Lật lại hồ sơ
(GLO)- Ngày 21-2-2003, UBND huyện Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa) ra Quyết định số 117/QĐ-UB phê duyệt danh sách 205 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất cần đăng ký khai hoang thủ công hơn 75 ha đất thành ruộng lúa 1 vụ và lúa nước 2 vụ tại 6 thôn, làng (Plei A’Min, Plei Tel A, Plei Tel B, và Plei Sinh A, B, C) của xã Ia Sol (thuộc huyện Ayun Pa cũ, nay là huyện Phú Thiện) với tổng kinh phí 313.400.000 đồng (mức hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha). Bên cạnh đó, ngày 1-3-2003, UBND huyện Ayun Pa ra Công văn số 26/CV-UB tiếp tục phê duyệt danh sách 60 hộ dân thuộc đối tượng Chương trình 132 của Chính phủ, bổ sung đăng ký san ủi 39,25 ha đất ở 3 thôn Kế Tân, Plei Mil và Ia Peng (xã Ia Sol) với tổng kinh phí 134.150.000 đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chưa đầy 1 năm, cán bộ xã Ia Sol đã qua mặt cấp trên.
Ngôi nhà ông Dương Văn Viễn đã bị ủi. Ảnh: Ngọc Linh |
Qua điều tra của chúng tôi, để lập danh sách các hộ “đăng ký” khai hoang và triển khai Chương trình 132, các cán bộ xã Ia Sol đã thuê vợ chồng ông Kpa Mak với thù lao 20.000 đồng/người/ngày để lập danh sách, ký xác nhận khống các hộ người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Do đó, nhiều người có tên là “chủ hộ đăng ký khai hoang” theo Quyết định 117 của UBND huyện Ayun Pa đều là người trong một gia đình. Chẳng hạn gia đình anh Ksor Đoan (ở Plei Sinh) thì 2 người con anh là Rah Mah H’An và Rah Mah Din đều được cho là hai chủ hộ để được nhận đất khai hoang ảo. Hay như trường hợp của em Ksor Bênh (ở Ia Peng), thời điểm đó dù mới chỉ học lớp 5 nhưng vẫn được cho là chủ hộ có đất khai hoang. Gia đình em nói rằng họ không hề biết một chút gì chủ trương này cả.
Khu vực Jư Rok-Plei A’Min là vùng đất đã được khai hoang từ năm 1997, do ông Kpa Mak-Thôn phó lúc ấy làm đơn xin UBND xã Ia Sol cũ (nay là xã Ia Sol và thị trấn Phú Thiện) giao 9,87 ha đất lại cho bà con trồng lúa nước 2 vụ, nước do trạm bơm ông Kpa Mak đầu tư. Ấy vậy mà sau hơn 6 năm sản xuất (từ năm 1997 đến 2003), phần đất đó vẫn được các cán bộ UBND xã Ia Sol xếp vào danh sách đề nghị duyệt kinh phí hỗ trợ khai hoang.
Theo kết luận của Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh vào ngày 22-2-2005: Những sai phạm của các cán bộ xã Ia Sol trong triển khai Chương trình 132 tại xã Ia Sol cực kỳ nghiêm trọng. Chỉ riêng với chương trình khai hoang 75 ha cho 205 hộ dân tộc thiểu số theo Quyết định 117 của UBND huyện Ayun Pa thì đã có 52,45 ha là đất đã canh tác! Thực chất việc khai hoang ở đây chỉ là “cải tạo đất rẫy thành ruộng một vụ”, tức cũng trồng lúa “rẫy”; khai hoang chưa đúng quy trình; đất chưa được cày, xới; diện tích khai hoang không đúng với thực tế! Ngoài ra, còn có 12,638 ha đất rẫy (chứ không phải đất hoang theo tinh thần Quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ) được cải tạo thành ruộng 2 vụ! Đối với 32,25 ha đất khai hoang bổ sung theo Công văn số 26/CV-UB của UBND huyện Ayun Pa, biên bản kết luận hiện trạng đất được xác định là khai hoang cơ giới, không cày xới, không bừa!
Giơ cao… đánh khẽ?
Từ kết luận của Đoàn thanh tra liên ngành, ngày 1-6-2005, UBND huyện Ayun Pa ra Quyết định số 08/QĐ-UB thu hồi số tiền của hai cá nhân sử dụng xe cơ giới trong hợp đồng khai hoang với lãnh đạo UBND xã Ia Sol với số tiền 52.457.000 đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Số tiền phạt trên so với tổng số tiền Nhà nước đầu tư vào Chương trình 132 tại xã Ia Sol là 447.550.000 đồng chỉ như muối bỏ bể. Song điều kỳ lạ chưa dừng ở đây, 3 cán bộ UBND xã Ia Sol là ông Vũ Đức Minh-nguyên Chủ tịch UBND; ông Bùi Văn Đông-nguyên Kế toán-Tài chính và ông Trần Khắc Luân- nguyên cán bộ Địa chính-Xây dựng chỉ bị UBND huyện Ayun Pa (cũ) xử lý theo các hình thức khiển trách và cảnh cáo.
Không thể chấp nhận cách xử lý qua loa này, từ năm 2004 đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi. Ngày 20-9-2007, ông Dương Văn Viễn (thôn Ia Zút) cùng một số người dân xã Ia Sol đã ra tận Hà Nội để trình bày sự việc. Ngày 28-9-2007, Cục Chống tham nhũng-Thanh tra Chính phủ ra Công văn số 65/CCTN-HCTH đề nghị Thanh tra tỉnh Gia Lai kiểm tra rà soát các nội dung công dân phản ánh, đề xuất với UBND tỉnh có biện pháp xử lý. Đến ngày 10-11-2007, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã gửi Văn bản số 247/TTr-XKT lên Cục Chống tham nhũng, UBND tỉnh báo cáo kết quả xử lý đối với những cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, có một thực tế là số tiền những cán bộ lợi dụng chủ trương đúng đắn của Chính phủ để thu lợi bất chính đến nay vẫn chưa được thu hồi do việc chia tách huyện Ayun Pa thành thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện. Cũng trong Văn bản số 247/TTr-XKT, Thanh tra tỉnh Gia Lai báo cáo với Cục Chống tham nhũng rằng ông Vũ Đức Minh đã được xử lý kỷ luật cảnh cáo, thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Ia Sol… Song, trên thực tế, ông Vũ Đức Minh sau đó được điều chuyển sang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện ngày nay).
Ngọc Linh