực tức anh trai nhắc lại mâu thuẫn giữa hai anh em trước đây, Nét ném điện thoại rồi xuống nhà bếp lấy con dao nhọn. Thấy vậy, Jal xông vào dùng 2 tay bóp cổ Nét thì bị Nét đâm một nhát vào bụng, Jal chết trên đường đi cấp cứu. Gây án xong, Nét bỏ trốn nhưng sau đó y bị cơ quan Công an bắt giữ.

Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Hữu Đức-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, số vụ án giết người do nguyên nhân xã hội có diễn biến phức tạp, phần lớn giữa nạn nhân và hung thủ là người thân hoặc quen biết với nhau. Chỉ một phút bốc đồng, thiếu kiềm chế, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống cũng có thể dẫn đến án mạng.

Để ngăn chặn tình trạng nói trên, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Cụ thể là phải làm tốt công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức cho mọi người để phòng ngừa chung trong xã hội. Khi phát hiện mâu thuẫn, người thân, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải nếu không giải quyết dứt điểm thì báo cơ quan Công an kịp thời vào cuộc ngăn chặn, không để những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài dẫn đến án mạng.

Hữu Trường

Có thể bạn quan tâm